Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến sự nghiệp chính trị của mình khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu và Mỹ không là ngoại lệ. Các đảng viên Cộng hòa lo ngại rằng phản ứng của Nhà Trắng và “cú đánh” của đại dịch vào nền kinh tế sẽ gây tổn hại cho triển vọng tái đắc cử của ông.

trump_vwrl.jpg
Tổng thống Mỹ phát biểu ở phòng Bầu dục hôm 11/3 theo giờ địa phương (Ảnh: Reuters)

Chứng khoán lao dốc

Các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ mà ông Trump luôn “khoe” trong suốt nhiệm kỳ của mình như là bằng chứng cho sự thành công của ông cắm đầu lao dốc hôm thứ Năm (12/3, theo giờ Mỹ) - một ngày sau khi ông cố gắng làm an lòng người Mỹ với bài phát biểu từ Phòng Bầu dục, hứa hẹn các giải pháp kích thích kinh tế và tuyên bố một lệnh cấm đi lại trong 30 ngày đối với công dân châu Âu.

Một số đảng viên Cộng hòa lo lắng rằng các biện pháp này là quá ít ỏi, quá muộn đối với chính quyền, trong bối cảnh dịch hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, đã khiến ít nhất 50 người Mỹ tử vong.

Ngày 12/3, các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều mất điểm thảm hại. Chỉ số S&P 500 mất 26,7% giá trị trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 10%, mức sụt giảm cao nhất kể từ tháng 10/1987. Diễn biến phức tạp của Covid-19 và sự sụt giảm giá trị cổ phiếu ở Phố Wall đã dẫn tới lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ. 

Ông Mike DuHaime, một chiến lược gia đảng Cộng hòa, người điều hành các chiến dịch tranh cử ở New Jersey, nói: "Sức mạnh lớn nhất của tổng thống là nền kinh tế. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục làm tổn thương những nhà đầu tư, nó sẽ làm tổn thương sự nghiệp chính trị của chính tổng thống”.

Coi nhẹ mối đe dọa của dịch khiến ông Trump “mất điểm”

Tổng thống Trump đã “ca khúc khải hoàn” vào tháng trước sau khi ông được Thượng viện tha bổng trong cuộc luận tội do đảng Dân chủ khởi xướng, ông đã sẵn sàng thế thượng phong với một nền kinh tế mạnh mẽ, trong khi các ứng viên đảng Dân chủ vẫn đang tranh cãi về việc lựa chọn ứng cử viên cuối cùng cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Mọi chuyện đã nhanh chóng thay đổi. Đảng Dân chủ ôn hòa trong hai tuần qua đã nghiêng sự ủng hộ cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden hơn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Họ cho rằng ông Biden có thể thu hút sự ủng hộ từ khắp đảng, cũng như từ những người ôn hòa ở đảng khác.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu tại bang Delwar hôm 12/3 theo giờ địa phương (Ảnh: Reuters).

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã nắm bắt cơ hội với bài phát biểu về đại dịch Covid-19 hôm thứ Năm 12/3. Ông đã thúc đẩy chính quyền xử lý khủng hoảng trong khi thể hiện mình là một người có kinh nghiệm, vững vàng khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Một quan chức đảng Cộng hòa thân cận với Nhà Trắng cho biết: “Hiện giờ tôi thích ông Joe Biden hơn ông Trump”.

Nhắc lại rằng Tổng thống Trump đã gọi căn bệnh này là virus ngoại lai, ông Joe Biden đã cảnh báo chống lại tư tưởng bài ngoại (xenophobia), và nói virus SARS-CoV-2 không phân biệt quốc gia, chủng tộc, giới tính hay mã ZIP (mã bưu điện-ND).

Ông Joe Biden đã đưa ra kế hoạch riêng của mình để đối phó với dịch bệnh, trong đó bao gồm cả việc cho phép nghỉ ốm khẩn cấp cho người lao động và xét nghiệm virus miễn phí diện rộng. Ông cũng nói rằng số lượng mẫu xét nghiệm nên lên tới hàng triệu, chứ không phải hàng ngàn. Chính quyền Trump đã bị chỉ trích vì không thực hiện đủ các xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu.

“Sự lan truyền SARS-CoV-2 đã khiến chính quyền hiện tại bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng”, cựu Phó Tổng thống nói trong bài phát biểu kéo dài 20 phút của mình từ bang Delwar.

Một chiến lược gia của đảng Cộng hòa cho biết cách thức xử lý dịch Covid-19 của Tổng thống Trump ảnh hưởng tới ông thời điểm này, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của nó đối với triển vọng chính trị lâu dài của ông. Cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos từ ngày 9-10/3 cho thấy 55% người Mỹ không tán thành ông Trump, trong khi 40% được chấp thuận, phần lớn không thay đổi so với năm ngoái.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống thay đổi tình thế

Mối đe dọa ngày càng tăng từ đại dịch Covid-19 đã buộc Tổng thống Trump có động thái khác để đảo ngược tình thế. “Sự an toàn, an ninh và sức khỏe của người dân Mỹ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump lúc này”, một thông cáo tranh cử của ông Trump bằng văn bản cho biết.

Hôm 13/3 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng tại Mỹ. Việc tuyên bố này sẽ cho phép các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ huy động 50 tỷ USD để hỗ trợ công tác chống dịch.

Tổng thống Trump yêu cầu tất cả các bang ngay lập tức thành lập các trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp, các bệnh viện lên kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi công dân Mỹ. Tổng thống thông báo sẽ cải thiện việc xét nghiệm virus trên cả nước bao gồm việc mở rộng các điểm xét nghiệm virus cho người dân tại các siêu thị và trung tâm bán lẻ. Các phòng xét nghiệm tư nhân và các công ty sản xuất vaccine sẽ có thể tiến hành 5 triệu lượt thử virus SARS-CoV-2 trong vòng 1 tháng.

Cũng trong tối 13/3 theo giờ Mỹ (tức trưa 14/3 theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo "Luật Ứng phó nCoV Gia đình Trên hết" với 363 phiếu thuận, 40 phiếu chống và một phiếu trắng. Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu thông qua dự luật vào tuần tới trước khi trình lên Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn. Dự luật bao gồm các điều khoản cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hướng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm nCoV miễn phí.

Tổng thống Trump cho biết ông cũng ủng hộ dự luật, cho thấy khả năng cao nó sẽ được thông qua tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát vào tuần tới. Dự luật sẽ cho phép những người bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2 được nghỉ phép 2 tuần. Các doanh nghiệp sẽ có một khoản tín dụng thuế để trang trải chi phí. Công nhân có thể được nghỉ tới 3 tháng không lương nếu họ bị cách ly hoặc cần chăm sóc các thành viên trong gia đình bị mắc bệnh./.