Tính năng của NLAW
Anh vừa chuyển cho Ukraine lô vũ khí bao gồm cả tên lửa vác vai có tên gọi “Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới” (Next generation Light Anti-tank Weapon - NLAW), hay còn được gọi “Vũ khí chống tăng hạng nhẹ chống xe tăng chiến đấu chủ lực” (MBT LAW) do Anh và Thụy Điển hợp tác phát triển, có thể hạ gục các xe tăng chiến đấu chủ lực và các loại xe thiết giáp khác. Tên lửa NLAW được thiết kế cho bộ binh và thuộc loại dùng một lần.
Theo trang topwar.com, hơn 1.000 đơn vị NLAW từ kho dự trữ của quân đội Anh có thể đã được chuyển tới Ukraine. Các chuyên gia quân sự Anh sẽ giúp quân đội Ukraine làm chủ vũ khí mới trong khuôn khổ hoạt động ORBITAL (nhiệm vụ của các giảng viên quân sự Anh trên lãnh thổ Ukraine) đang diễn ra. Theo nhà sản xuất, một người lính bình thường có thể được dạy sử dụng tổ hợp này trong một giờ.
Còn theo trang militaryleak.com, MBT LAW được Saab Bofors Dynamics (Thụy Điển) và Thales Air Defense (Anh) phối hợp với Bộ Quốc phòng Anh phát triển vào năm 2002. Với Thụy Điển, loại vũ khí này được kí hiệu là “RB (Robot) 57”. NLAW được sản xuất hàng loạt vào năm 2009, thời hạn sử dụng khoảng 20 năm, hiện đang có trong trang bị của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà khai thác chính là Anh (có nhu cầu khoảng 20.000 hệ thống) và Thụy Điển, tiếp theo là Phần Lan, Thụy Sĩ, Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia, Luxembourg …
Tháng 12/2007, Phần Lan đã đặt hàng một số lượng không được tiết lộ các hệ thống NLAW và tháng 12/2008, một số lượng cũng không được tiết lộ, đã được đặt bổ sung. Trong Lực lượng Phòng vệ Phần Lan, NLAW bổ sung kho vũ khí chống tăng hạng nhẹ (LAW) và Apilas cũng như tên lửa Spike và TOW hiện có. LAW chủ yếu dùng để chống lại các loại xe bọc thép nhẹ hơn, nhưng ở cự ly gần cả LAW và NLAW có thể tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực. LAW được trang bị ở cấp trung đội, NLAW được trang bị ở cấp đại đội bộ binh.
Trong tác chiến đô thị, NLAW có thể được sử dụng từ trong một không gian kín. Trước tiên, tên lửa được phóng ra khỏi ống phóng bằng hệ thống phóng phụ. Sau khi bay được vài mét, động cơ chính tên lửa được kích hoạt, đẩy đầu đạn tới mục tiêu. Tên lửa được trang bị hệ thống điều khiển quán tính có tác dụng bù trừ tác động của môi trường bên ngoài. Theo nhà phát triển, NLAW dài 1.016 mm; có đường kính 150 mm; trọng lượng của toàn bộ tổ hợp 12,5 kg; tầm bắn hiệu quả 200-800 m; thời gian từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi bắn 5 giây.
NLAW dùng để tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu bọc thép hiện đại, cũng như các loại xe bánh lốp không bọc thép, xe máy và các hỏa điểm của đối phương. Có thể hoạt động theo chế độ “bắn và quên”, và giống như Javelin của Mỹ, NLAW có khả năng tấn công mục tiêu theo kiểu “đột nóc”. Xạ thủ cũng được trang bị công cụ hỗ trợ bắn vào các mục tiêu đang di chuyển theo đường ngắm dự đoán - PLOS (Predicted Line of Sight).
Người điều khiển tổ hợp giữ mục tiêu đang di chuyển trong tầm nhìn trong 3 giây, sau đó khai hỏa. Trong quá trình theo dõi, trên cơ sở khoảng cách, vân tốc gió và tốc độ di chuyển của mục tiêu, tổ hợp sẽ kích hoạt hệ thống quán tính của tên lửa, tự tính toán các thông số về chuyển động và dự đoán điểm gặp gỡ với mục tiêu.
Ưu, nhược điểm của NLAW
Là sự kết hợp giữa súng chống tăng vác vai thông thường và hệ thống chống tăng tiên tiến có tầm bắn vài km, NLAW có biệt danh không chính thức "Javelin tầm gần". Các ưu điểm chính của tổ hợp này là tính nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ. Nó nhẹ hơn nhiều lần so với các hệ thống chống tăng hiện đại, giúp tăng khả năng cơ động của binh sĩ. Tổ hợp thích hợp cho hoạt động tại các đô thị hoặc khu vực có địa hình hiểm trở.
Việc phóng có thể được thực hiện từ nhiều vị trí khác nhau, bao gồm các tầng trên cùng của các tòa nhà, tầng hầm, mương và thậm chí từ trên cây. Một ưu điểm khác là có thể khai hỏa NLAW từ không gian kín, khuất tầm nhìn của xe bọc thép đối phương. Đồng thời, có thể bắn mà không gây ảnh hưởng đến các binh sĩ khác trong phòng. Được trang bị NLAW, một binh sĩ có thể ẩn nấp ở hầu hết mọi nơi, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các phương tiện bọc thép. Tính dễ sử dụng và tính cơ động hỗ trợ ưu thế này.
Tính năng chính của tổ hợp NLAW là có thể sử dụng hai chế độ tấn công mục tiêu. Đối với các phương tiện không được bọc thép hoặc bọc thép nhẹ, cũng như quân địch bên trong các tòa nhà thì có thể sử dụng tổ hợp tấn công ở chế độ "tấn công trực tiếp" (“Direct Attack” - DA), theo đó, tên lửa bay theo đường ngắm. Để đối phó các mục tiêu như xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, người ta sử dụng chế độ tấn công “đột nóc” (Overfly Top Attack - OTA).
Ở chế độ này, nhờ sử dụng khả năng của cảm biến quang học và từ, việc phát nổ đầu đạn diễn ra dưới góc 90 độ xảy ra tại thời điểm tên lửa ở phía trên đối tượng bị tấn công. Khi được kích nổ từ trên cao, lõi nổ sẽ tấn công xe tăng ở những nơi có vỏ thép mỏng nhất - nóc thân xe và tháp pháo. Ngoài ra, chế độ OTA cho phép xạ thủ bắn trúng các mục tiêu nằm sau hầm trú ẩn, các nếp gấp địa hình, hoặc trong chiến hào…
Tính năng này phát huy tác dụng ở khoảng cách 20 m, lý tưởng cho việc cận chiến đối với xe tăng đang nấp. Người điều khiển NLAW thậm chí không cần phải nhìn thấy mục tiêu hoàn toàn mà chỉ cần nhìn thấy một mảng nhỏ của xe tăng đối phương. Khả năng xuyên giáp được công bố là 500 mm giúp nó có thể hạ nốc ao hầu hết các loại MBT hiện đại bằng các đòn tấn công từ phía trên.
Thời hạn sử dụng NLAW 20 năm, khá hợp lý với hầu hết các loại vũ khí hiện đại. Nếu các hệ thống chống tăng đầu tiên của Anh được ra mắt vào năm 2009, đã được chuyển giao thì quân đội Ukraine sẽ có thêm khoảng 7 năm dự trữ theo thời hạn sử dụng đã được công bố. So sánh với tổ hợp Javelin của Mỹ hay Kornets của Nga, NLAW có tầm bắn ngắn. Nhưng tổ hợp được tạo ra không để cạnh tranh với các hệ thống chống tăng phân khúc đó. Một nhược điểm khác của tổ hợp NLAW là do sử dụng một lần nên giá thành cao./.