Dự kiến cuối năm nay, việc thử nghiệm sẽ hoàn thành. Nếu đạt yêu cầu về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ, vaccine này có thể sẽ được lưu hành tại Việt Nam trong năm 2018, giúp chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

vov_sot_xuat_huyet_nen_an_gi_11_phcz_oaem.jpg
Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Việt Nam, với nhiều ca bệnh cùng số người chết. (Ảnh: Bình Minh)

Vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết là công trình nghiên cứu của Công ty Sanofi Pasteur (Pháp). Đây là loại vaccine mới và duy nhất trên thế giới về phòng bệnh sốt xuất huyết. Các nghiên cứu cho thấy, loại vaccine này có thể làm giảm trên 90% số ca bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất. Hiện đã có 17 quốc gia cho phép lưu hành loại vaccine này.

Tại nước ta, nhà sản xuất phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 với hơn 2.300 trẻ em từ 2 đến 14 tuổi ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang) tình nguyện tham gia. Mỗi trẻ được tiêm 3 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 6 tháng.

Việc thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết đã được chuẩn bị từ năm 2009. Dự kiến, cuộc thử nghiệm lần 3 kết thúc vào cuối năm nay. Nếu kết quả đạt yêu cầu về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ thì trong năm 2018, có thể vaccine này sẽ được lưu hành tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết, nhất là khi dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng trên thế giới cũng như tại nước ta trong những năm gần đây. Tổ chức Y tế thế giới nhận định trong vòng 30 năm qua, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 30 lần. Loại muỗi gây bệnh này sinh nở và đảm bảo tính duy trì nòi giống rất cao. Trứng muỗi mỗi lần gặp nước chỉ nở khoảng 70%, lần sau nở tiếp 70%. Bốn lần gặp nước, trứng mới nở hết và nó toàn chọn những chỗ mà không ai ngờ tới để đẻ trứng. Trứng muỗi lại bám vào các thành dụng cụ chứa nước nên nếu đổ nước trong dụng cụ đi chưa chắc đã hết nguy cơ trứng nở ra bọ gậy. Khi dụng cụ có nước trở lại, trứng vẫn nở vì nó có thể duy trì tới sáu tháng, kể cả trong thời tiết lạnh”./.