Mối liên quan giữa tình trạng suy dinh dưỡng và các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ
“Theo nghiên cứu gần đây nhất năm 2021, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đã giảm xuống còn 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ đó còn cao đối với trẻ em 5 tuổi. Hà Nội là thành phố lớn, nơi mà các bố mẹ chăm sóc con cái tốt thì cũng ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ này có nguy cơ tăng cao hơn so với trẻ mắc các bệnh lý khác” - Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân – Trưởng khoa Nhi tiêu hóa dinh dưỡng truyền nhiễm, BV Saint – Paul nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2.
Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân giải thích vì đường tiêu hóa là nơi thu nạp dinh dưỡng chính, nếu nơi đây bị bệnh thì đồng nghĩa với tổn thương của các biểu mô đường ruột dẫn đến giảm hấp thu dinh dưỡng từ nguồn tiêu hóa này vào, về lâu dài sẽ dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, số trẻ đến khám liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa tại Bệnh viện đa khoa Saint Paul, Hà Nội gia tăng. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 trẻ đến khám thì có tới 3-5 trẻ đã có chuyển biến nặng. Đáng lưu ý là nhiều trẻ bị khi tuổi còn quá nhỏ, biểu hiện không rõ ràng nên bố mẹ thường chủ quan, không cho trẻ khám sớm cho đến khi con không tăng cân trong thời gian dài. Như trường hợp bé Nguyễn Minh Đức ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội, thời điểm sinh ra, bé được 3kg, sau 3 tháng lên 7kg nhưng từ đó trở đi bé dường như không tăng cân được nữa. Mỗi ngày bé thường đi ngoài 3-6 lần, phân lỏng song bà và mẹ lại nghĩ rằng đó là biểu hiện bình thường ở trẻ nhỏ nên không đưa đi khám.
“Từ lúc mới sinh ra thì cứ nghĩ cháu xì xoẹt là bình thường, nhưng cháu vẫn cứ tăng cân đều. Đến tháng thứ 3 trở đi thì cháu không tăng cân nữa, hôm đó cháu bị sốt 39 độ thì lo quá nên cho đi khám. Vào Bệnh viện, cháu được làm xét nghiệm cho kết quả nhiễm khuẩn đường ruột dẫn đến nhiễm khuẩn máu. Cũng do bị sốt lâu ngày nên bé còn bị viêm tai giữa và viêm phổi. Lúc đầu nghe nhiễm khuẩn máu thì sợ lắm, không hiểu tại sao vì ở nhà cháu không ti mẹ nên chỉ vắt sữa, trước khi vắt thì cũng luộc vệ sinh dụng cụ vắt sữa cẩn thận” - Chị Nguyễn Thị Đào, mẹ của bé cho biết.
Các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ gồm có: táo bón, tiêu chảy kéo dài, bệnh lý viêm dạ dày. Bệnh lý tiêu chảy được xác định khi trẻ bị tiêu chảy 3 lần/ngày trở lên, có hiện tượng phân lỏng, thời gian kéo dài hơn 14 ngày. Ở nhóm bệnh này, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn so với các bệnh lý tiêu hóa khác.
Phòng bệnh tiêu chảy kéo dài mùa hè cho trẻ
“Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh về đường tiêu hóa thường xâm nhập qua các con đường: miệng – miệng, tay – miệng hoặc thân – miệng. Và, khi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng lây nhiễm từ miệng vào thì sẽ gây tổn thương biểu mô đường ruột, trẻ sẽ bị nhiễm khuẩn gây tiêu chảy cấp tính hay mãn tính” – Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân cho biết.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, cha mẹ, người chăm sóc trẻ nên tiêm vaccine cho trẻ. Tiếp theo là giữ vệ sinh tuyệt đối khi chế biến đồ ăn cho trẻ, lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, việc rửa tay cũng nên thường xuyên thực hiện đầy đủ…
Trong trường hợp, trẻ đã bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, ngoài những nguyên tắc trên, các mẹ chú ý lựa chọn chế biến những món ăn dễ tiêu, đã được ninh nhừ, bổ sung nước uống hằng ngày, không cho trẻ ăn quá ngọt hay chua, vì sẽ tăng áp lực thẩm thấu khiến trẻ khó tiêu hóa. Hạn chế ăn đồ đạm và dầu mỡ nhưng cũng không nên quá kiêng khem vì đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị thiếu vi chất và suy dinh dưỡng.