Hệ thống miễn dịch trong cơ thể người có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, ở một số người hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh được gọi chung là bệnh tự miễn.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston (Mỹ) đã nghiên cứu gần 26.000 người Mỹ từ 50 tuổi trở lên và chia ngẫu nhiên thành hai nhóm được uống thuốc bổ sung vitamin D hoặc giả dược.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong khoảng 5 năm để đo lường sự phát triển của các bệnh tự miễn, bao gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp tự miễn và bệnh vẩy nến.
Kết quả cho thấy, dùng vitamin D (liều 2000 IU) mỗi ngày làm giảm 22% sự phát triển của bệnh tự miễn so với giả dược. Đây là liều lượng lớn hơn mức 400 IU tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi các tổ chức y tế như Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội của Anh.
Không rõ bằng cách nào vitamin D có thể ngăn ngừa bệnh tự miễn, nhưng được biết, nó được xử lý trong cơ thể để tạo ra một dạng hoạt động có thể thay đổi hoạt động của các tế bào miễn dịch.
Tiến sĩ Karen Costenbader, tác giả nghiên cứu, cho biết: “Có rất nhiều cơ chế tiềm năng. Có thể là vitamin D giúp hệ thống miễn dịch phân biệt giữa mô cơ thể tự thân và không tự thân chẳng hạn như vi khuẩn gây bệnh, hoặc nó giúp giảm phản ứng viêm đối với mô tự thân”.
Bà Costenbader hiện khuyến nghị bệnh nhân của mình nên bổ sung 2000 IU vitamin D mỗi ngày, nếu họ ở độ tuổi phù hợp và an toàn cho họ. Tuy nhiên, bà không khuyến khích điều này cho tất cả mọi người. “Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn bổ sung vitamin D. Có thể có những lý do bạn không nên dùng chúng”, bà nói.
Các nhà nghiên cứu hiện đang mở rộng thử nghiệm để xem xét lợi ích của việc bổ sung vitamin D kéo dài bao lâu và hy vọng sẽ bắt đầu một thử nghiệm mới ở những người trẻ tuổi./.