Loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này đã được phát triển bởi Công ty Bio-bean của Anh chuyên về nhiên liệu sinh học, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của tập đoàn dầu mỏ Shell.
Để sản xuất xăng sinh học này, Bio-bean đã hợp tác với hàng nghìn cửa hàng cà phê tại Anh để thu thập bã cà phê. Thông thường một người dân London uống nhiều hơn 2 ly cà phê mỗi ngày, do đó có khoảng 200.000 tấn bã cà phê bị bỏ đi mỗi năm.
Thay vì bị đưa đến các bãi chôn lấp, bã cà phê được thu gom, tái chế và biến thành nhiên liệu sinh học, rồi trộn với dầu diesel thông thường với tỷ lệ 20%, tạo ra nhiên liệu hỗn hợp B20.
Giải đáp câu hỏi đặt ra là liệu có đủ bã cà phê để cấp nhiên liệu cho cả hệ thống xe bus ở Luân Đôn, ông Arthur Kay, người sáng lập Bio-bean cho biết: “Câu trả lời là không hoàn toàn. Bởi vì ngay cả khi thu gom được tất cả bã cà phê trên toàn London- khoảng 200.000 tấn/năm- số bã cà phê đó sẽ chỉ đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng một phần ba mạng lưới xe bus hoạt động ở London sử dụng nhiên liệu hỗn hợp B20”.
Bio-bean kỳ vọng loại nhiên liệu mới sẽ được sử dụng rộng rãi ở khắp nước Anh trước khi bao phủ châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là tìm nguồn cung bã cà phê.
Với sự hỗ trợ của Shell, Bio-bean đang tìm cách đẩy mạnh dự án sản xuất nhiên liệu sinh học của mình. Và với hàng triệu tấn bã cà phê được thải ra trên toàn thế giới mỗi năm, họ hy vọng bã cà phê sẽ được tận dụng để sản xuất ra nguồn năng lượng sạch, góp phần cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon trên toàn cầu./.