Ngày 12/3, Liên minh châu (EU) đã nhất trí về một khuôn khổ cho biện pháp trừng phạt đầu tiên với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đây được cho là phản ứng mạnh mẽ của EU thể hiện sự ủng hộ với Washington và “nhắc nhở” Nga trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16/3 tới.

obama1.jpg
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatseniuk trong cuộc găp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng (Ảnh: AP)

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatseniuk ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Nga có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp mạnh mẽ hơn từ phương Tây nếu nước này không thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine.

Về phần mình, phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục, ông Yatsenyuk tuyên bố, Ukraine sẽ "không bao giờ đầu hàng" trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, song cũng muốn là một đối tác tốt của Nga và sẵn sàng đàm phán với Moscow.

Ngày 10/3, Quốc hội Crimea đã tuyên bố tách khỏi Ukraine và coi đó là bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3.

Trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, nếu phần lớn người dân ủng hộ, chính quyền Crimea sẽ yêu cầu Liên bang Nga công nhận bán đảo này là một phần của Nga.

Ông Yatseniuk nói: “Nếu đó là vấn đề Crimea, Chính phủ Ukraine sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại toàn quốc đề bàn về cách thức tăng quyền tự chủ của nước Cộng hòa tự trị này, có thể bắt đầu từ các vấn đề liên quan đến thuế và sau đó là các khía cạnh khác, chẳng hạn như vấn đề ngôn ngữ”.

Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt của EU sẽ là cấm thị thực và đóng băng tài sản của những cá nhân và công ty (trong một danh sách chưa công bố) bị EU buộc tội vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các biện pháp này sẽ được áp dụng từ thứ hai (17/3) tới, trừ khi một cuộc đàm phán ngoại giao được tiến hành.

Các biện pháp tương tự từng được Washington công bố, nhưng theo đánh giá, ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do EU áp dụng với Nga sẽ lớn hơn, vì EU là đối tác quan trọng nhất nhập khẩu nhiên liệu của Nga.

Thông thường, các quyết định của EU cần rất nhiều thời gian để tham khảo lấy ý kiến của các thành viên, đưa ra bàn thảo nhưng lần này lệnh trừng phạt Nga được quyết định “tương đối nhanh”. Nhiều người cho rằng, sở dĩ quyết định lần này nhanh chóng được đưa ra là để cố cứu vãn tình hình trước cuộc trưng cầu dân ý của Crimea ngày 16/3.

Trên thực tế, trước đó, bà Merkel đã đề đạt kế hoạch thành lập một “nhóm liên lạc” quốc tế để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Crimea nhưng Moscow từ chối hợp tác. Theo giới phân tích, một cuộc chiến các lệnh trừng phạt, trong đó phương Tây trừng phạt Nga và Nga trả đũa phương Tây sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. 

Nhận thức rõ được điều này, EU coi việc áp dụng lệnh trừng phạt với Nga như việc “cực chẳng đã”. Thủ tướng Đức tỏ ra lấy làm tiếc: “Chúng tôi đã dành thời gian cho việc thành lập một nhóm liên lạc trước khi buộc phải xem xét áp dụng giai đoạn hai của lệnh trừng phạt. Sáu ngày trôi qua kể từ đó, những nỗ lực của chúng tôi để thành lập nhóm này đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào”.

Chạy đua trước giờ G

Ngày 27/2, Quốc hội Crimea đã bổ nhiệm ông Sergei Aksyonov làm Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị này trong một phiên họp kín. Chỉ 2 ngày sau đó, ông Putin ra tuyên bố, Nga có quyền đưa quân vào Ukraine để bảo vệ công dân Nga.

Cho đến nay, ông Putin vẫn khẳng định không đưa quân vào Crimea như cáo buộc của phương Tây (Ảnh: RT)

Tình hình Crimea đang ngày càng trở nên nóng hơn trước cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự chủ của nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.

Để chuẩn bị cho thời điểm quan trọng này, một nhà lập pháp cấp cao của Nga ngày 12/3 đã đề nghị Moscow đưa quân đến Crimea để chống lại bất kỳ “sự can thiệp vũ trang” nào của các lực lượng của Ukraine trong ngày 16/3.

Trước đó, ông Putin và các quan chức cấp cao khác của Nga phủ nhận việc đưa quân vào Crimea và vẫn khẳng định rằng, những người đàn ông có vũ trang đang nắm quyền kiểm soát những khu vực quan trọng ở Crimea là lực lượng “tự vệ” địa phương, không phải binh sĩ Nga.

Ngày 12/3, hãng tin RIA Novosti dẫn lời đại diện của văn phòng báo chí Quốc hội Crimea cho biết 78 trên tổng số 100 đại biểu đã tán thành việc tuyên bố độc lập trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/3. Bản tuyên bố đăng trên trang mạng của Quốc hội, khẳng định hành động này là phù hợp với luật pháp quốc tế khi viện dẫn phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2010 trao quyền cho Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia.

Tuyên bố trên là động thái mới nhất của Crimea để củng cố cơ sở pháp lý cho cuộc trưng cầu dự kiến vào chủ nhật tuần này. Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho biết, tuyên bố độc lập của Quốc hội Crimea “hoàn toàn hợp pháp” và Moscow sẽ tôn trọng đầy đủ các kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.

Ngay sau động thái này, Ukraine đã phản ứng nhanh chóng bằng việc thành lập lực lượng phòng vệ quốc gia mới. Quốc hội Ukraine cũng ra tối hậu thư cho Crimea hủy cuộc trưng cầu dân ý hoặc Kiev sẽ tuyên bố giải tán Quốc hội khu vực này. Tuần trước, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov của Ukraine cũng ký sắc lệnh yêu cầu Crimea bỏ trưng cầu dân ý nhưng bị Crimea phớt lờ.

Theo CNN, để chuẩn bị cho bỏ phiếu, các lực lượng thân Nga tiếp tục siết chặt kiểm soát Crimea. Các chuyến bay đến Simferopol đã bị hoãn đến hết tuần, việc kiểm tra an ninh với các chuyến tàu khách đi vào bán đảo cũng được tăng cường.

Crimea chỉ có một lựa chọn?

Ở vào thời điểm trước cuộc trưng cầu dân ý ba ngày, khắp nơi trên đường phố ở trung tâm Crimea, ngập tràn các biểu ngữ: “Mùa xuân Crimea – Nga!” và “Trưng cầu dân ý – Crimea với Nga!”.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, một người dân Crimea nói: “Vậy là quá đủ với Ukraine rồi, giờ đây chúng tôi phải quay trở lại với quê hương của mình”.

Một binh sĩ bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Simferopol (Ảnh: RIA Novosti)

Trong khi đó, một người khác lại có ý kiến trái ngược: “Crimea đã là một phần của Ukraine kể từ những năm 1950, tôi không hiểu sao họ lại muốn cắt lìa một phần lãnh thổ vốn thuộc về Ukraine. Tôi sẽ bỏ phiếu chống lại việc Crimea độc lập”.

Mới đây, tờ Kiev Post đã đăng tải hình ảnh mẫu lá phiếu trưng cầu dân ý của Crimea, do Quốc hội Crimea công bố, để quyết định tương lai của nước cộng hoà tự trị này.

Theo đó, các cử tri chỉ có quyền được đánh dấu vào một trong 2 ô lựa chọn:

"Bạn có ủng hộ Crimea gia nhập Liên bang Nga như là một thực thể?" và "Bạn có ủng hộ việc khôi phục lại Hiến pháp Crimea năm 1992 và quy chế Crimea như là một phần của Ukraine? (Hiến pháp năm 1992 tuyên bố Crimea là một quốc gia độc lập).

Kiev Post cho rằng, các cử tri Ukraine ở Crimea thực tế có 2 lựa chọn: gia nhập Nga ngay lập tức hay tuyên bố độc lập và sau đó sát nhập vào Nga. Sự lựa chọn chỉ có thể là: "Có, ngay bây giờ", hay "Có, sau này". Và vì thế, bỏ phiếu "Không" không phải là một lựa chọn.

Mỹ vẫn một mực phản đối

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ và các đồng minh sẽ buộc phải hành động để khiến Nga trả giá nếu Moscow xúc tiến trưng cầu dân ý nhằm tách bán đảo Crimea khỏi Ukraine. Ông Obama cũng cáo buộc Nga sử dụng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát một khu vực lãnh thổ của quốc gia khác, thiết kế một cuộc trưng cầu dân ý không phù hợp, bỏ qua những quy tắc hiến định của Ukraine.

Ông Obama nói: “Chúng tôi đã và đang nói với Chính phủ Nga rằng, nếu họ tiếp tục ứng xử theo cách đó, không chỉ chúng tôi mà cộng đồng quốc tế, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác sẽ buộc phải áp đặt các lệnh trừng phạt Nga vì hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ”.

Quốc kỳ Nga bên ngoài tòa nhà Quốc hội Crimea (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ nói rằng, Mỹ công nhận mối quan hệ mang tính lịch sử giữa Nga và Ukraine nhưng phản đối việc sử dụng sức mạnh để gây sức ép của Nga ở Crimea. Ông Obama nói: “Sẽ không phải là biện pháp phù hợp khi bạn sử dụng nòng súng để có được điều bạn muốn”.

Tổng thống Obama cho biết, ông hy vọng những nỗ lực ngoại giao sẽ dẫn đến việc "suy nghĩ lại" đối với cuộc bỏ phiếu dự kiến được tổ chức vào Chủ nhật tới. Ông Obama nêu rõ, Mỹ sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào như vậy.

G7 quyết không ngồi yên

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua (12/3), các nhà lãnh đạo G7 hôm qua (12/3) nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea sắp tới là "không có hiệu lực pháp lý" và kêu gọi Moscow ngừng hậu thuẫn cho bán đảo này.

Tuyên bố của G7 có đoạn: “Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea không chỉ tác động đến sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine mà còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự pháp lý dùng để bảo vệ sự thống nhất cũng như chủ quyền của các quốc gia”.

G7 cảnh báo, nếu Nga không chịu thay đổi quan điểm về Crimea, nhóm này sẽ có những hành động “cả riêng lẻ và tập thể” để trừng phạt Nga.

Bên cạnh đó, G7 cùng EU cũng cho rằng, việc Crimea sáp nhập vào Nga là một "sự vi phạm rõ ràng" Hiến chương Liên Hợp Quốc đồng thời vi phạm các cam kết của Nga trong một số điều ước quốc tế khác.

Trên thực tế, các hoạt động ngoại giao giữa Nga và phương Tây đã liên tiếp được xúc tiến thời gian gần đây nhưng không mang lại kết quả tích cực. Theo dự kiến, ngày mai (14/3), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại London. Liệu một giải pháp cho vấn đề về Crimea có thể đạt được vào phút chót? Tất cả vẫn còn đang ở phía trước nhưng chắc chắn, bất ổn ở Ukraine sẽ không thể được giải quyết trong “ngày một ngày hai”./.