Iran thường tìm tới Nga để mua các loại vũ khí không thể tự sản xuất trong nước, trong đó có cả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300.
Tehran từng mua tàu ngầm lớp Kilo, xe tăng T-72, xe thiết giáp bộ binh BMP-2, trực thăng Mi-17 và nhiều hệ thống chống tăng (như tên lửa dẫn đường 9K115-2 Metis-M). Shah Mohammad Reza Pahlavi (vị vua đổi tên nước Ba Tư thành Iran năm 1935) từng đặt mua xe thiết giáp BRT-50 và BRT-60, súng phòng không ZSU-23-4 dù khi đó Tehran phụ thuộc nhiều vào vũ khí Mỹ.
Lô vũ khí lớn nhất mà Iran mua của Nga được bàn giao vào những năm 1990 khi Iran đang tái xây dựng các lực lượng vũ trang sau chiến tranh 1980-1988 với Iraq, trong khi nước Nga cạn tiền cũng đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
Có một vài lý do khiến Nga có thể trở thành nhà cung cấp vũ khí, khí tài quân sự hàng đầu cho Iran.
Thứ nhất, Nga không áp đặt lệnh trừng phạt nào với Iran về các vấn đề nhân quyền hay khủng bố. Nga cũng xuất khẩu vũ khí tới một số nước bị phương Tây trừng phạt như Myanmar, Syria, Algieria và Venezuela.
Thứ hai, giá cả và chi phí bảo trì các thiết bị của Nga tương đối thấp. Ví dụ, 1 xe tăng Leopard 2A7+ do Đức sản xuất mà Qatar và Hungary mua gần đây có giá gần 10 triệu USD trong khi giá xe tăng T-14 Armata của Nga chỉ ở mức 4 triệu USD.
Hiện Nga đang trang bị cho lực lượng thiết giáp nước này các biến thể của T-72B (B3 và B3M/B4) có giá 2 triệu USD/chiếc. Iran hiện đang sử dụng các phiên bản cũ hơn của T-72. Việc mua các biến thể mới được xem như chương trình nâng cấp hợp lý, bởi kíp lái và lính bộ binh đều không cần nhiều thời gian để học cách sử dụng thiết bị mới.
Thứ ba, luật pháp Nga không bắt buộc các công ty phải báo cáo về việc xuất khẩu vũ khí, thậm chí còn khuyến khích bảo mật. Điều này phù hợp với mong muốn của Iran trong vấn đề an ninh và quốc phòng.
Những thiết bị của Nga nằm trong “tầm ngắm” của Iran
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho rằng, Iran muốn mua máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130, xe tăng T-90, hệ thống phòng không S-400 và hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.
Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 10, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri cho biết, Tehran quan tâm tới “trực thăng, máy bay chiến đấu, máy bay huấn luyện của Nga”…
Việc Iran chú trọng vào các hệ thống phòng không, không quân là điều dễ hiểu. Mặc dù Tehran đang phát triển tên lửa đạn đạo và các loại thiết bị bay không người lái (UAV), một phi đội thông thường vẫn là phương tiện hiệu quả trong tác chiến hiện đại.
Các máy bay chiến đấu đa nhiệm mới và các hệ thống phòng không tiên tiến sẽ đóng vai trò thiết yếu trong kịch bản chiến tranh của Iran: chống lại các cuộc không kích của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân nước này. Một cuộc tấn công lớn trên bộ khó có thể xảy ra và lực lượng bộ binh Iran hiện tại vẫn đủ khả năng tiến hành các chiến dịch ở Iraq, Afghanistan hoặc Đông Kurdistan.
Phi đội máy bay thông thường của Iran hiện đã quá cũ kĩ và Tehran quan tâm nhiều nhất đến Su-30, máy bay chiến đấu 2 động cơ, 2 chỗ ngồi. Đối với Iran, giải pháp tốt nhất là đặt hàng Su-30SM2, biến thể tiên tiến nhất hiện nay. Biến thể này hiện đã được đưa vào sử dụng trong không quân Nga.
So với Su-30SM, phiên bản SM2 có động cơ AL-41F1S mạnh mẽ hơn và radar tiên tiến hơn (raddar N035 Irbis – cũng được sử dụng trên máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35S). Su-30SM/SM2 có thể sẽ thay thế Su-24M và Su-27 (Su-24M vẫn đang hoạt động ở Iran).
Dù vậy, phiên bản SM, đặc biệt là SM2 được cho là nằm ngoài khả năng tài chính của Iran. Do đó, Iran có thể sẽ phải lựa chọn Su-30SME – phiên bản rẻ hơn và cũng cũ hơn. Giá cả không được công khai nhưng có một số thông tin cho rằng Belarus đã phải trả gần 50 triệu USD cho mỗi chiếc Su-30SM.
Su-30 sẽ là một tài sản tốt nếu Iran có thể mua cả Su-35, máy bay chiến đấu 2 động cơ, 1 chỗ ngồi, được phát triển dựa trên Su-27. Dù cả 2 loại đều có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, nhưng Su-35 – lần đầu xuất hiện quốc tế năm 2013 tại triển lãm hàng không Le Bourget ở Pháp, được thiết kế thiên về không kích nhiều hơn.
Do hệ thống nhắm mục tiêu và các loại vũ khí có thể triển khai, Su-35 hiện là máy bay hiện đại nhất trong Không quân Nga. Nhờ radar Irbis, mỗi chiếc Su-35 có thể theo dõi lên tới 30 mục tiêu trên không, khóa mục tiêu từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, giá cả vẫn sẽ là rào cản lớn.
Iran có thể sẽ cân nhắc một lựa chọn khác có chi phí thấp hơn như MiG-29 được thiết kế từ thời Liên Xô. Iran hiện chỉ có các biến thể cơ bản và lỗi thời A/UB của dòng máy bay này và chúng đều đóng vai trò “xương sống” trong phi đội của Iran.
Công ty Mikoyan chủ yếu quảng bá tiêm kích MiG-35, phiên bản cải tiến của MiG-29M/M2/K/KUB, nhưng cũng có thể cung cấp các biến thể cũ hơn cho Iran.
Một lựa chọn khác là Yak-130: máy bay huấn luyện 2 động cơ tốc độ cận âm, có thể được sử dụng như máy bay chiến đấu hạng nhẹ hoặc máy bay hỗ trợ. Dù Yak-130 không thể cạnh tranh với máy bay đa nhiệm hiện đại ngoài việc huấn luyện phi công Iran, nhưng chúng có thể được sử dụng để giám sát không phận quốc gia và yểm trợ bộ binh. Hiện tại, các nhiệm vụ này đều do các loại máy bay được mua từ thời Shah Mohammad Reza Pahlavi – như F-5 và F-4 Phantom II. Cả 2 loại này đều đã quá cũ. Hơn nữa, Yak-130 tương đối dễ bảo trì, ngay cả với những quốc gia kém phát triển. Yak-130 được các nước Belarus, Angeria, Bangladesh, Lào, Syria và Myanmar đặt mua.
Về trực thăng chiến đấu, Iran vẫn sở hữu Bell AH-1 SuperCobra do Mỹ sản xuất. Một số chiếc được Iran hiện đại hóa nhưng vẫn cần được thay thế sớm do năng lực hạn chế và thiếu linh kiện thay thế.
Nga có thể cung cấp cho Iran phiên bản nâng cấp dành cho xuất khẩu của Mi-24. Mi-35 không chỉ được Nga mà còn cả Afghanistan (ít nhất là cho tới gần đây), Mali, Venezuela, Brazil, Azerbaijan và Cyprus sử dụng.
Mi-24/35 được bọc thép, trang bị hạng nặng và có thể yểm trợ tốt cho bộ binh. Một lợi thế khác là chúng có thể vận chuyển binh sỹ tới các khu vực xa xôi.
Danh mục xuất khẩu của Nga cho Iran cũng có thể bao gồm trực thăng tấn công Mi-28NE.
Những rào cản
Mặc dù Iran công khai bày tỏ quan tâm tới các vũ khí, khí tài của Nga, điều đó không có nghĩa là đơn đặt hàng sẽ nằm trong tầm tay. Theo các hãng truyền thông, kế hoạch mua sắm trị giá 10 tỷ USD năm 2016 của Iran đã không đạt được kết quả cụ thể nào. Nga cũng từng từ chối đề nghị của Iran về việc mua các vũ khí tấn công.
Moscow không muốn gây bất ổn cho cán cân quyền lực khu vực cũng như làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ tốt đẹp với Saudi Arabia và Israel – hai nước đối thủ của Iran.
Cuối cùng, rào cản lớn nhất có thể là các vấn đề tài chính của Iran. Trong bối cảnh Iran đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính phủ nước này có thể có các ưu tiên khác cấp bách hơn là mua các thiết bị quân sự của Nga./.