Tên lửa siêu thanh Zircon triển khai trên biển

Tên lửa Zircon (tiếng Nga: 3M22 Циркон, định danh NATO: SS-N-33) là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm cơ động do NPO Mashinostroyeniya (Nga) phát triển, được trưng bày lần đầu tại triển lãm hàng không MAKS 1995. Các nguyên mẫu Zircon đã được phóng thử từ máy bay ném bom Tu-22M3 vào năm 2012-2013, phóng từ bệ phóng trên mặt đất năm 2015; tại lần thử nghiệm thành công đầu tiên vào năm 2016, Zircon đạt tốc độ Mach 8 (9.800km/giờ; 2.722,3m/giây); được cho đã chính thức đưa vào trang bị tháng 11/2017.

Thử nghiệm mới nhất của tên lửa ngày 10/12/2018 đã chứng minh Zircon đạt được tốc độ Mach 8-9 (9.800-11.025 km/giờ; 2.722,3-3.362,6 m/s); tầm bắn dài nhất có thể là 1.000 km gấp 3 lần so với tầm bắn của tên lửa diệt hạm Harpoon Block IV - loại tên lửa chống hạm hiện đại nhất của Mỹ. Con số này vượt xa hơn tầm bắn của các hệ thống phòng không trên tàu chiến hoặc tầm bay của máy bay tiêm kích từ tàu sân bay, cho phép máy bay, tàu chiến của Nga tấn công các chiến hạm địch mà không sợ bị bắn trả.

1_gqjs.jpg
Zircon có thể được trang bị cho cả tàu mặt nước lẫn tàu ngầm; Nguồn; bastion-karpenko.ru 

Để đạt tầm bắn trên, một loại nhiên liệu mới có mật danh "Decylin-M" đã được tạo ra. Tốc độ cao như vậy có thể sẽ tạo ra một đám mây plasma xung quanh tên lửa, hấp thụ bất kỳ sóng vô tuyến nào khiến tên lửa gần như vô hình trước radar (tàng hình plasma), hoặc tên lửa chỉ được phát hiện ra khi đã ở cự ly gần, nên không còn kịp để triển khai đánh chặn. Zircon trao đổi thông tin trong khi bay và có thể được điều khiển bằng các lệnh nếu cần thiết, xuyên thủng các hệ thống phòng thủ hải quân hiện có.

Vận tốc cực cao của Zircon không chỉ giúp nó khó bị đối phương đánh chặn, mà cũng giúp tăng sức tàn phá của tên lửa khi va chạm vào mục tiêu. Theo tính toán, khi tên lửa nặng 2 tấn, bay với vận tốc 2,5km/giây như Zircon sẽ tạo ra động năng đạt tới 12,5 tỷ jun (tương đương sức nổ của 2,7 tấn thuốc nổ TNT), đủ sức để "bẻ gãy đôi" hoặc làm hư hại nặng cả một tàu sân bay cỡ lớn, ngay cả khi đầu đạn của tên lửa chưa phát nổ.

Theo chuyên gia quân sự Nga Kornevcho - Tổng biên tập trang web quân sự MilitaryRussia, tên lửa Zircon rất phù hợp cho các tàu tên lửa hạng nhẹ và tàu ngầm hạng nhẹ. Việc trang bị tên lửa siêu thanh mới cho Hải quân Nga có tác động đáng kể đến cân bằng quyền lực ở nhiều nơi trên thế giới và loại vũ khí này được cho là sẽ thay đổi quy luật của chiến tranh.

Zircon sẽ được tích hợp đầu tiên cho các tàu tuần dương lớp Kirov, Đô đốc Nakhimov và Pyotr Velikiy sau năm 2020. Các tàu trang bị tên lửa chống hạm P-700 Granit sẽ được thay thế bằng các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) đa năng 3S-14 có khả năng phóng tên lửa hành trình chống hạm Oniks, Kalibr và Zircon. Sau khi hoàn thành việc tái trang bị, các tàu có thể mang theo 40-80 tên lửa hành trình chống hạm thuộc các loại khác nhau.

Hình ảnh mô phỏng Zircon trong khi bay; Nguồn; videowebtube.news

Giới phân tích cho rằng, là một chủng loại vũ khí mới thuộc hệ thống vũ khí phi hạt nhân, tuy nhiên, uy lực của Zircon có thể tiệm cận vũ khí hạt nhân; việc trang bị tên lửa Zircon sẽ giúp nâng cao đáng kể sức mạnh của Hải quân Nga và thay đổi phương sách hành động của Hải quân Nga.

Zircon phiên bản bố trí trên mặt đất

Ngày 24/12/2019, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Zircon phiên bản mới - bố trí trên mặt đất, đang được phát triển. Theo nguyên thủ Nga tiết lộ trước đó, tên lửa Zircon có tốc độ 9 Mach (cao gấp 9 lần tốc độ âm thanh) có thể tiêu diệt cả mục tiêu trên biển và trên bộ ở khoảng cách hơn 1.000km. Với tốc độ trên, để hủy diệt mục tiêu ở khoảng cách 1.000km, Zircon vượt qua trong 6-7 phút; hệ thống phòng thủ đối phương sẽ chỉ có rất ít thời gian để phát hiện tên lửa, và gần như không có cơ hội để đánh chặn.

Trước đó, từng xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Nga đã dùng phiên bản đặc biệt của Zircon tấn công phiến quân tại Idlib (Syria) khi tên lửa này chỉ mất 137 giây để tấn công và phá hủy mục tiêu cách đó gần 300km. Theo lời tiến sĩ Anh hùng Liên bang Nga Vsevolod Khmyrov - Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu, các mục tiêu tại Mỹ và ở châu Âu đều có thể trở thành nạn nhân của Zircon. Các tên lửa siêu thanh Zircon không chỉ đe dọa các tổ hợp phóng tên lửa ở châu Âu mà còn có thể phá hủy các cơ sở điều khiển tên lửa trên lãnh thổ Mỹ sau 5 phút kể từ khi phóng.

Chuẩn Đô đốc Nga giải thích, nếu một tàu ngầm hoặc chiến hạm nổi được trang bị tên lửa Zircon hoạt động ở khoảng cách trên 600km từ bờ biển các quốc gia định tấn công, trong tình huống cấn thiết các tên lửa này sẽ xuyên thủng tất cả các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại nhất hiện nay, tấn công chính xác mục tiêu trong vòng năm phút với chiều sâu chiến trường ít nhất là 600km.

Phát hiện và đánh chặn vũ khí siêu thanh đang là những vấn đề nan giải; Nguồn; c4isrnet.com

Trong trường hợp đối phương có thể phát hiện được các tên lửa đang bay, cũng không có cách nào nào đánh chặn được các đầu đạn. Tướng John Hyten - Cục trưởng Cục Tác chiến Chiến lược Quân đội Mỹ trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã thú nhận: "Chúng ta không có biện pháp phòng thủ trước chúng (các tên lửa hành trình siêu vượt âm), nhất là khi bảo vệ các đồng minh châu Âu". Nhà báo Gernot Kramper trên tạp chí Stern của Đức cho rằng “Chỉ có hệ thống phòng thủ bằng vũ khí laser may ra có thể đương đầu nổi với loại tên lửa lợi hại như vậy”, nhưng vũ khí phòng không bằng năng lượng laser là một công nghệ tương lai, chưa thể ra đời ít nhất là cho tới năm 2030.

Quân đội Mỹ cũng đang phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh bố trí trên mặt đất. Dự kiến, tốc độ của tên lửa sẽ từ Mach 5 trở lên, và tầm bắn sẽ vượt quá 1.000km. Các thử nghiệm của hệ thống này được lên kế hoạch vào năm 2020 và việc sản xuất các vũ khí này được lên kế hoạch bắt đầu không muộn hơn năm 2023. Theo các chuyên gia, hệ thống tên lửa mặt đất với tên lửa Zircon là câu trả lời đanh thép của Nga đối với việc Mỹ xé bỏ Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF)./.