Thông tin tại hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông thực hiện Đề án 32 và Đề án 1215 trên báo chí” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 21/5 tại Hải Phòng cho biết: Hiện có khoảng 20% dân số Việt Nam mắc những bệnh tâm thần thường gặp. Số liệu khảo sát tại Bến Tre và Thanh Hóa cho thấy, chứng rối nhiễu tâm trí (rối loạn tâm căn và loạn thần) ở người trên 17 tuổi chiếm 19,2% dân số và ở độ tuổi 5 – 16 là 20,5% dân số.

img_2151.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo

Theo thống kê, có 23,5% người bệnh tâm thần chưa được tiếp cận dịch vụ, khoảng 70% người tâm thần chưa được tham gia các hoạt động cộng đồng, 37% người tâm thần chưa được hỗ trợ thuốc; hơn 98% người tâm thần sống tại cộng đồng; trong khi đó các bệnh viện tâm thần luôn quá tải, các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu.

Theo đó, Đề án 1215 (Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/7/2011. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay trên cả nước đã có 26 trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức lại trung tâm theo hướng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Trên phạm vi cả nước có một số tỉnh, thành xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội các tỉnh: Sơn La, Thừa Thiên Huế... Cùng với đó là nâng cấp, mở rộng trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ở 11 tỉnh, thành như: Bến Tre, Ninh Thuận, Long An, Ninh Bình, Hải Dương...

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chú trọng tăng cường, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án 1215. Cụ thể, Bộ và các bên liên quan đã nghiên cứu, thiết kế một mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Mô hình này sẽ được thí điểm tại hai tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre trong giai đoạn 2014 – 2016. Sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, điều chỉnh và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Nguồn lực tham gia mô hình này huy động sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó hai ngành chủ chốt là Y tế và Lao động – xã hội với các đơn vị nằm trong hệ thống có sẵn có hai ngành này từ cấp tỉnh đến xã./.