Các nhà khoa học có trụ sở tại Hawaii (Mỹ) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã tạo ra một giống thỏ có khả năng phát sáng trong bóng tối, hứa hẹn khả năng tìm ra phương pháp điều trị mới cho các căn bệnh đột biến gene.

Trong số  8 chú thỏ non được sinh ra tại Istanbul, thì có 2 con có khả năng phát ra ánh sáng màu xanh lá cây trong bóng tối. Để tạo ra điều kỳ diệu này, các nhà khoa học đã tiêm một loại protein huỳnh quang lấy từ ADN của loài sứa vào 8 phôi thỏ. Sau đó họ đặt lại các phôi này vào cơ thể thỏ mẹ. Kết quả là khi sinh hạ, 2 trong số các chú thỏ này có khả năng phát sáng. Tiến sỹ Stefan Moisyadi – nhà nghiên cứu thuyết phát sinh sinh vật cho biết hai chú thỏ này trông giống như ánh đèn LED, lông của chúng đang bắt đầu phát triển và ánh sáng màu xanh tỏa ra theo lông có cường độ rất mạnh.   

Màu huỳnh quang phát ra từ lông thỏ cho thấy rằng loại chất di truyền được tiêm vào phôi đã phát triển tự nhiên trong cơ thể chúng. 
“Đó là dấu hiệu cho thấy, một gene lạ vốn không phải của động vật nay đã hòa hợp và thích nghi với cơ thể của chúng. Màu xanh lá cây phát ra từ cơ thể thỏ chứng tỏ rằng gene lạ này đang hoạt động rất tốt”

Theo tiến sỹ Stefan Moisyadi, protein huỳnh quang không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các chú thỏ này và chúng cũng có tuổi thọ tương đương với những con thỏ khác. Việc bơm huỳnh quang vào cơ thể thỏ sẽ tạo ra sự biến đổi gene có lợi cho chúng, mở đường cho việc tìm ra phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao và ít tốn kém cho các căn bệnh liên quan đến di truyền.

Tiến sỹ Stefan Moisyadi cho biết: “Với những bệnh nhân bị mắc chứng bệnh máu khó đông, họ cần đến các loại enzyme làm đông máu. Chúng tôi có thể tạo ra những enzyme này trên động vật với giá thành rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng một nhà máy tiêu tốn hàng tỉ USD”.

Trước nghiên cứu này, giới khoa học đã tiến hành biến đổi gene đối với các động vật khác để tạo ra những con mèo, chó và khỉ có khả năng phát sáng trong bóng tối. Hiện các nhà khoa học đang tìm cách phát triển nghiên cứu của họ tại Mỹ./.