Chiều 12/4, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ bằng phương pháp can thiệp nội mạch – một phương pháp điều trị đột quỵ còn mới mẻ tại Việt Nam. 

Bệnh nhân Trần Văn Hem, 64 tuổi  ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bị trong khi đang ngồi võng thì tự dưng bị té và hôn mê. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện huyện và sau đó là chuyển đến một bệnh viện ở Cần Thơ.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị xuất huyết não nhưng việc can thiệp không thành công. Bệnh nhân được chuyển lên một bệnh viện lớn ở TP HCM và nằm lại ở nơi đây đến 4 ngày. Đến ngày thứ 5, sức khỏe bệnh nhân diễn tiến nặng dần, rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Người nhà quyết định cho xuất viện và chuyển sang Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.

can_thiep_ywfe.jpg
Bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhờ phương pháp can thiệp nội mạch 

Ngay trong đêm, bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật giải áp bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể tự thở và tự ăn uống. Tuy vậy do được đưa đến bệnh viện quá chậm trễ nên hiện tại, một bên tay và chân của bệnh nhân vẫn chưa cử động được.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ do tắc nghẽn động mạch lớn. Đây là trường hợp đột quỵ nặng nên sử dụng phương pháp tái thông mạch máu bằng can thiệp nội mạch sẽ cho hiệu quả điều trị cao. Tỷ lệ thành công của phương pháp này với bệnh nhân bị tắc động mạch lớn lên đến 80%. Phương pháp này được Hội Đột quỵ Hoa Kỳ đưa vào phát đồ điều trị vào năm 2015 và hiện nay ngành y tế các nước đã ứng dụng rộng rãi.

Tại Việt Nam, phương pháp này còn khá mới mẻ, chỉ có một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP HCM thực hiện được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Phó Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, để có thể sử dụng hiệu quả phương pháp can thiệp nội mạch thì các cơ sở y tế cần thành lập hẳn một đơn vị can thiệp đột quỵ.

“Việc điều trị đột quỵ phải phối hợp nhiều chuyên khoa từ những người cấp cứu ban đầu, chuyển bệnh, bác sĩ tim mạch, thần kinh, bác sĩ hồi sức…Tất cả cái đó, bệnh viện tổ chức thành đơn vị đột quỵ. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đến trong giờ vàng thì sử dụng can thiệp tĩnh mạch, nếu trễ hơn thì có thể can thiệp nội mạch tức là lấy huyết khối ra ngoài”- bác sĩ Bá Thắng cho biết./.