Người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ hôm 19/1 tuyên bố rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vào hôm 6/1 không mở rộng năng lực kỹ thuật của nước này.

vu_thu_hat_nhan_trieu_tien_h_ljtp.jpg
Sóng địa chấn của vụ nổ hạt nhân Triều Tiên được ghi nhận ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Mặc dầu vậy, quan chức này cho biết, chính phủ Mỹ vẫn đang theo dõi sát sao các nỗ lực của Bình Nhưỡng phát triển một đầu đạn nhiệt hạch có khả năng tới được lãnh thổ Mỹ.

Phó Đô đốc James Syring phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) tổ chức: “Tôi đánh giá là năng lực kỹ thuật của họ không gia tăng. Những gì họ đang tiếp tục làm mang tính khiêu khích... Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát động thái của nước này”.

Ông Syring không cung cấp thêm chi tiết về cái gọi là vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên.

Mỹ không có sự thay đổi lớn nào trong các nỗ lực nhận diện, theo dõi và đánh chặn các mỗi đe dọa tên lửa tiềm tàng từ phía Triều Tiên do kết quả của cuộc thử hạt nhân mới nhất này.

Ông Syring nói: “Chúng tôi hoàn toàn đi đúng hướng trong việc giữ thế chủ động trước mối đe dọa này”.

Theo Syring, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa sẽ có 37 thiết bị đánh chặn bố trí trên mặt đất ở Alaska và California vào cuối năm 2016 và thêm 44 hệ thống đánh chặn như thế vào cuối năm 2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhiệm kỳ trước - Chuck Hagel đã chỉ thị lắp đặt thêm 14 hệ thống đánh chặn vào tháng 3/2013 sau cuộc thử hạt nhân thứ 3.

Các chuyên gia hạt nhân vẫn bác bỏ khả năng Triều Tiên đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch. Họ cho rằng Triều Tiên vừa rồi mới chỉ nổ thử một quả bom nguyên tử tăng cường.

Trong một quả bom H, các thiết bị nổ thông thường nén và kích hoạt một quả bom phân hạch thông thường, gây nổ cho một thiết bị nổ hợp hạch có sức công phá cực mạnh.

Theo các chuyên gia, quá trình hạt nhân mà Triều Tiên sử dụng vừa rồi liên quan đến một thiết bị sử dụng đồng vị hydro để gia tăng đáng kể sức công phá của một quả bom phân hạch kiểu cũ.

Quá trình “kích” này đóng vai trò quan trọng trong việc thu nhỏ vũ khí nhiệt hạch và Bình Nhưỡng phải làm chủ kỹ thuật thu nhỏ thì mới có được đầu đạn đủ nhỏ để đặt lên trên một tên lửa đạn đạo có thể với tới Mỹ và các mục tiêu xa khác./.