Vào tháng 9, Đan Mạch dường như đã “về đích” sớm trong cuộc đua với đại dịch Covid-19. Quốc gia châu Âu này đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch và tuyên bố Covid-19 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng” ở đất nước này.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, Đan Mạch sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường như trước khi đại dịch bùng phát. Người dân có thể đến các câu lạc bộ đêm và nhà hàng mà không cần xuất trình “thẻ xanh vaccine”, không cần đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và có thể tụ tập đông người.
Tuy nhiên, niềm hân hoan và vui sướng khi trở lại cuộc sống bình thường của người dân Đan Mạch không kéo dài lâu.
Đan Mạch, giống như nhiều quốc gia khác trên khắp châu Âu, đang xem xét có nên áp đặt lại các biện pháp hạn chế hay không trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với số ca mắc Covid-19 tăng cao, khiến khu vực này trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước tại châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và việc triển khai tiêm vaccine vẫn còn chậm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng châu Âu có thể ghi nhận thêm 500.000 ca tử vong do Covid-19 trong mùa đông tới.
Chỉ trong vòng vài tháng, tình hình dịch bệnh ở châu Âu đã thay đổi đáng kể. Vào cuối mùa hè, nhiều quốc gia đã dỡ bỏ những hạn chế nghiêm ngặt do số ca mắc bệnh giảm mạnh và chương trình tiêm chủng diễn ra thành công.
Giờ đây, khi các khu vực khác trên thế giới mở cửa trở lại, châu Âu một lần nữa có thể đối mặt với làn sóng Covid-19 tồi tệ vào mùa đông với các hạn chế nghiêm ngặt.
Áp đặt lại các hạn chế
Ngày 8/11, chính phủ Đan Mạch đề xuất áp dụng lại “thẻ xanh vaccine” – một hình thức chứng nhận đã tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi vào các quán bar và nhà hàng. Động thái này diễn ra khi Đan Mạch có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Các quy định này sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội Đan Mạch nhưng nó cho thấy tính cấp thiết của việc ứng phó với đợt bùng phát mới. Số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày ở Đan Mạch đã tăng từ hơn 200 ca vào giữa tháng 9 lên khoảng 2.300 ca trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, Đan Mạch không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình huống này. Trong tuần này, Áo không cho phép những người chưa tiêm chủng vào nhà hàng và khách sạn trong bối cảnh số ca mắc bệnh tại nước này tăng cao. Iceland cũng áp dụng lại quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Đức cũng ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục. Theo Viện Robert Koch của Đức, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Đức trong 7 ngày đã tăng lên 213,7 người trên 100.000 người.
Tại một số bang phía Đông của Đức như Sachsen và Thuringia, tỷ lệ lây nhiễm cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình toàn quốc, ở mức hơn 400 người mắc bệnh trên 100.000 người.
Anh cũng đang đối phó với làn sóng lây nhiễm mới sau khi dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế Covid-19. Mặc dù vậy, trái ngược với những nước châu Âu khác, Anh không có kế hoạch khôi phục các biện pháp hạn chế, bao gồm cả quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Tiếp tục chương trình tiêm chủng
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca mắc Covid-19 tại Đan Mạch gia tăng trong bối cảnh nước này có tỷ lệ tiêm chủng cao, với 88,3% người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ.
“Một số quốc gia châu Âu hiện đang ở trong làn sóng Covid-19 thứ tư. Đối với Đan Mạch, chúng tôi đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba”, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke cho biết.
Theo ECDC, những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) là các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với trung bình 75% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine tại các nước trong khối diễn ra không đồng đều. Romania và Bulgaria mới tiêm chủng đầy đủ cho lần lượt 40% và 27% người trưởng thành.
Hiện tại, các nước đang tập trung tiêm mũi tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vào mùa đông, đặc biệt khi người dân sẽ tụ tập nhiều hơn trong khoảng thời gian Giáng sinh và Năm mới.
Đức và Áo tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả những người đã tiêm mũi thứ hai sau 6 tháng. Pháp đã tiêm liều vaccine thứ ba cho những người trên 65 tuổi, những người có bệnh nền và các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Thủ tướng Boris Johnson trong tuần này cho biết, tới nay Anh đã tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine tăng cường./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.