Hải quân Mỹ “kết” F/A-18 Block III Super Hornet

Tháng 3/2019, Boeing đã nhận được một hợp đồng trị giá 4 tỉ USD cung cấp cho Hải quân Mỹ 78 tiêm kích hạm nổi tiếng F/A-18 phiên bản Block III Super Hornets (61 chiếc E (một chỗ ngồi) và 17 chiếc F (hai chỗ ngồi), sản phẩm sẽ được giao từ giữa 2020 đến năm 2024 (F/A viết tắt của Fighter/Attack - Chiến đấu/Tấn công). Nhờ đổi mới về hệ thống điện tử, cải thiện khả năng tàng hình, tăng phạm vi hoạt động, trang bị hệ thống điện tử mới…, F/A-18 Block III Super Hornet tương thích tốt hơn với các máy bay F-35A và F-35C, đồng thời, dễ dàng kiểm soát và chỉ huy các máy bay không người lái khi làm nhiệm vụ tấn công.

Việc lắp thêm bình nhiên liệu phụ trên lưng với sức chứa 1.590kg giúp F/A-18 Block III Super Hornet tăng tầm bay mà không ảnh hưởng tới tính năng khí động học. Được trang bị hệ thống cảm biến thụ động IRST21 kết hợp cùng với hệ thống ngắm-trinh sát Legion Pod, Block III Super Hornet phát hiện và theo dõi chính xác mục tiêu ở tầm xa - ở khoảng cách an toàn cho phi đội và nhóm tàu trên biển của Mỹ, có thể đồng thời theo dõi chính xác nhiều mục tiêu, cả với những mục tiêu có hệ thống gây nhiễu radar tiên tiến trong khi có thể giấu mình trước các khí tài trinh sát điện tử của đối phương.

1_1024px_An_F_A_18C_Hornet_launches_from_the_flight_deck_of_the_conventionally_powered_aircraft_carrier_wikipedia_org_YFKO.jpg
F/A-18 là dòng tiêm kích hạm đa năng; Nguồn: wikipedia.org

Super Hornet Block III sẽ được trang bị khung máy bay mới hơn 9.000 giờ.  Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay Mỹ đang chủ yếu tập trung chống lại các công nghệ mới của Nga vì công nghệ của Nga vượt trội hơn hẳn so với công nghệ Trung Quốc. Giới chức quân sự Mỹ thậm chí hy vọng F/A-18 Block III Super Horet có khả năng đối đầu sòng phẳng với Su-57 của Nga và trong trường hợp F-35C hoạt động không như mong đợi thì đây sẽ là giải pháp thay thế tiềm năng.

Các chuyên gia quân sự cũng lưu ý rằng, phiên bản cải tiến F/A-18 Block III Super Horne sẽ không được sử dụng như là lực lượng tấn công chính. Mỹ có kế hoạch kết hợp chúng với máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F-35A. Đây chính là nguyên nhân Mỹ tiến hành hiện đại hóa F/A-18 thay vì lựa chọn loại máy bay mới nhất F-35. Kế hoạch này của Mỹ một lần nữa cho thấy, họ đang rất lo lắng về sự xuất hiện của Su-57 và đang tìm mọi cách để khắc chế.

Theo Boeing, F/A-18 Block III Super Hornet là máy bay chiến thuật mới nhất có khả năng, giá cả phải chăng, là xương sống của không quân tàu sân bay Mỹ hiện nay và trong nhiều thập kỷ tới. Hai phiên bản E và F có thể thực hiện hầu như mọi nhiệm vụ chiến thuật, bao gồm giành ưu thế trên không, tấn công ngày/đêm với vũ khí dẫn đường chính xác, hộ tống chiến đấu cơ, yểm trợ trên không, trấn áp lực lượng phòng không đối phương, tấn công trên biển, trinh sát, ...

Chiếc F/A-18E - phiên bản một chỗ ngồi; Nguồn: wikipedia.org

Boeing đã bắt đầu chuyển đổi Super Hornets Block II hiện tại sang Block III vào đầu năm nay, giúp kéo dài tuổi thọ của máy bay chiến đấu từ 6.000 lên 10.000 giờ. Hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch nâng cấp một số lượng đáng kể trong số 540 chiếc Super Hornet còn lại của họ lên tiêu chuẩn Block III.

Không quân Đức “chấm” F/A-18 Advanced Super Hornet

Hôm 26/3/2020, Không quân Đức đã công bố kế hoạch "thay máu" lực lượng bằng máy bay mới; những máy bay thế chỗ cường kích Tornado hiện nay phải đáp ứng được các yêu cầu của Đức, đặc biệt là sở hữu khả năng tấn công hạt nhân vì Đức đang là một phần của thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO. Với tiêu chuẩn này, ban đầu việc mua thêm tiêm kích Typhoon, sắm mới F-35 hoặc F-15 đã được tính đến. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi Không quân Đức loại những ứng cử viên sáng giá như F-35, F-15 hay Typhoon để chọn tiêm kích hạm F/A-18E/F Advanced Super Hornet làm nền tảng cho không quân nước này.

Mỹ hiện duy trì tại Đức khoảng 20 quả bom hạt nhân B-61. Mới đây, Washington đã vận chuyển chúng về Mỹ để nâng cấp. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, quân đội Đức có thể sử dụng các vũ khí hạt nhân này bằng máy bay cường kích Tornado. Tuy nhiên, sau khi các phi đội Tornado bị loại biên, để được mang vũ khí hạt nhân, máy bay chiến đấu mới của Không quân Đức cần được chứng nhận và đồng ý của Mỹ.

Không quân Đức đã quyết định mua 30 chiếc Advanced Super Hornet; Nguồn: wikipedia.org

Theo thông tin chính thức, Đức sẽ đặt mua 30 chiếc F/A-18 Advanced Super Hornet và 15 chiếc EA-18G Growler. Boeing F/A-18E/F Advanced Super Hornet là các chiến đấu cơ đa năng, hai động cơ dựa trên bản gốc McDonnell Douglas F/A-18 Hornet. Super Hornet có pháo xoay M61 cỡ 20mm bên trong, có thể mang tên lửa không đối không và vũ khí không đối đất. Nhiên liệu bổ sung có thể được mang theo tối đa trong năm thùng nhiên liệu bên ngoài và máy bay cũng có thể được tiếp nhiên liệu trên không.

Việc kết hợp giữa Hornet và Growler theo ý tưởng của Đức, phù hợp để đáp ứng yêu cầu của máy bay chiến đấu tấn công và máy bay tác chiến điện tử. Berlin buộc phải mua Advanced Super Hornet do nhu cầu của NATO để có một nền tảng máy bay có khả năng mang bom hạt nhân B-61, trong khi EA-18G Growler sẽ thay thế ECR Tornado thực hiện chức năng tương tự. Theo tờ Suddeutsche Zeitung, tiêm kích đa năng F/A-18 của Boeing đã đi trước tập đoàn Airbus và Eurofighter của châu Âu, thời gian cần thiết để chứng nhận trang bị vũ khí hạt nhân cho tiêm kích Typhoon là từ 3 đến 5 năm.

Được bổ sung những tính năng mới bao gồm thùng nhiên liệu đa giác phía trên gốc cánh chính, giúp mở rộng tầm bay thêm khoảng 300km; trang bị radar tiên tiến, lắp đặt thêm hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại cho phép F/A-18 phát hiện các đối tượng tàng hình; nâng cao khả năng tác chiến điện tử bằng một số giải pháp công nghệ đã áp dụng thành công từ máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Advanced Super Hornet sẽ có khả năng tự bảo vệ và tấn công điện tử mà không quá phụ thuộc vào EA-18G.

Buồng lái gần như số hóa hoàn toàn với việc trang bị một màn hình cảm ứng lên tới 19 inch hiển thị các thông tin cũng như điều khiển máy bay. Động cơ cũng được nâng cấp cho khả năng hoạt động ổn định và mạnh mẽ hơn. Tất cả những nâng cấp đáng giá này khiến cho phiên bản F/A-18E/F Advanced Super Hornet vượt trội hoàn toàn so với các loại máy bay tiêm kích hạm thế hệ thứ 4 hiện nay.

Hải quân Mỹ có kế hoạch mua F/A-18 Block III Super Hornets và nâng cấp Block II lên Block III; Nguồn: news.usni.org

Mặc dù Đức chọn F/A-18E/F Super Hornet, B-61 hiện chỉ được chứng nhận có thể sử dụng từ phiên bản F/A-18A/B Hornet; việc tích hợp vũ khí hạt nhân cho phiên bản Super Hornet cũng sẽ mất một thời gian và việc chứng nhận tuân thủ việc trang bị bom B-61 cho Không quân Đức là phù hợp với lịch trình. Mặc dù điều này chưa được xác nhận chính thức nhưng 20 quả bom hạt nhân B-61 của Mỹ đang được tàng trữ tại căn cứ không quân Büchel có thể được gắn trên Tornado của Đức, hiện được thay thế bằng loại chiến đấu cơ hiện đại hơn.

Dù có cùng chung cách bố trí và hệ thống, nhưng F/A-18E/F Super Hornet lại có nhiều sự khác biệt đối với nguyên bản là F/A-18 Hornet. Super Hornet có tên gọi là "Rhino" (tê giác) để phân biệt với mẫu Hornet "legacy" (di sản) trước đó. Tên gọi "Rhino" đã nói lên phần nào tầm quan trọng của Super Hornet trong các nhiệm vụ và đặc biệt là bảo vệ các hoạt động của tàu sân bay. Advanced Super Hornet có khả năng thực hiện các nhiệm vụ: tấn công cả ngày lẫn đêm với các vũ khí được dẫn đường chính xác; tác chiến phòng không; hộ tống, hỗ trợ mặt đất, tiêu diệt hệ thống phòng không địch, tấn công trên biển, do thám, chuyển tiếp số liệu trên không, tiếp nhiên liệu trên không, thả truyền đơn...

Giải pháp “thỏa hiệp”

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, quá trình mua sắm máy bay chiến đấu mới của không quân Đức chịu sức ép từ nhiều phía. Trong năm 2019, các quốc gia châu Âu đã đề nghị Đức loại máy bay F-35 Lightning II ra khỏi kế hoạch mua sắm để chờ đợi dòng máy bay chiến đấu tương lai của khối sẽ ra mắt trong thập niên tới. Bộ quốc phòng Đức miêu tả quyết định mua máy bay là "một sự thỏa hiệp", với giải thích, nó tăng cường quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương và củng cố uy tín của Đức trong liên minh NATO.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F có thể được tiếp liệu trên không; Nguồn: wikipedia.org

Một mặt, mục tiêu là thúc đẩy một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, đặt nền tảng cho Hệ thống Máy bay Chiến đấu Tương lai Pháp-Đức. Mặt khác, F-18 với các biến thể Advanced Super Hornet và Growler sẽ giúp tránh khoảng cách về đóng góp năng lực quan trọng mà Đức cần cống hiến cho NATO. Tuy nhiên, quyết định vẫn còn gây tranh cãi. Những người ủng hộ ngành công nghiệp trong nước đã lập luận rằng Eurofighter có thể đảm nhận vai trò chiến tranh điện tử, do đó, chính phủ chỉ cần mua 15 chiếc Growlers, là máy bay có khả năng gây nhiễu của Airbus.

Đối với nhiệm vụ chia sẻ hạt nhân, quyết định mua F-18 cho thấy, các chiến lược gia Đức muốn thực hiện trò chơi an toàn, ít nhất là khi Berlin vẫn cam kết với hiệp ước này ngay từ đầu. Theo một số nhà phân tích, trong khi biến thể F-18 mới nhất vẫn chưa được chứng nhận có thể mang được bom hạt nhân B-61, đặt mua một đội máy bay ném bom ngày tận thế mạnh gồm 30 chiếc từ Lầu Năm Góc hứa hẹn sẽ ít căng thẳng hơn nhiều so với việc cố gắng mua máy bay Eurofighters. Tuy nhiên, sứ mệnh hạt nhân mang tính biểu tượng, và vì nhiều lý do, Đức không còn cách nào khác ngoài chấp nhận “giải pháp thỏa hiệp”./.