Điều này giáng thêm một đòn nữa vào nỗi sợ hãi của châu Âu về một mùa Đông lạnh. Hôm nay (26/7), Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu phải họp bất thường để tìm cách ứng phó, trong đó sẽ thảo luận sâu hơn về đề xuất “Tiết kiệm khí đốt cho một mùa đông an toàn” – vốn đang bị một số quốc gia thành viên phản đối. 

Tháng trước, công suất của Dòng chảy phương Bắc 1 đã giảm còn 40% do một tuabin mang đi bảo dưỡng tại Canada không được trả đúng thời hạn. Khi tuabin này còn chưa trở về Nga do các thủ tục giấy tờ, thì hôm 25/7, Gazprom lại ra một thông báo rằng một tuabin khí khác cũng đang cần bảo trì.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller cho biết: “Cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa có giải pháp nào cho vấn đề tuabin khí Siemens đang diễn ra tại trạm nén Portovaya thuộc dòng chảy phương Bắc 1. Hiện vẫn chưa có biện pháp nào. Siemens không nói gì cả. Họ đang cố gắng tìm ra giải pháp, nhưng chưa có.”

Do đó, Gazprom tiếp tục cắt giảm thêm 20% lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường khí đốt này và công suất của đường ống từ 11h trưa mai (27/7 – theo giờ Việt Nam) sẽ chỉ còn 20% - đồng nghĩa lượng khí đốt qua đường ống này sẽ không vượt quá 33 triệu m3 mỗi ngày.

Trên thực tế, nếu 1 tuabin nén khí khi đem đi bảo trì sẽ mất ít nhất 3 tháng. Điều này khiến nỗ lực nạp đầy khí đốt cho kho dự trữ của châu Âu để dùng trong mùa Đông tới sẽ không thể thành hiện thực. Theo phân tích của công ty Wood Mackenzie, với 20% công suất của Dòng chảy phương Bắc 1, châu Âu sẽ chỉ có thể lấp đầy kho chứa được 75% -80% trước mùa đông.

Đức và nhiều quốc gia châu Âu luôn chỉ trích Nga đang “dùng khí đốt như một thứ vũ khí” để trả đũa lệnh trừng phạt từ châu Âu liên quan đến tình hình Ukraine. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm qua khẳng định, không có bất cứ kỳ lý do kỹ thuật nào để Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1: “Nga thực sự đang sử dụng sức mạnh to lớn của mình, một sức mạnh quá lớn mà chúng tôi đã trao cho Nga, để tống tiền châu Âu và Đức.”

Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ những cáo buộc này khi nhắc lại một hành trình lịch sử dài cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Theo giới chuyên gia, việc thiếu khí đốt có thể đẩy kinh tế Đức rơi vào suy thoái và gây “đau ví” cho người tiêu dùng vốn dĩ đang vất vả vì sự leo thang của lạm phát.

Đứng trước một mùa đông lạnh, với hoài nghi nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ còn bị cắt giảm tiếp, Châu Âu đang phải đau đầu để tính nhiều phương án khác nhau. Theo như đề xuất ứng phó khẩn cấp của Ủy ban châu Âu, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023. Tuy nhiên, đề xuất này không được toàn khối ủng hộ rộng rãi và đã xuất hiện những ý kiến phản đối công khai. Một số nước EU không muốn Khối “quản” đến cả việc sử dụng năng lượng của mình.

Hôm nay, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ tham gia cuộc họp bất thường của Hội đồng Năng lượng EU tại Brussels để bàn về vấn đề này. Đề xuất của Ủy ban châu Âu mang tên “Tiết kiệm khí đốt cho một mùa đông an toàn” sẽ được trình bày một cách chi tiết./.