Tối 15/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Tư pháp Hungary Laszlo Trocsanyi đã có bài diễn văn nhân dịp Quốc khánh và Cách mạng 1848 của Hungary. Sau phần lễ của sự kiện kỷ niệm này, ông chia sẻ với phóng viên VOV.VN các suy nghĩ của mình về Việt Nam.

Chọn đến thăm Việt Nam đầu tiên

Laszlo Trocsanyi làm Bộ trưởng Tư pháp Hungary mới được hơn một năm và nước châu Á đầu tiên ông đến thăm trên cương vị này là Việt Nam.

hungary_viet_nam_4_copy_ptju.jpg
Bộ trưởng Tư pháp Hungary Trocsanyi (phải) trong buổi gặp gỡ riêng với phóng viên VOV.

Bộ trưởng Trocsanyi cho biết quan hệ Việt Nam-Hungary mang tính chiến lược và Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Hungary ở Đông Nam Á. Theo ông, Việt Nam và Hungary là 2 đồng minh tự nhiên.

Theo quan chức Hungary này, quan hệ giữa hai bên có nhiều tiềm năng và trên nhiều lĩnh vực như tư pháp, kinh tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng...

Trong lĩnh vực tư pháp, ông nói, hợp tác giữa bộ tư pháp 2 nước trong các năm qua là rất chặt chẽ và toàn diện, hai bên đã trao đổi đoàn ở cả cấp bộ trưởng và chuyên viên. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam từng sang thăm Hungary, và ngược lại, người đứng đầu ngành tòa án Hungary đã sang thăm Việt Nam. Tương tự, Viện Tố tụng Hungary và Viện Kiểm sát Việt Nam đều đã thực hiện những cuộc trao đổi phái đoàn.

Bộ trưởng Tư pháp Hungary cho biết, theo kế hoạch, ngày 16/3 hai bên sẽ ký hiệp ước về tương trợ pháp lý hình sự để chống tội phạm xuyên quốc gia. Ông cho biết thêm, hai bên cũng đang chuẩn bị cho cả hợp tác tương trợ pháp lý mới trong lĩnh vực dân sự. Theo ông Trocsanyi, những ký kết như thế này là thông điệp tích cực gửi tới các doanh nghiệp ở cả Hungary và Việt Nam rằng đồng tiền của họ an toàn ở cả hai quốc gia.

Đại sứ Hungary tại Việt Nam, Csaba Ory, phát biểu giới thiệu về buổi kỷ niệm Cách mạng 1848 của Hungary.

Bên cạnh đó, theo Laszlo Trocsanyi, khuôn khổ hợp tác tư pháp giữa 2 nước còn bao gồm nội dung giảm quan liêu, đào tạo đại học và sau đại học, trao đổi kinh nghiệm về cải cách cơ chế xét xử tòa án.

Ngoài ra, hai nước còn có những dự án chung như chương trình thí điểm quản lý dân số ở Hải Phòng và nhà máy xử lý nước ở Quảng Bình.

Tạo điều kiện cho cộng đồng Việt

Bộ trưởng Tư pháp Hungary đánh giá cao cộng đồng người Việt ở Hungary hiện nay. Ông nói rằng họ rất “dễ thương”, cần cù, luôn nỗ lực hội nhập vào xã hội Hungary bản địa. Theo ông, cộng đồng đó bao gồm các doanh nghiệp giỏi và “chúng tôi vui lòng được tiếp nhận họ”.

Hiện nay có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hungary. Nội dung đào tạo đa dạng, trong đó có các lĩnh vực pháp lý và âm nhạc.

Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường (trái), Đại sứ Hungary Ory(giữa) và Bộ trưởng Tư pháp Hungary Trocsanyi nâng cốc vì mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước.

Bộ trưởng Trocsanyi cam kết phía Hungary sẽ tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng Việt để họ luôn cảm thấy như đang ở quê nhà.

Bài học từ Việt Nam

Người đứng đầu ngành tư pháp Hungary chia sẻ, bài học mà ông học được từ Việt Nam là tinh thần lạc quan, hướng tới tương lai chứ không chỉ dừng lại ở quá khứ, luôn muốn đạt được thành quả mới.

Ông cho biết mình đặc biệt ấn tượng trước dòng tiêu ngữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, từ “Hạnh phúc” ở đây là điều mà “chúng tôi có thể học và áp dụng được”.

Ông Trocsanyi còn phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 yếu tố này: Anh không thể tận hưởng tự do nếu nước của anh vẫn chưa được độc lập. Anh cũng không thể hạnh phúc nếu không phải là người tự do.

Về khía cạnh văn hóa, Bộ trưởng Tư pháp Trocsanyi khẳng định cả 2 quốc gia Việt Nam và Hungary đều có niềm tự hào và tự tôn dân tộc rất cao.

“Tôi biết nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu gian khổ như thế nào để xác lập vị thế của một dân tộc độc lập có chủ quyền. Tôi biết người dân Việt Nam mới đây đã tổ chức kỷ niệm 70 năm cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên” – diễn văn của Bộ trưởng Trocsanyi có đoạn.

Ông Trocsanyi nhận xét, cả 2 nước đều sát biên giới với các nước lớn, và trong lịch sử, đều từng nhiều lần bị ngoại bang xâm lược.

Ba nghệ sĩ trẻ của Hungary sang Việt Nam biểu diễn tại lễ kỷ niệm.

Về ngày Cách mạng 15/3/1848 của Hungary, Bộ trưởng Trocsanyi kể rằng vào giữa thế kỷ 19, nước ông nằm trong đế chế Áo, và Hoàng đế Áo mặc nhiên là vua của Hungary khi đó. Chính trong bối cảnh đó, giới thanh niên Hungary - gồm chủ yếu thi sĩ và luật sư - đã nổi dậy theo các lý tưởng của Cách mạng Pháp: Tự do-Bình đẳng-Bác ái.

Trocsanyi kể, cuộc cách mạng Hungary ban đầu diễn ra hòa bình với yêu sách 12 điểm. Thế nhưng, chính phủ đế quốc Áo đã quyết định trấn áp bằng sức mạnh quân sự. Do vậy, cuộc đấu tranh đã chuyển thành một cuộc chiến tranh vì độc lập.

Tuy cuộc chiến tranh cách mạng đã thất bại trước sức mạnh của liên quân Áo-Nga, ông Trocsanyi cho rằng không phải kết quả mà tinh thần và nỗ lực của cuộc cách mạng mới là điều quan trọng. Sau này, nhiều điều trong yêu sách 12 điểm nói trên đã được luật hóa ở Hungary./.