Thương vụ thiết bị chống ngầm
Sau thỏa thuận về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (Defense Security Cooperation Agency - DSCA) thông báo, Mỹ đã chấp thuận bán 12 máy bay trực thăng Sikorsky MH-60R trị giá khoảng 985 triệu USD cho Australia. Chính phủ Australia đã yêu cầu mua 12 máy bay trực thăng đa nhiệm MH-60R; 30 động cơ T-700-GE-401C; 12 Radar đa chế độ (Multi-Mode Radar) APS-153 (V) [và] 12 Hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ (Multi-Spectral Targeting Systems) AN/AAS-44C (V).
Thỏa thuận này cũng bao gồm 34 Hệ thống định vị toàn cầu nhúng, định vị quán tính chính xác và mô-đun chống giả mạo, cùng 20 hệ thống phân phối thông tin vô tuyến chiến thuật đa năng Link 16. Australia cũng sẽ mua cùng gói 12 bệ phóng tên lửa kỹ thuật số GAU-61, 12 sonar tần số thấp thả từ trên không, 18 hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-47, 18 thiết bị phóng pháo sáng và pháo nổ AN/ALE-47, các thiết bị đối phó điện tử và các thiết bị khác.
Các trang thiết bị quân sự này sẽ cải thiện khả năng của Australia trong việc thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chống tàu nổi và chống tàu ngầm cùng với khả năng thực hiện các nhiệm vụ khác bao gồm cẩu hàng, tìm kiếm-cứu nạn và chuyển tiếp thông tin liên lạc. Sikorsky MH-60R sẽ thay thế 6 chiếc MRH90 'Taipan' hiện đang được biên chế cho Hải quân Hoàng gia Australia.
Trước đó, vào tháng 6/2011, chính phủ Australia đã ký hợp đồng với Mỹ mua 24 máy bay trực thăng MH-60R Romeo để hỗ trợ các hoạt động chống tàu ngầm và tác chiến chống tàu mặt nước của hải quân. Năm 2016, việc bàn giao tất cả 24 chiếc MH-60R đã hoàn thành. Tháng 4/2021, Australia đã mua 12 máy bay không người lái MQ-9B và các thiết bị liên quan với giá khoảng 1,6 tỷ USD, xe tăng và xe bọc thép hạng nặng 1,6 tỷ USD và 4 trực thăng vận tải CH-47F với giá 259 triệu USD. Tháng 6/2021, Australia đã mua 29 trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache với giá 3,5 tỷ USD.
Trực thăng nhiệm vụ Sikorsky MH-60R Black Hawk
Sikorsky đã đệ trình thiết kế S-70 cho cuộc thi Hệ thống Máy bay Vận tải Chiến thuật Tiện ích (Utility Tactical Transport Aircraft System - UTTAS) của Quân đội Mỹ vào năm 1972. Quân đội đã ấn định nguyên mẫu là YUH-60A và chọn Black Hawk là người chiến thắng của chương trình vào năm 1976, sau khi bay biểu diễn với Boeing Vertol YUH-61. Được đặt theo tên của nhà lãnh đạo chiến tranh người Mỹ bản địa Black Hawk, UH-60A được đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ năm 1979, để thay thế Bell UH-1 Iroquois với vai trò trực thăng vận tải chiến thuật.
Sikorsky Aircraft đã phát triển máy bay trực thăng hải quân đa nhiệm MH-60R, còn được gọi là 'Romeo', nhằm thay thế phi đội trực thăng SH-60B và SH-60F của Hải quân. MH-60 R tích hợp các hệ thống đặc chủng và cảm biến tiên tiến do Lockheed Martin phát triển. Thiết kế của MH-60R kết hợp tinh hoa của các trực thăng săn ngầm SH-60B, SH-60F và nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, cho phép đảm nhiệm nhiệm vụ đa dạng hơn bên cạnh khả năng chống ngầm.
Chiếc MH-60R đầu tiên thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/2001. Hải quân Mỹ là nhà vận hành chính MH-60R với 289 chiếc trong trang bị. Hai chiếc MH-60R đóng mới đầu tiên đã được chuyển giao cho hải quân tháng 8/2005. Gói cảm biến của chúng bao gồm cảm biến tìm dò và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại (FLIR), bộ dò radar/IFF đa chế độ AN/APS-147, một liên kết dữ liệu tiên tiến và một sonar tần số thấp thả từ trên không (airborne low-frequency sonar - ALFS) tiên tiến hơn.
MH-60R có cabin dài 3,2m, cao 1,3m và rộng 1,8m, có thể tích 8,5m³, cung cấp môi trường hoạt động thoải mái cho kíp lái bay ba đến bốn thành viên và năm hành khách. Cabin được trang bị bộ thiết bị điện tử hàng không Common Cockpit bằng kính toàn phần, kỹ thuật số, kiến trúc mở, tương thích với tầm nhìn ban đêm. Buồng lái tích hợp bốn màn hình nhiệm vụ và chuyến bay, máy tính nhiệm vụ tích hợp, bộ liên lạc kỹ thuật số, bộ nhớ chung lưu trữ dữ liệu, máy tính quản lý chuyến bay.
Buồng lái cũng được lắp hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống định vị quán tính, hệ thống liên lạc vệ tinh và liên lạc VHF/UHF an toàn. Hệ thống các biện pháp hỗ trợ điện tử (electronic support measures - ESM) Advanced ALQ-210 cũng được tích hợp nhằm phát hiện, xác định và định vị các mối đe dọa. Hệ thống hồng ngoại thế hệ hai trên MH-60R giúp tăng cường khả năng giám sát chiến trường trong điều kiện ánh sáng yếu.
Trực thăng cũng có hệ thống tự vệ tích hợp để bảo vệ chống lại các mối đe dọa. MH-60R có khả năng chống lại hỏa lực vũ khí nhỏ và đạn nổ cỡ trung bình. Khung máy bay và thiết bị hạ cánh hấp thụ năng lượng giúp tăng khả năng sống sót trên chiến trường. Các tính năng sống sót khác bao gồm hệ thống điều khiển bay dự phòng kép, hệ thống truyền dẫn mô-đun có bôi trơn an toàn khi hỏng hóc, hệ thống điện và thủy lực dự phòng...
Trực thăng MH-60R được trang bị hai động cơ T700-GE-401C, mỗi động cơ có công suất tối đa 2.554 kW. Nó được trang bị thùng nhiên liệu có dung tích 2.230 lít, và hai thùng bên ngoài. Trực thăng có tốc độ hành trình tối đa 267 km/h và tổng trọng lượng cất cánh tối đa là 10.659kg. Nó có thể lưu lại trên không tới 2,7 giờ khi được triển khai trong các nhiệm vụ tác chiến dưới biển và lên đến 3,3 giờ trong các hoạt động tác chiến trên mặt nước.
Khi trinh sát, MH-60R thả hệ thống định vị thủy âm AN/AQS-22 xuống nước bằng dây cáp, phát tín hiệu siêu âm để dò tìm tàu ngầm đối phương, hoặc thả xuống nước phao định vị thủy âm phát sóng dò tìm tàu ngầm và gửi tín hiệu thu được về tàu thông qua liên lạc vệ tinh.
MH-60R được công nhận là một trong những trực thăng hàng hải tiên tiến nhất thế giới. MH-60R có thể được triển khai cho nhiều mục đích, bao gồm tác chiến chống tàu ngầm (ASW), tác chiến chống tàu mặt nước (ASuW), tìm kiếm và cứu nạn (SAR), hỗ trợ hỏa lực hải quân (NGFS), giám sát, chuyển tiếp thông tin liên lạc, hỗ trợ hậu cần và vận chuyển binh sĩ... MH-60R có thể được sử dụng từ tàu sân bay, tàu khu trục, tàu du lịch, khinh hạm và tàu đổ bộ.
Để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến phòng không, Romeo có thể được trang bị nhiều loại đạn trên bốn trạm vũ khí, bao gồm 8 tên lửa đất đối không AGM-114 Hellfire. Đối với tác chiến chống tàu ngầm, MH-60R có thể mang theo 3 ngư lôi hạng nhẹ chủ động hoặc thụ động ATK Mk-50 hoặc ngư lôi phóng từ trên không Mk-54. Một súng máy 7,62mm gắn nòng có thể được sử dụng để tự vệ. Trực thăng này được trang bị móc cẩu hàng nặng 2.721,55kg cho các nhiệm vụ vận chuyển.
Cho đến nay, trực thăng Romeo đã được đã được xuất khẩu cho 14 quốc gia trên thế giới ngoài Mỹ. Năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt các thỏa thuận tương tự cho hải quân Hàn Quốc, cũng như hải quân Hy Lạp. Trước Australia, Ấn Độ là quốc gia gần đây nhất đặt hàng 24 chiếc MH-60R vào tháng 2/2020. Khách hàng tiếp theo có thể là hải quân Đài Loan (Trung Quốc)./.