Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não), xảy ra khi một phần của não bộ bị tổn thương vì mất đi nguồn nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do dòng máu đang chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng khác cho não bộ bị tắc nghẽn (gây thiếu máu não cục bộ), hoặc bị vỡ đột ngột (gây xuất huyết hay chảy máu trong não).
Đối với những bệnh nhân đột quỵ não đến bệnh viện khám được tiếp nhận tại Phòng Cấp cứu hoặc Khoa Thần kinh. Sau khi bác sỹ khám, có dấu hiệu lâm sàng sẽ chỉ định cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ. Mục đích của chụp lớp vi tính và cộng hưởng từ là để xác định chính xác bệnh nhân bị chảy máu hay nhồi máu. Khi xác định chảy máu sẽ tìm nguyên nhân. Trong đó có nhiều nguyên nhân gây chảy máu như: dị dạng mạch, vỡ phình mạch, hoặc di dạng thông động tĩnh mạch.
Sau khi bị vỡ phình mạch sẽ chụp cắt lớp, và cộng hưởng từ để xác định nguyên nhân và chỉ định hướng điều trị để tránh bị tái phát. Đối với phình mạch hoặc di dạng thông động tĩnh mạch hiện tại có phương pháp điều trị là: nút mạch hoặc phẫu thuật. Nút mạch: Chọc động mạch đùi và luồn ống thông theo đường mạch máu, đến chỗ mạch bị phình và đưa các vật liệu vào để điều trị. Phương pháp phẫu thuật: Mở xương sọ ra để can thiệt. Cả hai phương pháp trên đều loại trừ túi phình không còn dòng chảy nữa.
Để hiểu hơn về bệnh lý đột quỵ nhồi máu não và các chảy máu do nguyên nhân dị dạng mạch não, đặc biệt các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh hiện đại cũng như các kỹ thuật can thiệp qua đường mạch máu để điều trị bệnh một cách có hiệu quả, báo Điện tử VOV (VOV.VN) tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "
Khách mời tham gia cuộc tọa đàm này gồm: GS.TS. Phạm Minh Thông - chuyên gia về điện quang can thiệp thần kinh; Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và
Mời Quý vị theo dõi nội dung cuộc tọa đàm:
MC: Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quị là bệnh lý ngày càng thường gặp và thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Thưa GS.TS. Phạm Minh Thông, bệnh đột quị não là gì?
GS.TS. Phạm Minh Thông: Đột quỵ (hay dân gian hay gọi là tai biến mạch máu não) tức là, vì một nguyên nhân gì đó, máu không lên được não, khiến não bị tổn thương gây nên các triệu chứng lâm sàng và tử vong. Có 2 loại tai biến là nhồi máu (tắc mạch) hay chảy máu (vỡ mạch). Thường tỉ lệ người bệnh bị nhồi máu sẽ cao hơn chảy máu.
Nguyên nhân gây nên nhồi máu có thể do sơ vữa động mạch, các bệnh lý tim mạch… hình thành các cục máu đông, trôi lên não gây nên tắc mạch. Còn chảy máu não có thể do phình mạch não, dẫn đến chảy máu não vào trong hộp sọ…
MC: Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, trong tổng số các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thì có đến 24% trường hợp tử vong, 50% sống nhưng bị các di chứng nặng hoặc nhẹ, chỉ có 26% số bệnh nhân sống và trở lại làm việc bình thường. Thưa GS.TS. Phạm Minh Thông, tại sao đột quị lại có thể gây hậu quả nặng nề đến vậy?
GS.TS. Phạm Minh Thông:Nhồi máu não có 4 mạch. Khi tắc thì sẽ tắc mạch lớn hoặc nhánh mạch lớn, tổn thương não ở vùng lớn khiến tế bào não chết, giải phóng tế bào gây phù và các triệu chứng lâm sàng nặng. Nếu chèn ép nhiều (khoảng 1/3) thì sẽ gây tử vong. Nếu tắc mạch nhỏ thì chỉ hình thành các cục máu đông, để lại di chứng ở các vùng có nhiều chức năng như liệt tay, liệt chân, không nói được…
Não được bọc xung quanh màng nước, khi phình mạch do tăng huyết áp, dẫn đến vỡ mạch thì nguy cơ tử vong rất cao nếu không được chuẩn đoán sớm. Dù có chuẩn đoán sớm thì tỷ lệ tử vong vẫn là hơn 50%, di chứng để lại sau đó cũng nhiều.
Có một số dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu theo hướng vỡ mạch là những cơn đau đầu đột ngột, cao huyết áp đột ngột, đau đầu dữ dội, có tiền sử bệnh phình mạch não... Còn những người bị hẹp mạch máu não, hay bị chóng mặt do đột ngột di chuyển mà chúng ta gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua… cũng có thể bị đột quỵ.
MC: Là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong và để lại những di chứng nặng nề cho cơ thể, vậy thưa TS. Vũ Đăng Lưu, nguyên nhân gây ra đột quỵ là gì?
TS Vũ Đăng Lưu: GS Phạm Minh Thông đã trả lời rất cụ thể về biểu hiện của bệnh đột quỵ ở trên.
Chúng ta đều biết, dấu hiệu rõ nét nhất của đột quỵ là xuất hiện đột ngột, liệt yếu chân (tay), liệt nửa người. Đây là dấu hiệu thần kinh khu trú.
Nguyên nhân gây đột quỵ chia làm 2 nhóm: nhồi máu và gây chảy máu. Trong đó, nguyên nhân nhồi máu gồm: huyết khối gây tắc mạch (huyết khối từ tim, xơ vữa gây hẹp tắc mạch) và các nguyên nhân khác: bóc tách mạch, tăng đông máu...
Còn nguyên nhân chảy máu, gồm: tăng huyết áp gây vỡ mạch xiên nhỏ; dị dạng mạch (phình mạch não, dị dạng thông động tĩnh mạch não...). Và còn có một số nguyên nhân khác: u não chảy máu, bệnh nhân dùng thuốc chống đông làm tăng nguy cơ chảy máu.
MC:Trong số những nguyên nhân mà Tiến sỹ vừa nêu, có sự liên quan nào với lứa tuổi hay gặp?
TS Vũ Đăng Lưu: Trong số nguyên nhân kể trên, có một số nguyên nhân có liên quan đến lứa tuổi như nhồi máu do xơ vữa mạch (hay gặp ở người già). Vì người già là bệnh lý xơ vữa hoặc bất kỳ lứa tuổi nào có yếu tố nguy cơ thêm như: Đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường nguy cơ cao,gây ra nhồi máu.
Nhồi máu do cục huyết khối di chuyển liên quan đến yếu tố tim mạch. Bất kỳ lứa tuổi nào bị bệnh tim mạch (nhất là bệnh hẹp hở van 2 lá) hay bệnh lý về tim đều có thể gây ra nguy cơ nhồi máu.
Một số bệnh lý nguy cơ gây ra chảy máu ví dụ như vỡ phình mạch não. Đây là bệnh lý không phải di truyền, xuất hiện lứa tuổi hay gặp nhất theo thống kê là từ 40 – 60 tuổi. Đây là lứa tuổi dễ bị phình động mạch não gây ra vỡ và đột quỵ.
Nhóm nguyên nhân dị dạng mạch (gọi là thông động tĩnh mạch não) – đây là bệnh lý di truyền (tức là sinh ra đã có rồi) cho nên lứa tuổi chúng ta phát hiện đấy là lứa tuổi thanh thiếu niên trẻ tầm từ 10 – 30 tuổi. Lứa tuổi trẻ là nhóm có thể liên quan đến lứa tuổi tần suất mà chúng ta hay gặp nhất trong số đột quỵ.
MC: Thưa Tiến sĩ, bệnh nào cũng có thể chẩn đoán bằng các phương pháp riêng. Đối với bệnh đột quỵ, chúng ta có thể dùng phương pháp nào để chẩn đoán một cách hiệu quả nhất?
TS Vũ Đăng Lưu: Việc xác định bệnh lý đột quỵ đầu tiên chúng ta phải khám lâm sàng trước từ đó định hướng. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi khám lâm sàng xong, chúng ta phải biết đây là chảy máu hay nhồi máu. Và chúng ta cần phải thăm khám chuyên sâu, đó là phương pháp thăm khám hình ảnh. Đấy là lựa chọn đầu tiên. Trên hình ảnh, chúng ta có thể phân biệt được đây là chảy máu hay nhồi máu.
Khi được xác định chảy máu hay nhồi máu, chúng ta tìm tiếp nguyên nhân và sử dụng các phương pháp hiện đại như: chụp cắt lớp vi tính, chụp mạch cộng hưởng từ và sau đó là chụp mạch kỹ thuật số hóa nền (DSA) để biết chính xác nguyên nhân của nó là gì.
MC:Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thành công trong việc điều trị cho bệnh nhân đột quị tắc mạch não bằng lấy cục huyết khối qua đường động mạch, bằng dụng cụ Solitaire. Đây là kỹ thuật đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai và cũng là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân bị đột qụy?
TS Vũ Đăng Lưu: Điều trị lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, qua đường vào của động mạch đùi, chúng ta luồn một dụng cụ rất nhỏ trên vùng có cục huyết khối., sau đó, chúng ta mở dụng cụ stent (tên là Solitaire, dụng cụ sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới) và Việt Nam đã sử dụng từ năm 2009.
Khi chúng ta mở dụng cụ Solitaire, cục huyết khối sẽ bao xung quanh stent, khi bao xung quanh thì nó dính trên thành stent đó. Sau đó chúng ta kéo toàn bộ stent ra và cục huyết khối sẽ đi ra theo stent. Như vậy, khi chúng ta lấy được cục huyết khối ra, lòng mạch sẽ thông trở lại.
Dụng cụ này hiện nay đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và các dụng cụ lấy huyết khối cũng đang phát triển nhiều loại dụng cụ khác nhau để làm sao hiệu quả lấy được tốt nhất và thời gian nhanh nhất có thể.
Thông thường bệnh nhân được làm được gây mê tại chỗ hoặc tiền mê nếu bệnh nhân hợp tác. Nếu bệnh nhân không hợp tác hoặc trong trạng thái kích thích, chúng ta có thể tiến hành bệnh nhân gây mê toàn thân (tức là bệnh nhân ngủ).
MC: Thưa Tiến sĩ Vũ Đăng Lưu, phương pháp điều trị đột quị bằng phương pháp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ Solitare qua đường động mạch là gì?
TS Vũ Đăng Lưu: Kỹ thuật làm qua đường can thiệp nội mạch, tức là chọc vào động mạch đùi rất nhỏ trên mọi thứ mà chúng ta đi qua đường nội mạch hầu như không gây đau đớn đối với bệnh nhân trong quá trình làm.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị đột quỵ trong trạng thái kích thích, chính vì thế, để thời gian làm nhanh và bệnh nhân yên tĩnh và để tránh cho những cử động trong quá trình theo dõi, can thiệp làm cho bệnh nhân nằm yên dưới dạng tiền mê hoặc gây mê thì nó sẽ tránh mất thời gian làm cho quá trình can thiệp nhanh hơn.
MC: Là người điều trị, GS, TS Phạm Minh Thông đánh giá thế nào về việc áp dụng các phương tiện hình ảnh được áp dụng chẩn đoán đột quỵ não cho bệnh nhân?
GS.TS. Phạm Minh Thông: Đầu tiên, bệnh nhân bị đột quỵ thì được chuyển đến khoa thần kinh để thăm khám lâm sàng. Ở đó, bệnh nhân sẽ được chụp CT Scan xem có chảy máu bên trong không và ở vị trí nào? Các bệnh viện tuyến tỉnh và 1 số tuyến khu vực cũng đã có thiết bị này. Nếu như chưa thấy chảy máu thì có khả năng là hiện tượng nhồi máu. Qua CT Scan sẽ chuẩn đoán được là nhồi máu hay chảy máu thì có phương án điều trị phù hợp với bệnh nhau. Nếu chảy máu thì sẽ được quét CT đa rãnh để xác định rõ ràng hơn.
Còn ở trường hợp nhồi máu vẫn có thể chuẩn đoán được qua hình ảnh cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ với từ trường lớn và các xung khác nhau, đặc biệt, chụp tưới máu não, xung khuếch tán để xem có bị nhồi máu, thiếu máu hay có bị tác mạch máu không…
Hiện nay, ở các nước, chủ yếu điều trị cho bệnh nhân chưa vỡ bằng cách chuẩn đoán trước những trường hợp có nguy cơ, còn Việt Nam thì chữa cho bệnh nhân vỡ máu nhiều. Trước kia là 90% bệnh nhân vỡ mạch máu, nhưng hiện giờ chỉ còn 50% thôi. Vỡ mạch do dị dạng, tỉ lệ tử vong thấp rất nhiều do tỉ lệ vỡ phình mạch não qua hình ảnh. Vỡ rồi vẫn điều trị nhưng di chứng để lại rất nặng nề, chảy ít thì ít di chứng, còn chảy nhiều thì sẽ bị nhiều di chứng.
Dù vỡ hay chưa vỡ cũng sẽ sử dụng hình thức can thiệp nội mạch, bắt đầu áp dụng hình thức từ 2000. Con đường nội mạch là đưa một ống rất nhỏ (bằng 1/3mm) vào chỗ vỡ trong não, sau đó đưa vòng xoắn kim loại để nút chỗ vỡ lại và bơm thuốc để tắc lại, đông máu. Mục đích điều trị là để tránh phình và vỡ mạch. Như ở Pháp, 90% là sử dụng hình thức nút mạch. Chỉ khi thất bại thì mới phẫu thuật.
Phương pháp này đang được phổ biến tại Việt Nam và các bệnh viện tuyến tỉnh có thể thực hiện được. Bởi vì khi bệnh nhân bị đột quỵ thì di chuyển lên bệnh viện tuyến trên rất nguy hiểm, cho nên chúng tôi chủ động truyền giao kỹ thuật cho các bác sĩ ở tuyến tỉnh.
MC: Được biết, đột quỵ chảy máu não, ngoài nguyên nhân do tăng huyết áp, thì nguyên nhân do dị dạng mạch não được can thiệp nội mạch rất hiệu quả. Thưa GS.TS Phạm Minh Thông, can thiệp nội mạch điều trị các bệnh lý này như thế nào?
GS.TS. Phạm Minh Thông:Dị dạng mạch não hay gọi là đột quỵ chảy máu có nhiều nguyên nhân và biểu hiện. Ngoài việc cao huyết áp gây chảy máu thì có thể phẫu thuật để hút máu, còn trượng hợp dị dạng thông động tĩnh mạch máu thì thường áp dụng nút khối dị dạng.
Hiện nay, trên thế giới dùng phương pháp chủ yếu là: phẫu thuật, nút mạch, phẫu thuật tia xạ dao gamma. Quy trình là sẽ nút mạch, nếu chưa hết thì mổ bóc hết và dùng dao gamma để xơ hóa nốt. Nút mạch trước kia dùng keo sinh học, giờ dùng keo tiên tiến hơn. Đây là phác đồ chung nhưng từng ca khác nhau thì lại phải hội chuẩn và có cách điều trị khác.
Từ năm 2000, tỷ lệ nút mạch thành công tại BV Bạch Mai lên dến 50%. Còn những tổn thương nông, ngay ở vỏ não thì phẫu thuật và bóc tách. Với kỹ thuật phát triển, hiện nay còn có phương pháp đặt các stent tại chỗ phình mạch có nguy cơ vỡ để đảo chiều dòng chảy, không cho vào vùng nguy hiểm rồi sau đó điều trị tiếp.
Theo tôi, chúng ta nên tập trung đào tạo các bác sĩ trẻ để tăng cường đội ngũ chữa trị theo phương pháp mới. Chúng tôi thường xuyên đi các hội nghị về điện quang can thiệp thần kinh của châu Á và thế giới, các hội nghị của Pháp để học hỏi những kỹ thuật mới nhất từ các chuyên gia đầu ngành. Chúng tôi đang chuẩn bị hình thức nút những phình to bằng cách đưa một cái rọ bao quanh nút phình để từ từ triệt tiêu.
MC: Được biết, với phương pháp điều trị đột quị tắc mạch não bằng dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thì giờ vàng để cứu sống bệnh nhân tối đa là 3 giờ kể từ sau khi bệnh nhân có những triệu chứng đầu tiên bị đột quỵ. Với những bệnh nhân đến viện muộn hơn 3 giờ sau khi có những triệu chứng đầu tiên của đột quỵ, việc điều trị sẽ như thế nào và thời gian cho phép được kéo dài bao lâu, thưa TS Vũ Đăng Lưu?
TS Vũ Đăng Lưu: Bệnh nhân đến trong giờ vàng, trong vòng trước 6 giờ sẽ tốt, khả năng hồi phục cao.
Bệnh nhân đưa đến viện trước 3 giờ sẽ ưu tiên dùng thuốc tiêu sợi huyết, đến trước 6h có thể kéo dài thời gian hơn đối với can thiệp. Còn đến muộn sau 6 giờ vùng tổn thương không thể hồi phục được nữa, bởi phần nhu mô não bị hoại tử.
Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thành công trong việc điều trị cho bệnh nhân đột qụy tắc mạch não bằng lấy cục huyết khối qua đường động mạch, bằng dụng cụ Solitaire. Đây là kỹ thuật đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai và cũng là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân bị đột quỵ.
Hiện nay, tại Bệnh viện Bạch Mai, điều trị đột quỵ và nhồi máu bằng phương pháp tiêu sợi huyết và lấy huyết rất tốt, và hiệu quả rất cao.
MC:Đâu là ưu điểm của kỹ thuật mới này so với việc mà các thầy thuốc chỉ cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch hoặc đường tĩnh mạch đơn thuần như trước đây?
TS Vũ Đăng Lưu: Đối với đường tĩnh mạch hiện nay, chỉ định tối ưu là trước 3 tiếng. Thời gian rất ngắn, khi bệnh nhân có triệu chứng đến khi dùng thuốc chỉ trong vòng 3 tiếng nhưng tỷ lệ bệnh nhân được dùng thuốc chỉ có khoảng 5% trong tổng số bệnh nhân bị đột quỵ. Như vậy, con số đó rất là ít so với số bệnh nhân lớn mà chúng ta phải sử dụng chỉ định trong dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Khi chúng ta sử dụng dụng cụ lấy huyết khối, thời gian chúng ta mở rộng kéo dài hơn là 6 tiếng và số lượng bệnh nhân sẽ được nhiều hơn.
Kèm theo nữa là một số bệnh nhân chống chỉ định thuốc như: tăng nguy cơ chảy máu (ví dụ như sau phẫu thuật và bệnh lý đang chảy máu ở nơi khác, khi chúng ta dùng thuốc tiêu sợi huyết sẽ nguy cơ chảy máu những nơi khác, bệnh nhân sẽ tử vong). Cho nên, khi sử dụng dụng cụ này, chúng ta không nên dùng thuốc gì mà chúng ta chỉ nên kéo cục huyết khối ra và nó không ảnh hưởng gì cả.
Ưu điểm nữa là thời gian lấy cục huyết khối đối với dụng cụ cơ học khi chúng ta đưa vào và kéo ra rất nhanh làm cho lòng mạch thông trở lại nhanh. Đấy là ưu điểm trong việc sử dụng dụng cụ lấy huyết khối.
Ngoài ra, thuốc tiêu sợi huyết, khi cục huyết khối mới, cục huyết khối ngắn, nhỏ thì khả năng tiêu tốt. Còn khi cục huyết khối dài, tắc những động mạch lớn (ví dụ như động mạch cảnh trong, giữa hay thân nền), thời gian tiêu và thông trở lại hiệu quả khó hơn. Đó là ưu điểm sử dụng dụng cụ lấy huyết khối, chúng ta kéo được cục huyết khối rất dài ở mạch lớn, hiệu quả tốt. Tỷ lệ tái thông thông thường theo chúng tôi được khoảng trên 85%.
Biện pháp này thực ra cũng có chống chỉ định, quan trọng liên quan đến thời gian (thời gian nếu chúng ta đến sau 6 tiếng sẽ không hiệu quả nhiều vì nhu mô não hầu như không hồi phục). Mặc dù, một số bệnh nhân đến sớm nhưng nhu mô não đã bị tổn thương qua nhiều, quá nặng, dù chúng ta có tái thông được động mạch thì não cũng không hồi phục được nữa. Vì toàn bộ phần nhu mô đó đã bị hoại tử. Như vậy, nó sẽ không có hiệu quả nữa.
Dụng cụ này khá đắt tiền. Tất cả các dụng cụ này đều nhập khẩu từ nước ngoài, chi phí lớn. Để làm được kỹ thuật này, bệnh nhân phải có điều kiện về kinh tế mới thực hiện được kỹ thuật. Hiện nay, các dụng cụ này khoảng tư 60- 70 triệu đồng/1 ca lấy huyết khối.
MC: Người bệnh khi không có đủ tiền để thực hiện phẫu thuật thì các bác sĩ tại BV Bạch Mai sẽ làm gì để cứu trong 3 giờ vàng?
GS, TS Phạm Minh Thông: Chúng tôi vẫn điều trị nhưng phải có phương án hợp lý cho từng ca bệnh. Không nên dùng những kỹ thuật hết sức hiện đại, đắt tiền để chữa bệnh đơn giản. Chúng tôi phải lựa chọn phương án vừa đủ chuyên môn nhưng phải tính đến cả kinh tế cho bệnh nhân và phải giải thích rõ ràng. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân không thanh toán mà bệnh viện phải bỏ ra. BV có một số quỹ nhưng ít lắm, không đủ được.
Kinh tế vẫn ảnh hưởng bởi phần lớn các kỹ thuật trong điều trị đều rất đắt tiền. Nên chúng tôi đều yêu cầu với các công ty thầu giảm giá hết mức. Hiện nay, các dụng cụ can thiệp của chúng ta đang rẻ hơn ở các nước tiên tiến nhiều vì thường bệnh viện chỉ lấy tiền chi trả cho thiết bị chứ không có tiền công cho bác sỹ.
MC: Vâng xin cảm ơn những ý kiến chia sẻ của hai vị khách mời. Với những tiến bộ của y học, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng việc chẩn đoán và điều trị đột quị vốn đã có những kết quả khả quan sẽ còn có nhiều phương pháp điều trị bệnh hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Phóng sự: Ứng dụng điện quang can thiệp trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai: