Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố số liệu cập nhật mới nhất cho thấy virus tử thần Ebola đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.338 người thiệt mạng ở khu vực Tây Phi, đồng thời hối thúc Thế giới không thể chậm trễ một phút giây nào trong hành động.

Phát biểu trong một cuộc họp báo của LHQ, ông Anthony Banbury, quan chức phụ trách hoạt động chống dịch sốt xuất huyết Ebola của LHQ, cảnh báo rằng, dịch càng kéo dài khả năng virus biến đổi sẽ càng cao.

Lo ngại viễn cảnh tồi tệ nhất là khả năng lây nhiễm Ebola qua không khí này, LHQ một lần nữa hối thúc thế giới bằng "ý chí chính trị" của mình, tăng cường hơn nữa nguồn nhân lực, vật lực để ngăn chặn sự lây lan của Ebola.

ebola1_guxu.jpgDịch Ebola tại 4 nước Tây Phi được đánh giá là vụ dịch lớn nhất, phức tạp nhất trong lịch sử 40 năm của căn bệnh này. Ảnh: Nbcnews.
Ông Anthony nói: “Số người nhiễm Ebola vẫn đang tăng ở mức báo động và nguy cơ rủi ro sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng không chỉ đối cho sức khỏe của người dân và nền kinh tế, cấu trúc xã hội, chính trị. Vì thế, thế giới phải hành động khẩn cấp ngay bây giờ… Đây là một nhiệm vụ cực kỳ cấp thiết. Và cách duy nhất để ngăn chặn được nạn dịch này chính là thông qua sự hợp tác và nỗ lực quốc tế”.

Số liệu thống kê mới nhất của WHO cho biết, đã có 7.318 người nhiễm Ebola, trong đó hơn 3.338 người tử vong, nhiều nhất là ở Liberia, New Guinea, Sierra Leone.

LHQ lo ngại có thể vào đầu năm tới số lượng người mắc Ebola có thể lên tới 1,4 triệu người bởi vì tốc độ lây nhiễm virus này trong 20 ngày qua vẫn đang tăng theo cấp số nhân.  

Mới đây nhất, ngay trên đất Mỹ, tại bệnh viện Dallas (bang Texas), 1 thanh niên đến từ Liberia xác định bị nhiễm Ebola. Đây là trường hợp đầu tiên mắc Ebola ở bên ngoài châu Phi.

Lo ngại bệnh dịch lây lan trong cộng đồng, giới chức y tế bang Texas đang tích cực điều tra một nhóm khoảng 100 người có liên quan với người vừa nhiễm bệnh ở Dallas.

Được biết, người này đang trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là Viện dị ứng và truyền nhiễm Mỹ cũng vừa thông báo rằng nguồn cung cấp huyết thanh thử nghiệm Zimap dự trữ hiện đã hết, trong khi quy trình  sản xuất đang gặp nhiều trở ngại. Chính vì thế, Zimap hiện không phải là lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân mới bị nhiễm cũng như các trường hợp khác.

Trước những diễn biến phức tạp của Ebola, rất nhiều nước vẫn tiếp tục tham gia vào nỗ lực  toàn cầu để đẩy lui loài virus đáng sợ này. Chính phủ Cuba hôm nay (3/10) thông báo vừa cử thêm 165 chuyên gia y tế  tới Sierra Leone để giúp nước này ứng phó với Ebola.

Hiện Cuba được đánh gia là nước có khả năng đào tạo chuyên viên y tế xuất sắc và giàu kinh nghiệm trong việc kiểm soát dịch bênh. Bác sĩ  Eydel Miguel Aguero nói: “Chúng tôi sẽ làm việc không ngừng nghỉ để làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn căn bệnh này tiếp tục phát triển và lây lan sang các châu lục khác”.

Sáng nay (3/10), khoảng 100 tấn thiết bị y tế, thuốc men của Tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế Samaritan Purse đã hạ cánh xuống thủ đô của Liberia để hỗ trợ nước này. Đến nay, quốc gia với hơn 4 triệu dân nghèo đói này đã ghi nhận hơn 2.000 người chết, chiếm hơn 60% trong tổng số nạn nhân thiệt mạng vì Ebola ở khu vực Tây Phi. Bà Glanxy, điều phối viên hoạt động nhân đạo của tổ chức Samaritan  Purse cho biết: “Chúng tôi có hiện có đủ nguồn cung cấp để chăm sóc lâm sàng và hỗ trợ cho trung tâm chăm sóc cộng đồng. Chúng tôi có nguồn cung cấp để can thiệp từ cấp cơ sở và nâng cao nhận thức cộng đồng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Bộ Y tế và chính phủ Libera”. 

Sự bùng phát dịch bệnh Ebola lần này là lớn nhất và kinh khủng nhất trong lịch sử kể từ năm 1976, khi virus này được phát hiện. Đây cũng là lần đầu tiên virus Ebola lây lan rộng tại các khu vực đô thị. Hậu quả từ đại dịch này đang gây tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế Tây Phi và reo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới../.