NASA khẳng định ngày 6/1 rằng vệ tinh săn hành tinh TESS của cơ quan này đã phát hiện ra một hành tinh có kích cỡ tương đương với Trái Đất nằm trong phạm vi có thể sinh sống được trong quỹ đạo ngôi sao của nó, một điều kiện cho phép nước có khả năng tồn tại ở thể lỏng.

nasa_ahlh.jpg
Hình ảnh minh họa TOI 700d. Ảnh: NASA

Hành tinh này có tên là TOI 700d, tương đối gần với Trái Đất khi chỉ cách "ngôi nhà" của chúng ta 100 năm ánh sáng, Phòng Thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA thông báo tại hội nghị thường niên của Hội Thiên văn học Mỹ ở Honolulu, Hawaii.

"TESS được thiết kế và phóng lên nhằm tìm kiếm các hành tinh có kích cỡ tương đương với Trái Đất quay quanh những ngôi sao gần nó", Paul Hertx, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vật lý thiên văn của NASA cho biết.

TESS ban đầu phân loại nhầm ngôi sao này, điều đó tức là các hành tinh dường như lớn hơn và nóng hơn những đặc điểm thực sự của chúng. Tuy nhiên, một số nhà thiên văn học nghiệp dư, trong đó có học sinh cấp 3 Alton Spencer - người cộng tác với các thành viên của đội TESS đã phát hiện ra sự nhầm lẫn này.

"Khi chúng tôi điều chỉnh lại đường kính của ngôi sao này, kích cỡ các hành tinh của nó đã giảm xuống và chúng tôi nhận ra hành tinh ngoài cùng có kích cỡ tương đương với Trái Đất cũng như nằm trong vùng có thể sinh sống được", Emily Gilbert sinh viên tại Đại học Chicago cho biết.

Phát hiện này sau đó cũng được Kính thiên văn Không gian Spitzer xác nhận.

Một số hành tinh tương tự vậy đã được phát hiện trước đó, đáng chú ý nhất là những phát hiện của Kính Thiên văn Kepler, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên TESS - một kính thiên văn mới đi vào hoạt động năm 2018 phát hiện được một hành tinh như vậy.

TESS quan sát thường xuyên một khu vực trên bầu trời để phát hiện xem liệu các vật thể - các hành tinh có đi qua các ngôi sao hay không - điều có thể khiến mức độ ánh sáng của ngôi sao đó tạm thời giảm đi. Điều này giúp TESS xác nhận được sự xuất hiện của một hành tinh, kích cỡ và quỹ đạo của nó.

Ngôi sao TOI 700 khá nhỏ khi chỉ bằng 40% kích cỡ và chỉ nóng bằng một nửa Mặt trời chúng ta.

TESS đã phát hiện ra 3 hành tinh trong quỹ đạo của nó, tên là TOI 700 b, c và d. Chỉ "d" nằm trong vùng có thể sinh sống được, không quá xa và không quá gần so với ngôi sao của nó, nơi mà nhiệt độ cho phép nước có thể tồn tại ở thể lỏng.

Lớn hơn Trái Đất khoảng 20% và quay hết một vòng quanh ngôi sao của nó trong 37 ngày "d" nhận được 86% năng lượng so với nguồn năng lượng mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang xem xét liệu d được tạo nên từ gì. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các mô hình dựa trên kích cỡ và kiểu ngôi sao trên để dự đoán thành phần không khí và nhiệt độ bề mặt của "d".

Trong một thí nghiệm mô phỏng, NASA giải thích rằng hành tinh này được bao phủ bởi các đại dương với bầu khí quyển chủ yếu là khí CO2 - một đặc điểm tương tự với những gì các nhà khoa học từng phán đoán về sao Hỏa khi nó còn "trẻ".

Hành tinh "d" này bị khóa thủy triều so với ngôi sao của nó. Điều đó tức là có một mặt luôn hướng về phía ngôi sao, tương tự như trường hợp của Mặt Trăng và Trái Đất.

Quỹ đạo đồng bộ này cũng có nghĩa là một mặt của hành tinh này thường xuyên bị mây bao phủ.

Các nhà khoa học sẽ quan sát hành tinh này bằng các thiết bị khác nhau để có được những dữ liệu mới, những thông tin có lẽ sẽ thống nhất với 1 trong những mô hình của NASA./.