Lại một lần nữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công bằng chất độc hóa học tại Đông Ghouta. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức viện cớ này để đe dọa tấn công quân sự đối với Syria.

dong_ghouta_bjca.jpg
Một nạn nhân trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta, Syria. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Mỹ với Syria, nếu xảy ra không chỉ nhằm mục đích răn đe Syria liên quan đến cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà còn manh nha ý định lật đổ chính quyền Tổng thống Al Assad. Bởi ngay từ khi cuộc nội chiến bắt đầu, Mỹ và một số các nước đồng minh đã ủng hộ phe đối lập Syria “ôn hòa” và liên tục kêu gọi ông Assad từ chức.

Tuy nhiên, những bài học trong quá khứ rút ra từ các chiến dịch quân sự của Mỹ cho thấy, âm mưu lật đổ Tổng thống Assad một cách quá vội vàng mà không có một chiến lược ngoại giao hoặc tái thiết lâu dài cho Syria sẽ là “sai lầm lịch sử”.

Nguy cơ lặp lại kịch bản Lybia

Theo nhà phân tích chính trị David Alpher, việc ép buộc ông Assad rời bỏ quyền lực bằng vũ lực quân sự sẽ tạo ra thảm kịch tương tự như những gì thế giới đã chứng kiến tại Libya sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Muammar Gaddafi bị sụp đổ. Trên thực tế, cái gọi là “mùa xuân Arab” đã không mang lại nền "dân chủ" mà Mỹ và phương Tây từng hy vọng. Lybia hiện giờ đang trở nên hỗn loạn, không có một chính phủ dân sự thực sự để lãnh đạo đất nước, liên minh giữa các bộ lạc bị tan rã và cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái, các nhóm phiến quân vẫn diễn ra đều đặn từng ngày. Không ai muốn chứng kiến một Syria như vậy.

Sự trỗi dậy của khủng bố

Thêm vào đó, khoảng trống quyền lực do việc ông Assad bị lật đổ có thể dẫn đến cuộc xung đột tồi tệ và nghiêm trọng hơn thời điểm hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử cực đoan và khủng bố phát triển. Khi đó không chỉ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi sinh trở lại mà nguy cơ các nhóm khủng bố khác tàn bạo hơn sẽ ra đời, gây ra nỗi khiếp đảm cho toàn bộ thế giới.

Để thực thi hiệu quả hành động quân sự, Mỹ cần phải xây dựng được một kế hoạch ngoại giao lành mạnh với các bên liên quan, chẳng hạn như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế những hậu quả không mong muốn, đồng thời tạo ra một lộ trình dài hạn về xây dựng chính phủ mới và tái thiết an ninh. Tuy nhiên cả hai kế hoạch này dường như không tồn tại trong chiến lược của Mỹ.

Mỹ chưa ổn định bộ máy chính quyền

Bộ máy chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện giờ kém ổn định so với 1 năm về trước do sự “thay máu” một loạt các vị trí chủ chốt như cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng, Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA). Các vị trí quản lý chính sách đối ngoại, đánh giá và thực hiện chiến lược quân sự của Mỹ tại các vùng xung đột vẫn thiếu. Do vậy nếu Mỹ tấn công Syria, dễ dẫn tới nguy cơ đụng độ với các bên liên quan tại Syria như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí với Israel, đồng minh lâu năm của Mỹ.

Tổng thống Assad có điểm tựa vững chắc

Sau 7 năm nội chiến dai dẳng, nhiều chiến dịch của phe nổi dậy cộng với tác động từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Assad vẫn đang tiếp tục lãnh đạo đất nước và ngày càng mạnh mẽ hơn về thế và lực. Theo học giả Kamal Alam, Tổng thống Syria Assad có được nhiều sự ủng hộ hơn tất cả các nhóm đối lập cộng lại. Tất cả các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp, đảm trách vị trí quan trọng trong lực lượng Quân đội của ông Assad, đều hoàn toàn trung thành.

Ngay cả khi chịu nhiều tổn thất như binh sĩ thương vong, lương thực khan hiếm…, quân đội Syria vẫn không nao núng và nhanh chóng xốc lại đội hình. Chính tình báo Mỹ và quân đội Israel cũng phải ghi nhận, quân đội Syria rất đoàn kết, kiên định và trung thành với gia đình Tổng thống Assad.

Bên cạnh đó, các đồng minh thân cận của chính phủ Syria là Nga và Iran cũng không thể khoanh tay đứng nhìn Tổng thống Assad bị phế truất. Các nước này sẽ tiếp tục ủng hộ ông Assad ở lại chính quyền. Mọi nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Syria có thể sẽ dẫn đến đối đầu quân sự không chỉ với chính quyền Syria mà còn với Nga và Iran. Kịch bản này hoàn toàn không có lợi cho Mỹ.

Không giống như chơi một ván cờ, trong chiến tranh, việc lật đổ người đứng đầu một quốc gia chưa phải là dấu chấm hết mà chỉ là một khởi đầu khác. Tổng thống Syria Al Assad có thể rời bỏ quyền lực, song chưa chắc đất nước Syria có thể lập lại hòa bình và người dân Syria thoát khỏi nỗi thống khổ dưới chế độ mới. Xung đột và tranh giành lợi ích giữa các phe phái đối lập vẫn còn đó, chỉ chực chờ bùng phát lên khi có điều kiện.

Theo giới phân tích, việc ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng người dân, song hành động đơn phương để lật đổ nhà lãnh đạo Syria sẽ bị lên án kịch liệt và dễ dàng hứng chịu thất bại./.