Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế thanh niên (12/8) năm nay, Liên Hợp Quốc cho biết, hằng năm 20% thanh niên trên thế giới phải trải qua các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Đặc biệt  trong giai đoạn chuyển giao từ tuổi thơ sang  trưởng thành, nguy cơ gặp phải các vấn đề này cao hơn. Sự kỳ thị và xấu hổ thường làm cho vấn đề thêm tồi tệ, khiến các bạn  không tìm kiếm sự hỗ trợ mà họ cần.

552595001256343139luongtam2_qqkh.jpgTrẻ em lang thang thường nhạy cảm với sự kỳ thị (Ảnh minh họa)

Theo Liên Hợp Quốc, các rào cản có thể rất lớn, đặc biệt ở những quốc gia nơi các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần chưa được chú ý và  dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được đầu tư thích đáng.

Thông thường, những người gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần không những không tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách và chương trình phát triển mà còn không được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc cơ bản. Điều này khiến cho họ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói, bị bạo hành. Điều này có một tác động tiêu cực đối với xã hội nói chung.

Những thanh niên dễ bị tổn thương như người vô gia cư, người vướng vào những vấn đề liên quan đến tư pháp vị thành niên, trẻ mồ côi hoặc phải trải qua những mâu thuẫn trong gia đình… thường nhạy cảm hơn với sự kỳ thị và các rào cản khác, khiến họ thậm chí còn bị cô lập nhiều hơn khi họ cần nhất sự hỗ trợ.

Thông điệp của Liên Hợp Quốc nêu rõ: “Sức khỏe tâm thần là cách chúng ta cảm thấy, đó là những cảm xúc và hạnh phúc của chúng ta. Tất cả chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình để có thể sống hạnh phúc. Hãy bắt đầu bằng việc nói về sức khỏe tâm thần của chúng ta như chúng ta thường nói về các vấn đề sức khỏe khác”./.