Tên lửa BrahMos do NPO Mashinostroyeniya của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ cùng phát triển. Lần phóng thử đầu tiên diễn ra vào năm 2001. Nhiều phiên bản khác nhau của tên lửa này đã được đưa vào biên chế trong Hải quân, Không quân và Lục quân của Ấn Độ.
Trụ sở chính của BrahMos Aerospace đặt tại New Delhi. Tên gọi BrahMos là sự kết hợp giữa tên của sông Brahmaputra ở Ấn Độ và sông Moskva ở Nga.
Theo ông Atul Rane, “những viên gạch công nghệ” cho tên lửa siêu thanh đã được cả 2 bên thiết kế.
“Nếu họ trao cho chúng tôi những viên gạch công nghệ, chúng tôi sẽ phát triển một tên lửa siêu thanh”, ông Rane nói.
Khi được hỏi liệu tên lửa BrahMos-II có sử dụng một số công nghệ của tên lửa Zircon hay không, ông Rane nói rằng điều đó là “có thể”. Sẽ mất khoảng 5-6 năm trước khi diễn ra các thử nghiệm đầu tiên của BrahMos-II.
“Cả thế giới đang nghiên cứu về siêu thanh. Tôi chưa thấy ai trên thế giới có tên lửa hành trình siêu thanh. Nga cho biết họ đã thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon do NPO Mashinostroyeniya phát triển”, Rane nói, đồng thời nhấn mạnh mặc dù Mỹ và Trung Quốc đều đang nghiên cứu về tên lửa hành trình siêu thanh nhưng cả 2 nước vẫn chưa có loại tên lửa như vậy.
Theo ông Rane, BrahMos-II sẽ không được xuất khẩu mà chỉ được sản xuất cho Nga và Ấn Độ. Ông giải thích rằng Ấn Độ, là một bên của Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, có thể phát triển tên lửa có tầm bắn trên 300 km và trọng lượng trên 500 kg, nhưng không thể bàn giao cho các nước thứ ba./.