Mì Quảng được giới thiệu trên báo kinh tế lớn nhất Nhật Bản
Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ, khi hội nghị APEC diễn ra năm 2017 ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm đó đã mời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo về Hội An ăn mỳ Quảng. Ông Abe tỏ ra rất thích thú với món ăn này.
“Tôi phải tranh thủ cơ hội ngay. Tôi đã giới thiệu món mỳ Quảng tại Nhật Bản và đưa lên báo kinh tế lớn nhất của Nhật Bản là Nikkei. Các bạn Nhật Bản rất thích thú với món ăn mà lãnh đạo cao cấp nhất của họ đã được thử”, Đại sứ Nam cho hay.
“Món mỳ Quảng rất khó nấu vì cần nguyên liệu đặc trưng của tỉnh Quảng Nam. Vì khó khăn đó nên tôi phải tìm cách cho họ thử để đẩy cảm xúc của người tiêu dùng lên. Tôi đã tổ chức một cuộc gặp mời các nghệ nhân đến nấu ăn, đưa các dụng cụ nấu mỳ Quảng từ đất Quảng sang rồi mời các bạn bè người Nhật đến ăn. Họ rất thích và từ đó họ đi quảng bá, giới thiệu về món ăn này. Bài báo trên cũng có tác dụng rất lớn khi nhiều bạn bè gọi điện tới hỏi thăm về món mì Quảng”.
Đại sứ Nam cho rằng, thông qua hình thức đó, chúng ta quảng bá được những món ngon mà chúng ta yêu thích ở Việt Nam, đồng thời giúp bạn bè quốc tế biết thêm nhiều về các món ăn Việt Nam, bên cạnh những món như: phở, nem…
Ngoài ra, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, chúng ta phải tự hào về món ăn của mình.
Từ 500 bát phở vượt gần 1.000 km đến chuỗi nhà hàng Việt ở Hokkaido
Tại Nhật Bản, món ăn của họ rất ngon. Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để họ thích món ăn của Việt Nam?
Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ, ở Hokkaido, năm 2018, khi Đại sứ đến, không có một quán ăn Việt Nam nào.
“Tôi phải tổ chức ngay một lễ hội tại đây. Tôi chuẩn bị khoảng 500 bát phở, chở bằng xe từ Tokyo lên mất khoảng 12 tiếng với gần 1.000km nhưng chỉ bán nửa ngày là hết sạch. Phở của Việt Nam rất hợp với khí hậu lạnh ở Hokkaido. Sau khi chúng tôi giới thiệu với các bạn thì ngay năm sau đã có thêm 1 quán Việt, năm sau nữa có thêm 2 quán Việt và đến nay đã có một hệ thống nhà hàng Việt ở đó. Các bạn Nhật Bản rất thích. Thông qua các nhà hàng này, ngoài ẩm thực, chúng ta còn quảng bá được tranh, áp phích về danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Họ còn được tiếp xúc với người Việt mình nên các giá trị và ý nghĩa được nhân lên rất nhiều”, Đại sứ Nam chia sẻ.
“Đi đâu cũng luôn hỏi bạn ăn phở chưa?”
Tuy nhiên, tại Kagoshima – một điểm cực cuối của Nhật Bản, Đại sứ Nam lại có một cách làm khác.
“Nơi đây không có nhà hàng Việt nhưng những người sinh sống ở đây rất muốn thưởng thức món ăn Việt. Do địa điểm xa hơn Hokkaido nên chúng tôi không thể tự tổ chức được. Do có mối quan hệ thân thiết với thống đốc nên chúng tôi đã thảo luận để hai bên cùng làm. Chúng tôi đã tổ chức Tết cho người Việt năm 2019, trong đó có cả các món Việt. Chúng tôi làm Tết cho người Việt nhưng mời cả các bạn Nhật. Hiện tại đã có hàng Việt ở đây và các bạn Kagoshima hiện đều chia sẻ là khi có khách tới đều đưa đến quán Việt bởi món phở ở đây rất ngon. Thông qua đó, họ hiểu người Việt mình hơn và yêu người Việt mình hơn. Sự hiện diện văn hóa của mình chắc chắn vững chân ở những khu vực đó”.
Đại sứ Vũ Hồng Nam bình luận, chúng ta phải có những hình thức quảng bá cụ thể, để khích lệ người ta quan tâm tới những món ăn của mình.
“Đi đâu cũng luôn hỏi bạn ăn phở chưa? Nếu họ bảo chưa thì mình tiếp lời rằng: ‘Sao món ngon như vậy mà ông chưa thưởng thức’. Nếu ông lên mạng tìm kiếm đi sẽ thấy phở Việt Nam. Khi họ thích thú, quan tâm rồi thì mình phải có cách cho họ tiếp cận. Khi họ được tiếp cận, nghe và thưởng thức thì sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa. Cho đến nay, sự hiện diện của món ăn Việt tại Nhật Bản khá là vững chắc”, Đại sứ Nam cho hay.
Ngoài ra, theo Đại sứ Nam: “Chúng tôi cũng có một cách khác là tổ chức các hội đoàn. Qua các hội đoàn, chúng tôi đã nhân bản hai cách tiếp cận là tổ chức lễ hội và giới thiệu về ẩm thực. Các hội đoàn đó sẽ thay cho đại sứ quán. Chúng tôi đã tổ chức được gần 20 hội đoàn. Mỗi hội đoàn lại có hệ thống bạn bè của họ nên có thể quảng bá rất tốt. Đến nay người Nhật đã quen với nhiều món Việt như phở, bún chả, nem…".
Quan trọng là truyền cảm hứng cho người tiêu dùng
Về mặt hàng hoa quả thì Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản lại có cách làm khác. “Mình phải truyền cảm hứng cho họ. Khi các bạn hỏi Việt Nam có quả gì, chúng tôi nói có tất cả hoa quả nhiệt đới. Chuối của Việt Nam hiện nay là ngon nhất và được đưa vào Nhật Bản rất nhiều”.
Đại sứ Nam cũng chia sẻ một câu chuyện thú vị về rau mùi. Ông cho biết, người Nhật ban đầu rất sợ rau mùi nhưng đến giờ họ rất thích loại rau này và có người không có rau mùi thì không ăn phở. Chúng ta đã giới thiệu với các bạn Nhật Bản rằng rau mùi là một phần của phở, ngoài ra, nó cũng có tác dụng kháng sinh giúp con người khỏe mạnh hơn và hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
“Mình đã giới thiệu dần và các bạn Nhật cũng thử dần. Đến nay thì nhiều người rất thích, từ đó đã dẫn tới sự thay đổi trong hệ thống nhập khẩu nông sản Việt Nam vào đất Nhật và thậm chí loại rau này giờ còn được trồng tại Nhật”.
Câu chuyện về rau muống xào cũng như vậy. Trước giờ người Nhật không bao giờ ăn rau xào nhưng giờ người Nhật vào các quán Việt rất hay gọi rau muống xào tỏi. Đó là do ảnh hưởng từ sự truyền bá của chúng ta. Và khi món ăn của chúng ta đã đứng vững trên thị trường thì chúng ta sẽ lan tỏa. Thông qua bạn bè, đối tác… chúng ta sẽ lan tỏa được rộng hơn.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cũng chia sẻ về một câu chuyện rất tình cờ và thú vị của ông khi đi thăm một bảo tàng tại địa phương.
“Khi đó, tôi có gặp một nhóm trẻ em người Nhật. Khi tôi hỏi vui các con có biết Việt Nam không, có biết hoa quả nào của Việt Nam không, các con nói có chuối, có xoài. Tôi hỏi còn loại quả nào nữa không thì các con không biết. Tôi mới hỏi đã bao giờ ăn quả vải chưa? Các con bảo có nghe tới nhưng chưa được ăn. Mùa vải năm 2020 Việt Nam bắt đầu nhập khẩu được vào Nhật Bản. Khi đó, tôi đã gửi cho các cháu một thùng vải và sau đó tạo được hiệu ứng rất mạnh. Các cháu và cô giáo rất thích rồi sau đó đã đăng lên Facebook và được bạn bè vô cùng quan tâm. Bố mẹ của các cháu cũng rất thích và đã tìm mua để thưởng thức. Rất nhiều người gọi tới hệ thống siêu thị Aeon để hỏi vải thiều. Như vậy, nếu như năm 2020 chúng ta chỉ đưa vào được khoảng 10 tấn vải thì năm 2021, chúng ta đã đưa được vào gần 50 tấn và hết sạch trong vòng mấy ngày. Tôi tin rằng năm 2022 tới, vải Bắc Giang sẽ được tiêu thụ nhiều tại Nhật Bản”.
Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá, thị trường Nhật Bản rất khó tính, người Nhật rất “sành” và đòi hỏi cao nên khi vải Việt Nam vào được Nhật đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Phía Singapore, EU và Australia đã bắt đầu nhập khẩu vải Việt Nam. Dù số lượng không nhiều nhưng đã tạo được hiệu ứng tốt. Thị trường trong nước cũng rất sôi động khi số lượng vải năm 2021 đã tiêu thụ hết sạch.
“Mình làm những hoạt động tuy nhỏ nhưng đã truyền cảm hứng được cho người tiêu dùng, thể hiện niềm tự hào của chúng ta và thông qua đó, lan tỏa được hàng hóa của chúng ta cũng như xâm nhập vào thị trường nước bạn”, Đại sứ Vũ Hồng Nam bày tỏ.