Thái độ không hợp tác của “người chiến thắng”

TheoUSAToday, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức vào tháng 1/2009, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ để bàn thảo về gói kích cầu kinh tế do ông đề xuất.

obama_iwoh.jpg
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump (trái) gặp Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Ảnh: Reuters
Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama đã “dội một gáo nước lạnh” vào các nghị sỹ Đảng Cộng hòa- những người muốn có một chút thay đổi trong chính sách thuế của ông. Tổng thống Obama đã trả lời ngắn gọn với họ rằng, “tôi là người chiến thắng”.

Một năm sau, Tổng thống Obama lại có cuộc gặp để bàn về chính sách y tế. Tại cuộc gặp được phát trên truyền hình về chính sách Obamacare- chính sách cải cách chăm sóc y tế do chính ông Obama khởi xướng- Thượng Nghị sĩ John McCain đã đề nghị ông Obama cần phải có một số điều chỉnh “theo hướng Cộng hòa hơn”.

Theo ông John McCain, lý do là bởi bang Arizona nơi ông là đại diện sẽ không bao giờ ủng hộ đề xuất ban đầu của ông Obama vốn “đầy tính Dân chủ. “Họ không muốn chúng ta thông qua dự luật này. Thay vì thế, chúng ta cần ngồi lại với nhau để bàn xem điều gì là tốt nhất cho mọi người dân Mỹ”, ông McCain cố thuyết phục.

Đáp lại, Tổng thống Obama cúi mặt xuống và thể hiện rõ sự khó chịu với ông John McCain bằng tuyên bố: “Hãy để tôi nói điều này, ông John, chúng tôi không còn phải vận động tranh cử nữa. Cuộc bầu cử đã kết thúc từ lâu”.

Kể từ đó, cụm từ “tôi đã chiến thắng” trở thành biểu tượng về thái độ của ông Obama với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa dù họ liên tiếp giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ sau các cuộc bầu cử vào các năm 2010 và 2014.

Thái độ bất hợp tác này càng được ông Obama thể hiện rõ khi Chính phủ Mỹ phải tạm đóng cửa vào năm 2013 do hết ngân sách. Khi đó, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Các ông [nghị sĩ Đảng Cộng hòa-ND] có không thích một chính sách cụ thể nào hay một Tổng thống cụ thể nào không? Nếu có thì hãy tìm cách giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử đi”.

Trước thái độ “cứng rắn” có phần thái quá của ông Obama, tờ Washington Post thậm chí đã chạy dòng tít: “Tổng thống Obama giận dữ với Quốc hội”.

Suốt 8 năm cầm quyền, ông Obama đã cho thấy, chiến thắng của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trước Thượng nghị sĩ John McCain năm 2008 và ông Mitt Romney năm 2012 đồng nghĩa với việc ông có quyền “phủ quyết” mọi đề xuất của phe đối lập.

Đảng Cộng hòa khiến ông Obama “phải thức tỉnh”

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa cũng đã cho thấy không phải cứ giành chiến thắng là “muốn làm gì thì làm”. Thắng lợi liên tiếp trong các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ cho thấy họ được chính người dân Mỹ- những người bày tỏ lo ngại thực sự về những chính sách của ông Obama- tin tưởng và tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe.

Hệ thống nhà nước nghị viện, trong đó một đảng chiếm đa số sẽ nắm chính phủ không hề tồn tại ở Mỹ. Các nhánh lập pháp và hành pháp của Mỹ hoàn toàn độc lập với nhau và Quốc hội Mỹ cũng được chia làm 2 viện khiến việc một đảng hoàn toàn thống trị đời sống chính trị Mỹ rất khó xảy ra.

Từ khi mới thành lập, những người soạn thảo Hiến pháp Mỹ đã nhận thấy, quốc gia chỉ có 4 triệu dân sinh sống rải rác khắp từ Maine tới Georgia là quá rộng lớn và có nhiều khác biệt để có thể được quản lý bởi chỉ một đảng cầm quyền duy nhất.

Hiện nước Mỹ có tới 325 triệu dân và trải dài từ Maine đến Hawaii. Mọi nỗ lực để áp đặt những luật lệ đơn phương từ một đảng phái lên toàn bộ người dân Mỹ sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Donald Trump và “bài học” từ Tổng thống Obama

Giống như ông Obama vào năm 2008, ông Trump sẽ bước vào Nhà Trắng cùng với việc Đảng Cộng hòa của ông chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Rõ ràng, việc có thể nói với các nghị sĩ Đảng Dân chủ rằng “tôi đã giành chiến thắng” là một viễn cảnh rất hấp dẫn, đặc biệt là với những người có cá tính mạnh mẽ như ông Trump.

Tuy nhiên, nếu ông Trump có thể kiềm chế được việc này, ông sẽ có cơ hội rất lớn để tiến hành những cải cách lớn lao và đạt được những thành công lớn.

Nếu ông Trump lặp lại sai lầm của ông Obama khi cho rằng, một chính phủ chỉ có thể hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm khi người đứng đầu chính phủ đó có quyền điều hành toàn bộ 325 triệu người Mỹ thì rất có thể ông cũng sẽ tạo ra một nước Mỹ đầy chia rẽ.

Người dân Mỹ muốn có một chính phủ làm việc cho họ chứ không phải cho giới tinh hoa chính trị tại Washington hay các đảng phái chính trị khác nhau. Họ muốn một chính phủ có thể đạt được những kết quả cụ thể và hiệu quả.

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump dường như đã thấm nhuần điều này. Trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton, ông Trump nhấn mạnh, chiến thắng của ông mang tính lịch sử, “nhưng một điều còn có ý nghĩa lịch sử hơn thế là chúng ta sẽ làm được những điều vĩ đại”.

Điều đó sẽ được bắt đầu với việc ông Trump cần hiểu rõ hệ thống chính quyền của Mỹ được vận hành như thế nào. Hệ thống này không được dựng lên để một Tổng thống có quyền áp đặt ý chí của mình lên trên lợi ích quốc gia.

Hệ thống này cũng được thiết lập để người dân Mỹ có quyền có tiếng nói và có quyền quyết định việc điều hành của chính phủ thông qua các cuộc đàm phán và nhượng bộ giữa đại diện của họ với Chính phủ Mỹ.

Nếu ông Trump muốn hướng tới việc khôi phục một chính phủ liên bang có thể hoạt động hiệu quả, ông ấy sẽ cần phải trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng về đoàn kết dân tộc mà người dân Mỹ đã mong chờ./.