Được mệnh danh là một trong những “bàn tay vàng” của ngành y tế Việt Nam, người sáng tạo ra kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp - PGS.TS Trần Ngọc Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã được vinh danh tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2014 về lĩnh vực y dược với đề tài “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”.

PGS.TS Trần Ngọc Lương
Cơ duyên

Tôi gặp bác sĩ Lương vào một ngày cuối năm, trong căn phòng nhỏ tầng 5 của BV Nội tiết Trung ương với rất nhiều sách, tài liệu, hồ sơ bệnh án… Nhìn những khung tranh ảnh người thân tặng ông vẫn xếp tạm trong phòng, tôi nói, phòng này phải “cơi nới” thêm mới đủ để bác sĩ Lương treo hết bằng khen và những khung ảnh kia. Nghe vậy ông chỉ cười. Sự giản dị và nụ cười nhân từ của ông khiến tôi thêm cảm phục và kính trọng một nhân tài của ngành y tế Việt Nam.

Bác sĩ Trần Ngọc Lương kể về lý do chọn ngành y làm cái nghiệp đời mình, lần đầu đến Bệnh viện Bạch Mai, thấy bác sĩ khoác áo blu trắng chăm sóc ân cần người bệnh, ông thầm ao ước sau này được làm bác sĩ. Thế rồi, ước mơ đó thành hiện thực khi ông trở thành bác sĩ khoa ngoại của Bệnh viện Bạch Mai với chuyên môn phẫu thuật ổ bụng. Năm 1996, sau 9 năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Lương được cử sang Pháp học kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng của giáo sư Michel Vankemell - Trường ĐH Lille. Ngay “sát nách” có lớp học về mổ bướu cổ (mổ mở) của giáo sư Charle Proye (Chủ tịch Hội Nội tiết thế giới lúc bấy giờ), bác sĩ Lương thường sang giao lưu. Ông nhận thấy bấy giờ kỹ thuật mổ bướu cổ của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, ông ngỏ lời xin học. Thấy sinh viên Việt Nam ham học hỏi, GS Proye rất thiện cảm, bảo ông về xin phép GS Vankemell và sắp xếp dịp nghỉ hè học cho… đàng hoàng. Ngày nghỉ hè đầu tiên của tháng 10/1997 với bác sĩ Lương thật có ý nghĩa khi mới bước vào lớp học “ké” đã được GS Proye tặng cuốn sách “Phẫu thuật các tuyến nội tiết” do 10 giáo sư đầu ngành của Pháp soạn thảo và tài liệu về những kiến thức cơ bản phẫu thuật tuyến nội tiết. Cũng nhờ “cẩm nang” quý giá và sự say mê học hành, chỉ sau một tháng hè, Trần Ngọc Lương được GS Proye truyền hết những kiến thức về tuyến giáp, giúp cậu học trò Việt Nam được mở mang tầm mắt. Giờ đây, trong căn phòng làm việc chật hẹp của PGS.TS Trần Ngọc Lương, bức ảnh về 2 ông thầy người Pháp luôn được treo ở chỗ trang trọng nhất.

Kết thúc khóa học, về nước cũng là lúc ông được chuyển sang BV Nội tiết với trọng trách thành lập Khoa Ngoại. Tại đây, ông vừa đảm nhiệm công việc của một người lãnh đạo, vừa truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm học được ở nước ngoài cho cán bộ trong khoa, vừa chữa bệnh cứu người.

Từ tình yêu phụ nữ…

Tôi hỏi, điều gì khiến ông ấp ủ đề tài “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”? Ông cười dí dỏm: “Thì từ tình yêu phụ nữ thôi!”. Bác sĩ Lương kể, trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân, ông nhận thấy bệnh lý tuyến giáp đa phần ở phụ nữ. Theo thống kê, số người mắc bướu cổ chiếm từ 7-10% dân số, trong đó nữ giới mắc bệnh cao gấp 7 lần nam giới. Tuy đã áp dụng kỹ thuật mổ mới nhất, bệnh nhân vẫn phải mang vết sẹo dài 8 - 12cm trên cổ. Nhìn những thiếu nữ đến tuổi yêu đương, rồi nhiều phụ nữ phải tìm cách che giấu khuyết điểm ở cổ mỗi khi giao tiếp, ông càng hiểu nỗi niềm của bệnh nhân. Thậm chí chỉ vì sợ vết sẹo khiến nhiều người ngại ngần không đi mổ. “Bệnh này bình thường không ảnh hưởng gì, chỉ đến khi thấy nói khó và nuốt khó họ mới đi khám thì lúc đó thường 100% phải mổ. Rất đáng tiếc!” - giọng ông trùng xuống. Chính vì điều đó khiến ông trăn trở nhiều đêm: Làm thế nào để vừa giữ được thẩm mĩ vùng cổ, vừa loại bỏ được khối u? Thế giới mới chỉ Italy có kỹ thuật mổ nội soi trợ giúp - đường mổ từ cổ. Với kỹ thuật này, khoảng cách từ vết mổ tới khối u rất ngắn, vì vậy thao tác mổ gặp nhiều khó khăn. Với cơ địa sẹo lồi, vết sẹo dù 0,5cm cũng rất ảnh hưởng. Kỹ thuật này cũng chỉ được áp dụng cho những bướu đường kính ≤3cm.

…tìm ra kỹ thuật mổ mới

Nhờ kinh nghiệm trong kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng và mổ bướu cổ, tháng 5/2003, bác sĩ Lương đã mày mò tìm ra con đường mới trong phẫu thuật tuyến giáp, tạo ra kỹ thuật riêng của mình: Sử dụng đường mổ từ nách và lồng ngực lên cổ chứ không theo cách truyền thống là đường mổ vào từ cổ. Đặc biệt, những vết rạch da chỉ khoảng 0,5-1cm theo cách mổ mới sẽ nhanh chóng mờ dần sau thời gian mổ hoặc có thể che đi bằng áo.

Nói về kỹ thuật mổ nội soi mà mình đã dày công sáng tạo, PGS.TS Trần Ngọc Lương vui mừng: “Những bệnh nhân đầu tiên ca mổ phải kéo dài 3 tiếng, giờ đây chỉ còn 20 - 30 phút. Trong khi ở Hàn Quốc, phẫu thuật tuyến giáp bằng robot mất gần 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, phẫu thuật ở nước ngoài người bệnh phải tốn khoảng 10.000USD cho 1 ca mổ tuyến giáp, trong khi ở Việt Nam chỉ mất 300 - 400USD. Hiện nay, kỹ thuật này có thể áp dụng cho những bướu đường kính 8cm, với bệnh basedow có thể lên tới 120ml. Trong khi giáo sư người Italy cũng chỉ mổ bướu ≤3cm, và ≤20ml”.

PGS.TS Trần Ngọc Lương kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân
Bác sĩ Lương cho biết, tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, không có khoang sẵn như khoang bụng. Để đưa dụng cụ vào phải tạo khoang làm việc - một khoang quanh tuyến giáp để nhìn thấy tất cả những thành phần bên trong, ca mổ mới tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, do tuyến giáp có liên quan mật thiết đến những cấu trúc “hàng xóm” rất quan trọng như dây thần kinh thực quản, dây thần kinh khí quản, tuyến thần kinh cận giáp, dây thần kinh quặt ngược… chỉ cần một tổn thương nhỏ canxi trong cơ thể rối loạn, bệnh nhân sẽ lên cơn tê tay chân, hoặc co quắp chân tay, thậm chí tử vong. Chính vì thế, ông đã tạo khoang làm việc bằng cách bơm khí CO2 vào để đưa dụng cụ lên cổ tiện lợi, đồng thời việc xử lý thương tổn bên trong an toàn hơn, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Sự thành công của kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp do PGS.TS Trần Ngọc Lương sáng tạo ra đã giúp bệnh nhân không để lại sẹo. Đặc biệt, phương pháp này áp dụng được cho tất cả những bệnh của tuyến giáp. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có khoảng 3.500 bệnh nhân được mổ bằng kỹ thuật này - con số lớn nhất thế giới. Có lẽ, khi nhắc đến ngành y tế Việt Nam, các bệnh nhân và y khoa thế giới sẽ luôn nhớ tới ông, người đầu tiên đưa kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp sang một trang mới.

Ngoài công việc quản lý và trực tiếp thực hiện các ca mổ, bác sĩ Lương còn là người thầy luôn tận tâm, truyền đạt lại kỹ thuật cho các thế hệ bác sĩ, các chuyên gia trong và ngoài nước tại Bệnh viện Nội tiết TƯ. Đến nay, rất nhiều bệnh viện trong nước đã được chuyển giao kỹ thuật này. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giảng dạy tại các khóa chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp cho nhiều nước như Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia… Đặc biệt, ông vinh dự được nhiều lần mời sang Trung tâm Phẫu thuật nội soi thế giới đặt ở Đài Loan để giảng dạy kỹ thuật này cho các bác sĩ ở khắp châu Á. Các đồng nghiệp quốc tế đã yêu mến gọi kỹ thuật mổ nội soi của ông là “kỹ thuật Dr. Lương”.