Tại cuộc gặp, Thủ tướng Áo Werner Faymann, người đồng cấp Thụy Điển Stefan Loefven và Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đều nhất trí nhiệm vụ hiện nay của các nước châu Âu là kiểm soát dòng người tị nạn, hỗ trợ cuộc sống cho họ cũng như đảm bảo an ninh trong thị trường lao động khi các nước này tiếp nhận những người di cư. 

Các lãnh đạo đều kết luận rằng, cần phải có sự hợp tác giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

ti_sbzj.jpg
Dân tị nạn ở ga tàu Croatia. (ảnh: Reuters)

Thủ tướng Áo Faymann nêu rõ nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác. 

Theo ông Faymann, châu Âu có một chính sách đối ngoại nhất quán với các nước đang rơi vào xung đột như Syria: “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư. Chỉ có thể giải quyết được khủng hoảng này cùng với một chính sách ngoại giao chung của châu Âu về Syria.”

Về việc hỗ trợ người tị nạn, nhà lãnh đạo Áo cho rằng cần phải có khoản viện trợ tài chính đáng kể, ít nhất là 5 tỷ euro để đảm bảo giải quyết các vấn đề nhân đạo và giúp những người di cư không phải tiếp tục cuộc sống phiêu bạt.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Loefven khẳng định quan điểm ủng hộ một châu Âu đoàn kết và cho rằng một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư lúc này là hết sức cần thiết. Theo ông, châu Âu không chỉ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tị nạn trên thế giới, mà còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng về trách nhiệm.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước cần đoàn kết với nhau. Không chỉ một vài nước thành viên Liên minh châu Âu mới có thể làm được điều này mà cần có sự đóng góp của tất cả các nước thành viên. Một giải pháp của cả châu Âu cho vấn đề người nhập cư là hết sức cần thiết vào lúc này. Chúng ta không chỉ có cuộc khủng hoảng nhập cư trên thế giới mà chúng ta còn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trách nhiệm của châu Âu, của Liên minh châu Âu và giờ đã đến lúc tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm đối với vấn đề này”.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel thậm chí còn kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ và các quốc gia khu vực vùng Vịnh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu được xem là tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay: “Châu Âu phải làm nhiệm vụ của mình và Mỹ cũng vậy. Không phải là Mỹ không có phần trách nhiệm đẩy người di cư phải rời bỏ nhà cửa của họ để đi lánh nạn như ở Iraq hay sao. Cả các quốc gia vùng Vịnh cũng có phần trách nhiệm”.

Cuộc họp của ba lãnh đạo châu Âu diễn ra trong bối cảnh tình hình khủng hoảng di cư đang diễn biến hết sức phức tạp, khi nhiều người tị nạn vẫn đang tập trung ở biên giới các quốc gia cửa ngõ châu Âu với hy vọng tìm được vào “miền đất hứa”.

Cuộc khủng hoảng đang khiến lãnh đạo EU chia rẽ sâu sắc. Hungary mới đây buộc tội Croatia “vi phạm chủ quyền” khi cho người tị nạn vượt qua biên giới 2 nước. Hungary còn dọa sẽ ngăn chặn việc Croatia gia nhập khối Schengen.

Dự kiến, trong ngày 23/9 tới, các lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích thảo luận về các biện pháp chung để giải quyết khủng hoảng di cư, trong đó có kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn./.