Hơn 2 tuần qua, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm khoảng 18%, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại khi còn có tới 20% số hộ gia đình có ổ bọ gậy. Bên cạnh đó, chỉ số muỗi và chỉ số dụng cụ có bọ gậy tăng nhanh sau 1 tuần phun hóa chất cũng như tìm diệt bọ gậy.
Kết quả giám sát tại cộng đồng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy, mật độ muỗi và bọ gậy ở Hà Nội có xu hướng tăng sau 1 tuần phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy.
Chẳng hạn, tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, trước khi phun hóa chất, chỉ số mật độ muỗi là 0,7; sau khi phun 1 ngày, chỉ số này trở về 0. Tuy nhiên, 7 ngày sau, mật độ muỗi lại tăng lên mức 0,2.
Khi dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu bùng phát, diễn biến phức tạp, Hà Nội đã đưa vào sử dụng chiếc xe phun thuốc diệt muỗi công suất lớn |
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: “Hiện nay, một số lá khô to cong lên, đọng nước cũng trở thành ổ bọ gậy. Một số chum, thùng đã được lật úp nhưng ở dưới đáy có phần lõm, khi ngửa lên vẫn đọng nước nước mưa và lập tức lại có bọ gậy. Do vậy, tương đối khó khăn, phức tạp. Cứ 1 ngày mưa xen kẽ một ngày nắng, xử lý rồi nhưng khi mưa xuống, những gì đọng lại trên mặt đất lại tiếp tục đọng nước. Chúng tôi đã phát hiện cả những nắp bia đọng nước mưa, trong đó cũng có ổ bọ gậy. Chính vì vậy chúng tôi mới nhấn mạnh rằng xử lý ổ bọ gậy là quan trọng nhất và đó mới là gốc của vấn đề”.
Theo các chuyên gia y tế, trứng của muỗi có thể duy trì đến 6 tháng và bám chắc vào thành các dụng cụ chứa nước. Do đó, chúng vẫn tiếp tục nở ra bọ gậy nếu các dụng cụ này chứa nước. Đặc biệt, loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường quay lại chỗ cũ để đẻ trứng nên nguy cơ phát sinh các ổ bọ gậy mới là rất cao. Nếu không tìm diệt thường xuyên thì chúng sẽ phát triển thành những đàn muỗi mới gây bệnh cho con người./.
Sốt xuất huyết Hà Nội giảm nhưng chưa bền vững