Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Azizullah Beran từ Đại học Y khoa và Khoa học Đời sống Toledo (bang Ohio, Mỹ), cho biết: “Nhiều người lầm tưởng rằng bổ sung nhiều kẽm, vitamin D hoặc vitamin C có thể giúp ích cho kết quả điều trị lâm sàng COVID-19, nhưng điều đó chưa được chứng minh là đúng”.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo đã phân tích 26 nghiên cứu được thực hiện trên toàn thế giới, dựa trên số liệu của hơn 5.600 bệnh nhân COVID-19 nhập viện.
Kết quả cho thấy, vitamin D, vitamin C hoặc kẽm không làm giảm nguy cơ tử vong ở những người bổ sung các chất đó so với những người không được bổ sung.
Tuy nhiên, theo một phát hiện nhỏ, vitamin D có liên quan đến việc giảm tỷ lệ đặt nội khí quản và thời gian nằm viện ngắn hơn. Các tác giả nghiên cứu lưu ý, vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn để xác nhận lại phát hiện này. Họ cũng phân tích một nhóm nhỏ bệnh nhân đã dùng vitamin D trước khi mắc COVID-19 và không phát hiện thấy nguy cơ tử vong thấp hơn ở nhóm đó.
Tiến sĩ Ragheb Assaly, giáo sư y khoa tại Đại học Toledo, nhấn mạnh: “Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng uống nhiều chất bổ sung này không mang lại kết quả tốt hơn. Việc bổ sung vitamin không nên được xem như là một phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân COVID-19”.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, một số bệnh nhân COVID-19 bị suy dinh dưỡng có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung đó, nhưng đó là do cơ thể của họ đã thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, chứ không phải vì vitamin D hoặc vitamin C có hiệu quả chống lại virus.
“Đừng dùng vitamin với ý nghĩ chúng sẽ bảo vệ bạn khỏi COVID-19. Chúng sẽ không ngăn ngừa lây nhiễm và không ngăn ngừa tử vong do COVID-19”, ông Beran khuyến cáo./.