Trung Quốc cảnh cáo sẽ “phản ứng quyết liệt”

Ngày 21/10, Thời báo Kinh doanh Quốc tế trích dẫn Thông tấn xã Nhà nước Trung Quốc cảnh cáo Mỹ sẽ phạm “sai lầm nghiêm trọng” nếu hải quân Mỹ xúc tiến các cuộc tuần tra gần các đảo mà Trung Quốc mới cải tạo (phi pháp) và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Cơ quan truyền thông này cho rằng, hành động đó có thể làm leo thang căng thẳng quan hệ giữa hai nước, dẫn tới “những hiểu lầm đáng tiếc” giữa quân đội 2 nước, đẩy Trung Quốc tới chỗ phải “phản ứng một cách tương xứng và quyết liệt”.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông leo thang căng thẳng trong năm vừa qua, khi Trung Quốc đã thực hiện cải tạo trái phép các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, và đã xây dựng 3 đường băng trên các đảo này. Bắc Kinh tuyên bố rằng việc cải tạo và xây dựng này nhằm mục đích dân sự và nhân đạo. Song Mỹ và các nước trong khu vực đều lên tiếng phản đối và cảnh báo sẽ có những hành động thực tế phản đối động thái này.

bien_dong_1_ngco.jpg
Ảnh chụp qua cửa sổ máy bay cho thấy Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa (Ảnh Reuters).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước cho biết Mỹ có kế hoạch đưa tàu hải quân vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý đối với các đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp một cách phi pháp trên Biển Đông. Ông Ashton tố cáo Bắc Kinh đang quân sự hóa các cơ sở tại đây và nhấn mạnh rằng, đây là vùng biển quốc tế và Mỹ có quyền ra vào khu vực biển quốc tế, cũng như sẵn sàng bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.

FoxNews bình luận rằng, nếu Mỹ đưa tàu hải quân vào khu vực 12 lý đối với các đảo này, đây sẽ là minh chứng cho việc Mỹ không thừa nhận các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt là những hòn đảo mà Trung Quốc mới cải tạo phi pháp không được coi là lãnh thổ có chủ quyền.

Trung Quốc đã đưa ra yêu sách Đường 9 đoạn, tuyên bố chủ quyền đối với hầu khắp Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển quan trọng, ngư trường phong phú và giàu tiềm năng tài nguyên khoáng sản.

Một bài báo đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP) nói rằng Mỹ đã không đưa tàu vào vùng biển này từ năm 2012. Và Tân Hoa Xã cho rằng bất kỳ hành động nào nối lại sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này sẽ là một "bước khiêu khích" làm ảnh hưởng quan hệ song phương Mỹ- Trung.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng nếu tàu Mỹ tiến vào vùng biển “nhạy cảm”, các tàu Trung Quốc sẽ cảnh cáo và tìm cách đưa tàu Mỹ ra khỏi khu vực này.

Một bài báo đăng trên tờ Hoàn Cầu thời báo nói rằng, nếu Mỹ xâm phạm cái mà họ gọi là “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, thì quân đội nhân dân Trung Quốc sẽ phản ứng và dùng vũ lực để ngăn lại”.

Mời hải quân Mỹ thăm Liêu Ninh, Trung Quốc thể hiện “thành ý”

Trong một diễn biến liên quan, được coi là một cử chỉ tương đối dung hòa quan hệ 2 bên, truyền thông Trung Quốc hôm 21/10 đưa tin, lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 20/10 Trung Quốc đã mời một đoàn đại biểu các sĩ quan Hải quân Mỹ lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh của nước này. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lúc bấy giờ, là vị khách nước ngoài đầu tiên được mời lên thăm tàu Liêu Ninh khi ông đến Trung Quốc trong chuyến công du 3 ngày.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh Reuters).

Hoàn Cầu Thời báo bình luận rằng, đây là một hành động "thể hiện thành ý của Trung Quốc trong mối quan hệ trao đổi quân sự với Mỹ", cùng với đó thông tin đăng trên tờ báo này cũng nói thêm rằng, hành động này cũng cho thấy "sự tự tin về sức mạnh quân sự của Trung Quốc".

Theo nguồn Hải quân Trung Quốc, một đoàn gồm 27 tướng lĩnh Hải quân Mỹ đã lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và trao đổi về diễn tập quản lý, đào tạo nhân sự, chăm sóc sức khỏe trên tàu. Tiếp sau đó, đoàn cũng đến thăm một học viện tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Chuyến thăm phản ánh  xu hướng giao lưu quân sự ngày càng tăng giữa 2 bên dù giữa 2 bên vẫn tồn tại những căng thẳng và Washington thường xuyên nói rằng quân đội Trung Quốc thiếu minh bạch. Trong nội dung tin duy nhất đăng trên Thời báo Hoàn Cầu về sự kiện này, báo này bình luận rằng chuyến thăm này là nhằm giảm bớt những hiểu nhầm, tính toán sai lầm và tăng cường hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau giữa quân đội 2 nước.

Trong một diễn biến liên quan, trong 2 ngày 19-20/10, Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN đã tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 10 về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Thành Đông, Trung Quốc. Tại Hội nghị, quan chức cấp cáo 10 nước ASEAN và Bộ Ngoại giao Trung Quốc trao đổi ý kiến về sự cần thiết phải thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa DOC, tăng cường hợp tác thiết thực trên biển. Các quan chức ngoại giao cũng tiến hành tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và trong khuôn khổ thực hiện DOC.

Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ sẵn sàng duy trì các cuộc tập trận chung với các nước ASEAN trên Biển Đông nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, và làm giảm nguy cơ “đụng độ” của các cuộc gặp gỡ tình cờ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng những lời của các quan chức và truyền thông Trung Quốc trong những tháng gần đây cho thấy Bắc Kinh dường như không thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp, mà họ coi là lợi ích cốt lõi./.