Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật (xếp hàng thứ 3 về bệnh gây tử vong, sau ung thư và tim mạch).

Theo GS. Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Trên 80% trường hợp đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam.Đột quỵ để lại di chứng nặng nề cho người bệnh và gia đình, nhất là di chứng sa sút trí tuệ. Tình trạng phổ biến khi người bệnh đột quỵ không phục hồi được là gia đình họ sẽ mất đi 1 lao động và nếu nặng, cần thêm 1 người chăm sóc. Nếu người bệnh được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu, việc chữa trị sẽ khả quan hơn. Vấn đề là làm sao để biết được triệu chứng của bệnh và xử trí đúng cách.

Để phòng, chống, xử trí bệnh nhân đột quỵ sao cho hiệu quả, một điều vô cùng quan trọng là nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh này.

img_0002.jpg

 Từ 15h chiều thứ Năm, ngày 24/10, Báo Điện tử VOV online tổ chức tư vấn trực tuyến với chủ đề “Nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh Đột quỵ, chiến lược và điều trị” trên địa chỉ VOV.VN.

Chuyên gia tư vấn: GS TS Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam.

Bạn có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi theo địa chỉ: noidung@vovnews.vn hoặc theo số điện thoại: 04- 22130231.

*Xin GS cho biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ? Triệu chứng nào thì chúng ta nghĩ đến đột quỵ?(Bạn Thu Phương 30 tuổi, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Trước hết, tôi xin nói về từ ngữ. Đột quỵ là một từ có gốc hán. Đột là bất thình lình, quỵ là ngã xuống. Đột quỵ nói lên hiện tượng một người nào đó bất chợt bị ngã gục xuống.

Hiện tượng ngã gục đó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như, có người đang đứng tự nhiên bị yếu chân ngã xuống, có khi bị thiếu dưỡng khí hoặc lượng đường trong máu bị hạ thấp đột ngột, ở người mắc động kinh gây cơn co giật cũng bị ngã xuống; hoặc có những người có xúc cảm quá mạnh, đột ngột cũng bị ngã gục, ở người bị tổn thương mạch máu não cũng xảy ra đột quỵ…

Như vậy, đột quỵ chỉ nêu lên một hiện tượng, xảy ra thoáng qua đặc biệt là thường gặp trong bệnh lý mạch não. Vì vậy, nên nói rõ là cơn đột quỵ não.  Cơn đột quỵ não xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng não bị thiếu hụt, không tưới đến những vùng chức năng quan trọng như các vùng vận động cảm giác ngôn ngữ. Lúc đó, bản thân người bệnh có thể bị yếu 1 tay, 1 chân hoặc nửa người ở cùng một phía, có thể kèm theo liệt mặt, hoặc rối loạn ngôn ngữ. Cũng có người bị tê bì ở mặt, tay hoặc chân, nhức đầu dữ dội; chóng váng, mất thăng bằng đi đứng.

Những triệu chứng trên có thể kết hợp với nhau hoặc riêng rẻ nhưng đáng chú ý là sự xảy ra đột ngột ở một người mà trước đó tương đối khỏe mạnh hoặc bình thường. Đấy là những dấu hiệu để cảnh báo xảy ra đột quỵ não.

** Xin GS cho biết, đột quỵ và trúng gió có gì giống và khác nhau? Nếu bị đột quỵ mà đánh gió, xoa dầu hoặc xông bằng lá thì có hại gì không? (Thủy Miến, 25 tuổi-  Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Nhân dân ta thường nói đến trúng gió để phản ánh tình trạng của một người có thể bị cảm lạnh đột ngột. Trúng gió có thể xảy ra bất chợt khi thời tiết thay đổi hoặc đứng ở nơi có luồng gió mạnh, khi cơ thể đang bị yếu mệt. Còn đột quỵ não là hiện tượng xảy ra khi một vùng chức năng quan trọng của não đột ngột không được nuôi dưỡng máu đầy đủ. Khi bị trúng gió thì có thể đánh gió xoa dầu là cách nhân dân vẫn thường làm. Còn nếu bị đột quỵ não thì phải được cấp cứu và chăm sóc theo khuyến cáo và hướng dẫn của y tế.

GS TS Lê Đức Hinh

** Vào viện, bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán đột quỵ được chẩn đoán như thế nào? Có những loại xét nghiệm chẩn đoán nào? (Thu Yến, tổ 3 Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Khi bệnh nhân mắc đột quỵ não được đưa tới bệnh viện, thì thầy thuốc sẽ nhanh chóng hỏi quá trình xảy ra bệnh, thăm khám toàn diện cơ thể. Đặc biệt chú ý đến khám tim mạch, đo huyết áp, khám thần kinh và tâm trí, đồng thời phải loại trừ các biểu hiện giống như đột quỵ não, nhưng không phải do bệnh lý mạch máu não, ví dụ phải loại trừ chấn thương sọ não, cơn động kinh, hạ đường huyết, rối loạn xúc cảm... Sau khi có chẩn đoán bước đầu là đột quỵ não, sẽ làm các xét nghiệm cơ bản như: huyết học, sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, chụp X-quang phổi…

** Thưa GS, vào viện, mất bao lâu để có chẩn đoán chính xác rằng người bệnh bị đột quỵ (Công Minh,  TP HCM)

GS TS Lê Đức Hinh: Ngay sau khi người bị đột quỵ não vào viện, thầy thuốc phải nhanh chóng kịp thời hỏi quá trình bệnh tật,  kịp thời tham khám toàn diện cơ thể, chú ý đến tình trạng tim mạch, huyết áp, hô hấp, thân nhiệt, các dấu hiệu thần kinh và biểu hiện tâm trí. Đồng thời, loại trừ các nguyên nhân chấn thương, nhiễm khuẩn, ngộ độc và các bệnh có biểu hiện giống như đột quỵ não. Tiếp đó, sẽ làm các xét nghiệm cần thiết như: chẩn đoán hình ảnh sọ não, đặc biệt là chụp cắt lớp  từ vi tính não và các xét nghiệm huyết học, sinh hóa…Như vậy, chẩn đoán lâm sàng có thể chỉ cần không quá 10 đến 15 phút nhưng các xét nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian hơn, có thể tới 1 giờ. Nói chung, nếu tính từ khi bắt đầu có triệu chứng khởi phát và được kịp thời nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế chuyên khoa thì có thể chưa đến 3 giờ đồng hồ.

** Đột quỵ có phải là do tắc mạch máu gây nên? Thế còn chảy máu não có gọi là đột quỵ không ? (Châu Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Cơn đột quỵ não là biểu hiện cấp tính của bệnh mạch máu não, có hai thể lâm sàng phổ biến của bệnh mạch máu não là nhồi máu não và chảy máu não. Nhồi máu não có thể do tắc mạch não hoặc nghẽn mạch não gây ra. Còn chảy máu não là hiện tượng máu thoát ra khỏi lòng mạch máu.

** Vì sao đột quỵ lại gây tử vong? (Tuyết Lan, Thanh Xuân Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Cơn đột quỵ não thường xảy ra đột ngột, báo hiệu mạch máu não bị tổn thương. Nếu những vùng quan trọng ở não bị xâm phạm do tổn thương của mạch máu não mà không được cấp cứu, điều trị đúng và kịp thời, thì có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các bệnh nhân đều được cứu chữa và chăm sóc theo hướng dẫn của y tế, nên có thể hạn chế tử vong ở mức thấp nhất. Nhưng điều đáng quan tâm là bệnh lý mạch não sau giai đoạn cấp tính thường để lại di chứng như: liệt nửa người, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tâm trí.

** Theo GS, viên an cung có trị được đột quỵ không? Nhiều người mách nhau nên mua viên thuốc này dự trữ ở trong nhà nếu có người già, dễ có nguy cơ đột quỵ. Làm vậy đúng không ? (Thu Duyên,  Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Viên an cung là một loại thuốc y học cổ truyền, xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu dựa trên bằng chứng y học quốc tế để khẳng định thuốc này có thể điều trị được cơn đột quỵ não. Do đó, ở những người cao tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ xảy ra bệnh mạch máu não, thì trước hết cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế, để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý và an toàn. 

** Xin GS cho biết, cao huyết áp dễ bị đột quỵ đúng không? Còn những bệnh gì cũng phải cẩn thận vì dễ dẫn đến đột quỵ? (Minh Tuấn, Nghệ An)

GS TS Lê Đức Hinh: Tăng huyết áp là một bệnh lý có xu hướng gia tăng hiện nay, nếu được điều trị đúng thì có thể phòng ngừa xảy ra các cơn đột quỵ não, là biểu hiện có thêm tổn thương ở các mạch mão não. Ngoài tăng huyết áp còn một số bệnh khác cũng có thể ảnh hưởng tớ tuần hoàn não như: đái tháo đường, vữa xơ động mạch, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính…

* Có lần tôi tự dưng chóng mặt và muốn nói mà không nói được, sau tiếng đồng hồ thì phục hồi, đó phải chăng là cơn đột quỵ không thưa GS? (Nguyễn Hồng Hà, Tản Lĩnh, Sơn Tây, Hà Nội) 

GS TS Lê Đức Hinh: Vì không được trực tiếp hỏi bệnh và thăm khám cho bác nên chúng tôi không thể nói chắc chắn có phải đó là cơn đợt quỵ não hay không. Tuy nhiên, những hiện tượng như chóng mặt, khó nói, rồi trở về bình thường sau thời gian ngắn dưới 1 tiếng đồng hồ có thể xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau. Trong thực tế, cần chú ý loại trừ cơn chóng mặt kịch phát liên quan đến tư thế đầu cổ, rối loạn tuần hoàn não, khi cơ thể mệt nhọc, lao động quá sức, bị thoáng gió, lúc đói…

** Người bệnh đột quỵ cần tập luyện như thế nào thưa GS? Có nên tập chạy bộ không ? (Phương Phương, thành phố Thanh Hóa)

GS TS Lê Đức HinhCác trường hợp đã có cơn đột quỵ não, trước hết cần thực hiện chế độ điều trị theo quy định. Ngoài thuốc men, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tập luyện theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

Việc tập chạy bộ phụ thuộc vào sức khỏe và khả năng của từng người khác nhau. Tốt nhất là hàng ngày nên đi bộ khoảng 30 phút, nhưng không nên đi vào lúc quá sớm hoặc sau ăn tối. ** Bị đột quỵ có chữa được khỏi hoàn toàn không ? (Hồng Trường, LB Nga)

GS TS Lê Đức Hinh: Người mắc đột quỵ não cần được điều trị theo hướng dẫn của thày thuốc chuyên khoa. Có những trường hợp sau cơn đột quỵ não đầu tiên, có thể phục hồi được rất tốt nhưng cần cảnh giác là đột quỵ não có thể tái phát. Và những lần sau có thể nặng hơn lần trước. Theo tài liệu y văn, có thể khoảng một phần ba số trường hợp mang di chứng lâu dài sau tai biến mạch não.

** Vì sao có người bị liệt rồi vẫn hồi phục được? Đó là do tập luyện hay do thuốc? (Nguyễn Thị Hà, Phan Chu Trinh, Hà Nội)

GS TS Lê Đức HinhLiệt vận động cơ thể, ví dụ liệt tay, chân, hoặc nửa người có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả sau cơn đột quỵ não do bệnh mạch não. Nếu được điều trị đúng, bao gồm cả thuốc và tập luyện thì vẫn có khả năng hồi phục, nhưng mức độ hồi phục còn tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị.

** Thưa GS, bệnh nhân đột quỵ ăn uống cần kiêng khem những gì? (Kim Dung, Phố Chùa Láng, Hà Nội)
GS TS Lê Đức HinhNgoài chế độ thuốc men, bệnh nhân đã mắc đột quỵ não không nên dùng những thức ăn khó tiêu, nhiều mỡ, nhiều đường; không nên dùng bia, rượu, nước uống có nhiều đường (bao gồm cả đường hóa học); không nên ăn quá no và cần chú ý uống đủ nước hàng ngày, tránh táo bón. 

** Theo GS cần làm gì để phòng tránh đột quỵ? (Ngọc Hùng, Đường Giải Phóng, Hà Nội)

GS TS Lê Đức Hinh: Đề phòng tránh cơn đột quỵ não do bệnh mạch máu não, trước hết cần thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện những yếu tố, nguy cơ gây bệnh như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… Điều trị các bệnh đó nếu có theo chuyên khoa đồng thời chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lao động, tập luyện, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí…** GS có thể cho biết về những tiến bộ y học hiện nay trong điều trị đột 

quỵ?
GS TS Lê Đức Hinh: Trên thế giới, hiện có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán sớm và điều trị tốt bệnh mạch não, với biểu hiện là các cơn đột quỵ não trên lâm sàng. Ở Việt Nam, các kỹ thuật hiện đại như chụp cắt lớp vi tính não, chụp cộng hưởng từ não, chụp mạch máu não, can thiệp trong lòng mạch, phẫu thuật mạch máu não, truyền thuốc để tái thông lòng mạch bị tắc đã và đang được tiến hành ở nhiều trung tâm lớn tại Hà Nội, TP HCM, Huế. Ngoài ra, nhiều loại thuốc điều trị cần thiết đều sẵn có trên thị trường.

** Nếu nghi ngờ người nhà bị đột quỵ thì đưa vào khám ở chuyên khoa nào cho đúng ? (Trần Thị Nam và Lê Thị Luân, Lạng Sơn)

GS TS Lê Đức Hinh: Khi nghi ngờ một người có cơn đột quỵ não, thì trước hết nên đưa đến khám ở cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Các bệnh viện tỉnh, thành phố và trung ương đã có các khoa hồi sức cấp cứu, tim mạch, thần kinh là những nơi luôn sẵn sàng đón nhận bệnh nhân.

** Có trường hợp tôi biết, bị đột quỵ méo mồm, đưa vào viện, hơn 1 ngày sau lại đã tăng nên nặng hơn, liệt nửa người, đó là vì sao? làm thế nào để tránh bệnh nặng lên nhanh chóng?

GS TS Lê Đức Hinh: Cơn đột quỵ não là biểu hiện lâm sàng cấp tính của bệnh mạch máu não, do tắc hoặc nghẽn mạch máu não và có thể do chảy máu não. Các tế bào thần kinh ở các khu vực chức năng của não do không được nuôi dưỡng đầy đủ như lúc bình thường, sẽ bị tổn thương nặng trong vòng từ vài phút đến vài giờ. Do đó, nếu không được nhanh chóng điều trị thì những vùng não đó sẽ bị hủy hoại, làm cho diễn biến trên cơ thể có xu hướng nặng lên. Mặt khác, nếu điều trị không đúng quy cách, cũng có thể làm cho bệnh tiến triển xấu.

** Người già hay quên thì nên tập luyện gì để chậm bị giảm trí nhớ?  (Trần Trung Hiếu, Hà Đông)

GS TS Lê Đức Hinh: Theo quy luật chung, sự suy giảm trí nhớ ở người bình thường có thể liên quan đến lứa tuổi trong quá trình lão hóa. Sự suy giảm trí nhớ đó có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe chung, một số bệnh đồng diễn, điều kiện sinh hoạt, và cả trình độ học vấn.

Để giúp cho việc bảo tồn trí nhớ, các vị cao tuổi ngoài chế độ thuốc men, dinh dưỡng theo thực trạng của từng người, cũng nên duy trì các sinh hoạt bình thường như: đọc sách báo, xem truyền hình, gặp gỡ, trao đổi với bạn bè và người thân, sinh hoạt câu lạc bộ và khối phố. Các hình thức giải trí như làm thơ, đánh cờ, hoạt động nghệ thuật nên được khuyến khích.

** Vì sao bệnh tiểu đường lại có thể dẫn tới đột quỵ? (Lê Văn Bình, Hải Dương)

GS TS Lê Đức Hinh: Bệnh đái tháo đường thường xâm phạm vào các mạch máu. Trong đó, ngoài các mạch máu ở chi, những mạch máu nhỏ ở não đều có thể bị tổn thương trong quá trình tiến triển của bệnh, nhất là khi bệnh đái tháo đường không được điều trị đều đặn và thường xuyên. Do đó, trong việc theo dõi, điều trị đái tháo đường cũng cần quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh mạch máu não./.