Thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp… ở người già và trẻ em.
Theo PGS TS Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi (Bệnh viện 108), bệnh viêm phổi dễ mắc ở người già và trẻ em, vì đây là hai đầu mút của cuộc đời.
Tại các Bệnh viện Trung ương, trong những ngày này, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện rất đông. Chỉ tính riêng tại Khoa Lao và Bệnh phổi (Bệnh viện 108), tỷ lệ người già nhập viện do viêm phổi nhiều, chiếm từ 14 – 20% số bệnh nhân thu dung tại khoa.
Dấu hiệu nhận biết bệnh:
- Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao 39 – 40 độ C, rét run
- Đau ngực: thường có, đôi khi là triệu chứng nổi bật
- Ho mới xuất hiện, tăng dần, lúc đầu ho khan, về sau ho có đờm đặc màu vàng, xanh hoặc màu rỉ sắt; đôi lúc nôn, chướng bụng, đau bụng…
PGS TS Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh: Khi thấy có dấu hiệu trên thì hãy nghĩ ngay đến bệnh viêm phổi và đưa bệnh nhân đến các cơ sở theo tuyến, tùy theo phân cấp của các bác sĩ, họ có thể đưa ra những xét nghiệm hoặc xét nghiệm bổ sung. Chẳng hạn như: khám thực thể hô hấp, khám đánh giá triệu chứng nhiễm trùng, đánh giá triệu chứng thực thể ở phổi và cách đơn giản nhất là xét nghiệm, chụp X-quang phổi cũng như xét nghiệm công thức máu để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn hay không?.
PGS TS Nguyễn Đình Tiến cũng lưu ý: Bệnh viêm phổi cũng có biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những người già, viêm phổi rất nguy hiểm do cơ địa có mắc nhiều bệnh khác. Đó là: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, di chứng tai biến mạch máu não, di chứng đột quỵ sẽ rất dễ mắc viêm phổi và bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp.
Tuy nhiên, những biến chứng hay gặp nhất của viêm phổi là tình trạng suy hô hấp mà nhiều bệnh nhân phải thở bằng máy dẫn đến tử vong; Nhiễm khuẩn đường huyết và nhiểm khuẩn toàn thân; biến chứng nữa là gây ra tràn khí, mủ màng phổi điều trị rất khó khăn, kéo dài hay biến chứng khác gây suy kiệt toàn cơ thể, thoái hóa dạng tinh bột thận… Tuy nhiên, các biến chứng này rất ít gặp. Trong số các biến chứng trên, biến chứng đáng sợ nhất là suy hô hấp, gây nhiễm khuẩn toàn thân và gây tràn mủ và tràn dịch màng phổi.
Cách điều trị:
PGS TS Nguyễn Đình Tiến cho rằng: trong điều trị phải phân cấp điều trị viêm phổi tùy theo chẩn đoán căn nguyên vi khuẩn hay do virus gây ra, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thông thường, theo khuyến cáo, điều trị theo tiêu chuẩn tùy theo mức độ nặng, nhẹ; điều trị triệu chứng hay điều trị nguyên nhân. Tức là lựa chọn kháng sinh theo nguyên nhân gây bệnh nhưng ban đầu thường theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng của bệnh, tuổi bệnh nhân, các bệnh kèm theo…
Thời gian dùng kháng sinh: từ 7 đến 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình, 14 ngày nếu do tác nhân không điển hình, trực khuẩn mủ xanh.
Cách phòng tránh bệnh:
PGS TS Nguyễn Đình Tiến đưa ra lời khuyên rằng: Bệnh viêm phổi thường bị khi thời tiết thay đổi, Thu sang Xuân, đặc biệt mắc nhiều vào mùa Đông Xuân. Người già trên 65 tuổi và trẻ em dễ bị mắc bệnh này. Cho nên, biện pháp phòng tránh tốt nhất là chúng ta nên đi tiêm phòng cúm vào mùa Thu trước khi sang mùa Đông, mỗi năm 1 lần. Ngoài ra, nên tiêm phòng vaccine phế cầu để dự phòng nhiễm do phế cầu (những người bị bệnh phổi mạn tính, suy tim, tuổi trên 65 tuổi thì lên 5 năm tiêm 1 lần). Đặc biệt, người già và trẻ em phải giữ vệ sinh sạch sẽ chẳng hạn như vệ sinh răng, miệng, họng; Tránh tiếp xúc với những bệnh nhân bị cúm (nhất là những người hay mắc bệnh mãn tính). Phải ăn đủ chất dinh dưỡng và giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh giá. Và điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát trùng nhằm tránh nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp do tay tiếp xúc nhiễm bẩn.
“Những người bị bệnh viêm phổi rất dễ mắc các bệnh khác vì vậy, phải phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin B, C và ăn nhiều đạm, đặc biệt là hải sản, ít thịt, nhiều rau xanh để tăng sức đề kháng của cơ thể, tránh nhiễm trùng. Những người già hay dậy sớm tập thể dục cũng là nguy cơ bị bệnh viêm phổi. Vì vậy, người già không nên tập thể dục quá sớm, vì lúc đó sương mù, nhiệt độ xuống thấp, đột ngột cũng dễ bị bệnh viêm phổi và suy hô hấp. Người già thường hay dậy sớm vì họ không ngủ được, nếu dậy sớm thì nên giữ ấm cơ thể, cổ ngực và tập ở trong nhà, đợi khi có ánh nắng mặt trời chúng ta mới ra tập thể dục thì tốt hơn”, PGS TS Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh./.
Broncho Vacxom là là dạng đông khô của một số vi khuẩn, khi uống vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại các loại vi khuẩn đó.
Một số nghiên cứu khoa học gần đây chứng minh, Broncho vacxom nếu được dùng đủ và đúng liều sẽ giúp giảm từ 30-50% các đợt nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ nhỏ. Cách sử dụng thường là 1 tháng sử dụng 10 ngày liên tiếp, dùng 1 đợt điều trị là 3 tháng liên tiếp. Sử dụng để dự phòng các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ nhỏ.”