Trong vài tuần tới, Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với một bước ngoặt – điều có thể ảnh hưởng tới các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á và sự ổn định của cả khu vực nếu 3 vấn đề bất đồng không được giải quyết.
Ba vấn đề này là: chính sách ngoại giao của Mỹ với Triều Tiên; số phận của thỏa thuận hợp tác tình báo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh của Mỹ; và các cuộc đàm phán về chi phí quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Cả 3 vấn đề đều đang ở giữa “ngã tư đường” và đang đi sai hướng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở khu phi quân sự liên Triều tháng 6/2019. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Kịch bản tồi tệ nhất là sự hội của các vấn đề này có thể dẫn tới việc vội vàng giảm hoăc rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc, trong bối cảnh Triều Tiên và Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Những tác động chồng chéo lên nhau của các vấn đề có thể dẫn đến cơn bão bất ổn ở châu Á và trên toàn cầu.
Ngoại giao Mỹ với Triều Tiên
Tháng 4/2019, Triều Tiên đưa ra thời hạn cuối năm đối với Mỹ để thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân, hoặc nếu không Bình Nhưỡng sẽ tìm “giải pháp mới” nhằm đạt được sức mạnh quân sự và kinh tế.
Tổng thống Trump đối mặt với 3 lựa chọn để giải quyết vấn đề này trước khi kết thúc năm 2019.
Ông có thể “câu giờ” bằng cách gửi một lá thư khác tới Nhà lãnh đạo Kim Jong-un; tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh nữa với ông Kim; hoặc tiếp tục với các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.
Mỗi lựa chọn lại đi kèm với những rủi ro.
Tháng 6/2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un đã nhận được “lá thư riêng” từ ông Trump với “nội dung rất tuyệt”.
Một lá thư khác nữa từ ông Trump gửi ông Kim sẽ cho cả 2 thời gian để tìm cách thúc đẩy tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore tháng 6/2018 về mối quan hệ mới, hòa bình, và phi hạt nhân hóa cũng như ngăn chặn một sự khiêu khích có thể diễn ra từ phía Triều Tiên.
Để một lá thư có thể phát huy tác dụng, ông Kim cũng sẽ vẫn cần một bước ngoặt đối thoại thuyết phục để đưa vào bài phát biểu năm mới nhằm giải thích lý do ông trì hoãn thời hạn chót của mình với Mỹ.
Một cuộc gặp thượng đỉnh nữa, lựa chọn thứ 2 của ông Trump, là không khôn ngoan nếu thiếu sự chuẩn bị phù hợp của các nhà đàm phán. Nó cũng dấy lên những rủi ro ông Trump sẽ “mắc bẫy” khi đi đến một thỏa thuận vội vàng theo đó có thể đưa lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc, làm suy yếu thêm sự ổn định trong khu vực cũng như không thể xác minh việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Ngoài ra, cuộc thượng đỉnh mới cũng có thể lặp lại kết cục “không thỏa thuận như cuộc gặp ở Hà Nội hồi tháng 2/2019 – điều đã gây thất vọng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên và dẫn tới các vụ thử vũ khí liên tiếp.
Một thỏa thuận dù là khiêm tốn, như một bước đầu tiên của một quá trình dài hơn, cũng chỉ khả thi nếu cả 2 nhà lãnh đạo để ngỏ thỏa hiệp và sẵn sàng đàm phán.
Lựa chọn thứ 3 và tốt nhất ở thời điểm hiện nay là tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Dù vậy, con đường này lại không phải dễ dàng. Ông Trump sẽ phải chấp nhận rằng sẽ khó có một bước đột phá sớm và chuẩn bị cho một sự khiêu khích có thể từ phía Triều Tiên nếu thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đưa ra không được đáp ứng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải trao quyền cho các nhà đàm phán của ông để thực sự đàm phán một thỏa thuận với Mỹ, bởi ông Trump có lẽ là Tổng thống Mỹ duy nhất sẵn lòng gặp ông Kim và đưa ra cho Bình Nhưỡng những lợi ích vượt sức tưởng tượng. Ông cũng phải hiểu rằng Mỹ sẽ không bị lúng túng bởi bất cứ hành động khiêu khích nào sau thời hạn chót [mà Triều Tiên đưa ra] – điều này chắc chắn sẽ vấp phải sức ép tối đa, sự răn đe, thậm chí đáp trả từ Mỹ.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên cần phải cho phép các cuộc đàm phán diễn ra một cách phù hợp và không rời khỏi bàn đàm phán.
Các cuộc thảo luận ở Stockhom ngày 5/10 với Mỹ đã kết thúc nhanh chóng vì Triều Tiên đã không được nghe chính xác những gì họ muốn trong một cuộc mặc cả. Bình Nhưỡng lâu nay vẫn tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc phá hủy bãi thử hạt nhân Yongbyon – điều mà 2 bên đã đưa ra bàn thảo luận ở Hà Nội – hoặc dừng tất cả các cuộc tập trận chung như một bước khởi đầu.
Liên minh ở giữa “ngã tư đường”
Hai trong số 3 vấn đề lớn có liên quan đến Hàn Quốc: tương lai của Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản và chi phí quân sự cho việc binh lính Mỹ đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên.
Bất chấp sự trì hoãn có điều kiện hồi tuần trước, Hàn Quốc vẫn muốn chấm dứt GSOMIA nếu Nhật Bản không thay đổi thái độ về những vấn đề tranh cãi có nguồn gốc lịch sử sâu sắc giữa 2 nước.
Chấm dứt thỏa thuận có thể sẽ khiến việc chia sẻ thông tin và giám sát chương trình tên lửa của Triều Tiên thêm khó khăn.
Nếu hồ sơ Triều Tiên trở lại những ngày “lửa và giận dữ” như năm 2017 – thời điểm mà nhiều người lo ngại những lời chỉ trích và đe dọa có thể nổ ra thành một cuộc xung đột không chủ ý – thì việc kết thúc GSOMIA sẽ khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không thể phối hợp hành động kịp thời.
Một vấn đề khác, việc ông Trump đang yêu cầu Hàn Quốc chi thêm 400% trong năm 2020 cho việc đồn trú 28.500 binh sỹ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên có thể đổ thêm dầu vào lửa làn sóng phản đối Mỹ ở Hàn Quốc. Trong khi đó, phía Hàn Quốc chưa chắc sẽ chi toàn bộ số tiền mà ông Trump yêu cầu.
Nếu ông Trump đáp trả bằng việc rút toàn bộ hoặc một phần binh sỹ Mỹ khỏi Hàn Quốc để làm hài lòng cử tri trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, điều này sẽ làm dấy lên căng thẳng với một đồng minh chủ chốt tại châu Á, làm suy yếu sự phòng vệ liên kết chống lại Triều Tiên. Hàn Quốc và Nhật Bản khi đó sẽ phải xem xét lại các lựa chọn vũ khí hạt nhân của riêng mình. Trong khi đó, quan hệ của Mỹ với các đồng minh sẽ ngày càng trở nên tồi tệ, từ đó làm xói mòn ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ trên thế giới.
Bất cứ tính toán sai lầm nào với 1 trong 3 vấn đề trên đều sẽ tác động đến những vấn đề còn lại. Kết cục này sẽ đem lại chiến thắng dễ dàng cho Triều Tiên, Trung Quốc và Nga./.