TheoSputnik, việc điều động các loại máy bay ném bom hạt nhân nói trên diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông và khu vực Vành đai Thái Bình Dương đang nóng hơn bao giờ hết sau khi PCA công bố phán quyết về vụ kiện của Trung Quốc ở Biển Đông trong đó bác cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “yêu sách đường 9 đoạn” bao trùm hầu khắp Biển Đông.
Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố không công nhận tính pháp lý của PCA và không chấp nhận phán quyết mà PCA công bố. Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng trái phép các công trình trên các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông với mưu đồ quân sự hóa khu vực.
B-52H Stratofortress, B-1B Lancer và B-2A Spirit tại sân bay thuộc Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ |
Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, các oanh tạc cơ nói trên sẽ đảm nhiệm việc hỗ trợ các sứ mệnh Hiện diện Liên tục và Thường xuyên (CBP) cũng như Trấn an và Răn đe (BAAD) của các máy bay ném bom trong khu vực. Như vậy, số máy bay ném bom B-52 tại Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam sẽ gia tăng đáng kể.
Dù không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, Không quân Mỹ vẫn khẳng định sự cần thiết phải điều các oanh tạc cơ chiến lược nói trên đến Thái Bình Dương để “răn đe những đối thủ tiềm tàng”.
Trong bộ ba oanh tạc cơ nói trên, Không quân Mỹ đặc biệt coi trọng chiếc B-1B Lancer và nhấn mạnh: “Oanh tạc cơ B-1B Lancer sẽ đem lại những tính năng đặc biệt cũng như bổ sung kinh nghiệm tác chiến liên tục trong nhiều năm qua cho Bộ Chỉ huy Trung tâm tại Thái Bình Dương.
B-1B Lancer sẽ cung cấp khả năng tấn công cực nhanh trên toàn cầu nhằm củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như năng lực răn đe kẻ thù qua đó trấn an các đồng minh, thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực”.
Với tầm hoạt động lên đến 9.000km, B-1B Lancer hoàn toàn có thể đảm bảo an toàn cho các hoạt động tuần tra đảm bảo “tự do hàng hải” của Mỹ ở Biển Đông.
Ngoài 3 oanh tạc cơ tầm xa chiến lược nói trên, quân đội Mỹ dự định sẽ điều các chiến đấu cơ đa nhiệm tàng hình F-35 cùng tàu khu trục tối tân Zumwalt đến Thái Bình Dương vào năm 2018.
Không chỉ nhắm đến Trung Quốc, việc điều B-52H Stratofortress, B-1B Lancer và B-2A Spirit còn được cho là nhằm trấn an các đồng minh khác của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh khu vực Đông Á đang rất bất ổn trước việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục chỉ đạo thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa và tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Động thái điều các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa của Mỹ đến Thái Bình Dương đã khiến cả Trung Quốc và Triều Tiên phản ứng gay gắt. AFP dẫn lời giới chức Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu Triền Tiên bằng vũ khí hạt nhân.
Phía Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo động thái trên của Mỹ. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc kịch liệt lên án cái gọi là “quyền tự do đi lại về quân sự” của Mỹ. Hoạt động này không chỉ đe dọa mà còn thách thức và không tôn trọng luật pháp quốc tế”./.