Trầm cảm và lo âu là 2 loại bệnh phổ biến trong rối nhiễu tâm trí ở phụ nữ. Trung bình, cứ 5 phụ nữ mang thai bình thường thì có 1 người bị rối loạn tâm trí và dạng phổ biến là trầm cảm. Tuy nhiên, không ai trong số họ được cơ sở y tế hay kể cả hệ thống chăm sóc trong dân cho họ biết rằng: “Họ bị trầm cảm, lo âu và cần điều trị”…Đây là một vấn đề y tế cộng đồng đáng quan tâm, nhất là ở khu vực nông thôn. Vấn đề này vừa được TS BS Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD) trình bày tại Hội thảo “Nghiên cứu ARC và NHMRC - Ảnh hưởng của dinh dưỡng và sức khỏe tâm trí mẹ tới kết quả cuộc đẻ, sức khỏe và sự phát triển của trẻ” khai mạc sáng 14/3, tại Hà Nam.

hoi-thao-14-3.jpg

Hội thảo do Sở Y tế tỉnh Hà Nam, Trung tâm RTCCD cùng Đại học Melbourne và ĐH Monash của Australia phối hợp tổ chức, với sự tham dự của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Hội thảo này có ý nghĩa rất thiết thực trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nói chung và bà mẹ, trẻ em nói riêng.

Theo TS BS Trần Tuấn, hậu quả rối nhiễu tâm trí ở người mẹ có ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa con và gia đình như: trẻ tính cách hung hăng, chăm sóc trẻ thiếu chu đáo, trẻ kém phát triển thể chất, cảm xúc, quan hệ xã hội. Bà mẹ rối nhiễu tâm trí thường hay đánh con, gây áp lực tâm lý nặng nề đến trẻ, quan hệ vợ chồng trực trặc…

Cũng tại hội thảo này, GS Beverley Ann Biggs, Khoa y, Bệnh viện Hoàng gia Melbourne, Đại học Tổng hợp Melbourne đã trình bày báo cáo về tình trạng thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng, thiếu máu – hệ quả chính của sự thiệu hụt dinh dưỡng. Đây chính là rối loạn dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới. Các nguyên nhân của thiếu máu chính là: thiếu sắt; thiếu các vi chất dinh dưỡng khác như: vitamin A,C,B12, folate và i-ốt; các bệnh rối loạn chuyển hóa về máu; bệnh mạn tính…

GS Beverley Ann Biggs phát biểu tại hội thảo

Những người bị ảnh hưởng từ thiếu máu nhất là: phụ nữ có thai, phụ nữ có kinh nguyệt, em gái vị thành niên và trẻ nhỏ. Thiếu máu thiếu sắt trong thời gian mang thai sẽ làm cho sức khỏe kém ở bà mẹ, tử vong bà mẹ, sinh sớm, sinh nhẹ cân, giảm khả năng tập trung học tập và sức khỏe dẻo dai của trẻ. Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung sắt bổ sung chế độ ăn uống, vì nó rất có lợi ích to lớn đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Báo cáo của TS Gerald Casey với chủ đề “Hai nghiên cứu – một mục tiêu” chỉ ra rằng, việc mang thai và sinh nở thành công phụ thuộc vào một số yếu tố sau: dinh dưỡng – sắt, axit folic, i-ốt, các vitamin và khoáng chất; sức khỏe tâm trí; sự hỗ trợ của gia đình và xã hội và các điều kiện về thể chất. Cùng ý kiến với GS Gerald Casey, bác sĩ Vũ Thị Thu Hiền, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ có thai và cho con bú, có thể giúp ta phòng trị bệnh cũng như duy trì được một cuộc sống luôn luôn khỏe mạnh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên bổ sung sắt, axit foric, i-ốt, các vitamin… là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết./.