Theo thông báo của Nhà Trắng, Mỹ sẽ cung cấp 6.000 súng chống tăng AT4 cho Ukraine. AT4 là một trong những vũ khí chống tăng cơ bản nhất mà các tân binh của Lục quân Mỹ thường phải học cách vận hành trong những ngày đầu bước vào quân ngũ. Binh sỹ có thể dễ dàng nắm được thao tác do AT4 có thiết kế rất đơn giản.
Tuy vậy, đây cũng là những vũ khí lợi hại – được coi là khắc tinh của xe tăng và xe thiết giáp, có thể giúp ích rất nhiều cho các lực lượng phòng vệ. Các chuyên gia Mỹ tin rằng, những tình nguyện viên không có kinh nghiệm quân sự tại Ukraine có thể nâng cao sức chiến đấu với loại vũ khí này vì trước đó phần lớn quân nhân dự bị chỉ được trang bị AK-47.
AT4 có cỡ nòng 84 mm, có chiều dài tổng thể gần 1m, trọng lượng 6,7kg. Nó chắc chắn, nhẹ, cơ động và có thể đeo vào vai, vì vậy người lính vẫn có thể mang theo súng trường. Do đây là vũ khí không có điều khiển dùng một lần, nên người sử dụng cần phải cố gắng nhắm trúng mục tiêu bởi ống phóng sẽ bị loại bỏ sau khi đã khai hỏa.
AT4 có độ giật thấp, có thể được sử dụng để chống lại các loại xe tăng nhẹ (nó không hiệu quả với các loại xe tăng chiến đấu chủ lực) và xe bọc thép chở quân, cùng với các boongke và ụ phòng thủ của đối phương. Chúng được sản xuất bởi tập đoàn vũ khí Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển. Saab cho biết đã sản xuất hơn một triệu chiếc AT4 trong những năm qua, riêng quân đội Mỹ đặt hàng 600.000 chiếc. Theo thời gian, vũ khí này đã được cải thiện về tầm nhìn, ống ngắm, thêm dây đeo và bổ sung một số phụ kiện khác. Quân đội Mỹ là một trong những khách hàng mua AT4 đầu tiên của Saab vào đầu những năm 1980. Hiện vũ khí này đang được sử dụng tại ít nhất 20 quốc gia.
AT4 thực chất được phát triển từ Pansarskott M68 cỡ nòng 74 mm được quân đội Thụy Điển sử dụng trong những năm 1960. Bên cạnh đó, nó còn được chế tạo theo dòng hệ thống chống tăng không giật 84 mm Carl Gustaf. Trong khi Carl Gustaf dùng ống phóng bằng thép nặng và đắt tiền với nòng cắt rãnh bên trong, AT4 tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất nhờ ống phóng làm bằng sợi thủy tinh, nhẹ và rẻ hơn.
Năm 1982, AT4 được giới thiệu cho quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ đã thử nghiệm 6 loại vũ khí khác nhau vào năm 1983 và nhận thấy rằng AT4 đáp ứng mọi tiêu chuẩn cần thiết để thay thế vũ khí chống tăng hạng nhẹ không có điều khiển M72 LAW.
AT4 có chế độ bắn thẳng. Xạ thủ phải tháo chốt an toàn, di chuyển các tấm che và nhắm qua thước ngắm cơ khí được bật lên. Sau đó chỉ cần đẩy nút bắn màu đỏ về phía trước bằng ngón tay cái.
Đây là vũ khí bắn một phát có thể sử dụng các loại đạn khác nhau gồm: đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT) có khả năng xuyên 420 mm giáp đồng nhất; đạn HEDP 502 cho phép phá hủy boongke, công sự và những mục tiêu bọc giáp nhẹ, đạn nổ phá mang liều kép AST, đạn nổ mạnh ER, HE, đạn HP đâm xuyên cao hơn với mức thâm nhập 500 - 600 mm, và đạn AT8, AT12.
AT8 là loại đạn mới được phát triển để bắn phá boongke và AT12 có thể xuyên thủng giáp trước của bất kỳ xe tăng chiến đấu hiện đại nào.
AT4 có thể sẽ được sử dụng như một vũ khí chống tăng cuối cùng. Nó không thể thay thế cho các hệ thống tên lửa dẫn đường Javelin hoặc vũ khí chống tăng thế hệ mới (NLAW) chuyên tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực. Nhưng nó rất dễ sử dụng và những các tân binh có thể được huấn luyện về vũ khí này trong thời gian ngắn.
Nhược điểm của AT4 là tạo ra một luồng khí sát thương phía sau, có thể gây hại cho người vận hành vũ khí hoặc các lực lượng thân thiện ở gần khu vực nó khai hỏa, ngoài ra còn dễ làm xạ thủ bị lộ vị trí. Nếu một người lính đứng đằng sau vũ khí này khi nó được khai hỏa, anh ta có thể bị thương nặng. Do vậy, vũ khí này rất khó sử dụng trong các khu vực có không gian hẹp. Để khắc phụ nhược điểm đó, nhà sản xuất đã cho ra đời biến thể mới AT4-CS nhằm đáp ứng các yêu cầu trong chiến tranh đô thị.
AT4-CS dùng thiết bị giảm giật chuyên dụng bằng nước muối để hấp thu tác động, làm cho áp lực luồng khí đi ra phía sau giảm hẳn, phù hợp điều kiện tác chiến chật hẹp. Nó dài khoảng 91 cm, nặng 7,5 kg, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 274m. AT4-CS có sẵn hai loại đầu đạn, đó là HP và RS.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và đồng minh châu Âu đã ồ ạt hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Vẫn chưa rõ số vũ khí mà phương Tây cung cấp có đủ sức giúp Ukraine xoay chuyển tình hình thực địa hay không. Nhưng Nga nhiều lần cảnh báo đây sẽ là hành động gây leo thang căng thẳng, có thể dẫn đến xung đột trực diện giữa Nga và NATO. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm qua (22/3) cho biết, việc cung cấp vũ khí và gửi lính đánh thuê tới Ukraine là những chính sách “cực kỳ nguy hiểm”, đe dọa trực tiếp đến an ninh của châu Âu và toàn cầu. Theo ông Anatoly Antonov, đây là hành động “vô trách nhiệm” của các nước phương Tây./.