Loại Rafale, chọn Su-30
Su-30 không chỉ có thể bay xa hơn và tải trọng chiến đấu cao hơn, mà khả năng nhận biết tình huống của nó cũng cao hơn nhiều so với Rafale. Theo các chuyên gia, năng lực của máy bay chiến đấu Su-30 của Nga thậm chí đủ sức chống chọi với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35. Việc đưa số lượng Su-30 vào trang bị theo cấp số nhân đã làm tăng khả năng của Không quân Algeria và biến nó trở thành loại máy bay sẵn sàng chiến đấu nhất trên lục địa châu Phi.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ tư Rafale của Pháp được đưa vào trang bị 15 năm sau chuyến bay đầu tiên do những khó khăn trong quá trình phát triển và thị trường xuất khẩu kém khả quan. Tiêm kích con cưng của Pháp này từng thất bại trong cuộc đấu thầu tại Hàn Quốc và Singapore (thua F-15), tại Ma Rốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (thua F-16), tại Kuwait (thua F-18E), tại Brazil (thua Gripen E), và tại Saudi Arabia và Oman (nhường bước trước Eurofighter).
Một nỗ lực thất bại nhưng ít được biết đến khác là vào những năm 2000, Không quân Algeria cho loại biên những chiếc MiG-23 được mua trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh và cân nhắc các phương án thay thế. Luật pháp Algeria quy định, tất cả các máy bay mới phải được thử nghiệm tại chính quốc gia này, và Rafale từ Pháp đã được mang đến nước này để chào hàng, nhưng không thành công vì một số lý do.
Trong khi hầu hết các hợp đồng Rafale đều bị cản trở bởi các máy bay hạng nhẹ hoặc hạng trung khác như F-16, Algeria đã từ chối loại máy bay chiến đấu này để chuyển sang loại máy bay hạng nặng hơn và tính năng cao hơn nhiều như Hàn Quốc và Singapore đã làm. Algeria chọn Su-30 do Nga sản xuất, loại tương đương trực tiếp với F-15, về nhiều mặt được coi là có khả năng hơn đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ.
Một trong những lý do chính để lựa chọn Su-30 là tầm hoạt động lớn hơn rất nhiều (trong khi Rafale có tầm hoạt động tương đối xa đối với máy bay chiến đấu hạng nhẹ, vẫn thấp hơn nhiều so với các đối thủ nặng ký như Su-30 hoặc F-15) - một bất lợi lớn nếu xét về diện tích lãnh thổ rộng lớn của Algeria, mà lực lượng không quân nước này cần bảo vệ - gần tương đương với diện tích của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Thụy Sĩ và Hy Lạp cộng lại.
Su-30 không chỉ có thể bay xa hơn và với tải trọng vũ khí cao hơn nhiều, mà khả năng nhận biết tình huống của nó cũng cao hơn đáng kể với thiết bị và công nghệ có mức độ tinh vi tương tự nhau. Động cơ M88 tương đối yếu của Rafale - loại động cơ yếu nhất đối với bất kỳ máy bay chiến đấu nào đang được sản xuất trên thế giới vào thời điểm đó - cũng hạn chế tốc độ và độ cao hoạt động của nó, trong khi Su-30 có thể phản ứng với các mối đe dọa nhanh hơn.
Một yếu tố chính khác khiến Su-30 được ưa chuộng là Algeria có lịch sử lâu đời vận hành máy bay chiến đấu của Nga và loại máy bay chiến đấu này sẽ tương thích với các thiết bị khác trong kho của quốc gia này. Kinh nghiệm nước láng giềng Libya cho thấy, việc mua vũ khí từ một nguồn đáng tin cậy không phải từ phương Tây, có lợi về nhiều mặt.
Điểm mạnh duy nhất của Rafale là một máy bay hạng nhẹ nên nó hoạt động rẻ hơn nhiều so với Su-30 vì cần ít bảo trì và nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp một phần bởi chi phí mua sắm Su-30 thấp hơn nhiều, vì dù tiêm kích Nga có trọng lượng nặng hơn nhưng hiệu quả của công nghiệp quốc phòng Pháp thấp hơn so với các nhà sản xuất lớn như Mỹ và Nga, mà Su-30 đang được sản xuất, khiến việc mua nó rẻ hơn nhiều.
Những lợi thế khó có thể vượt qua của Su-30
Biến thể Su-30 mà Algeria mua dựa trên Su-30MKI được phát triển cho Ấn Độ và là loại máy bay chiến đấu có khả năng nhất của Nga được bán trên thị trường xuất khẩu vào thời điểm đó, được xây dựng dựa trên các khả năng tiên tiến của máy bay chiến đấu hàng đầu của Liên Xô là Su-27 Flanker - một chiếc máy bay mà từ đó nó được sản xuất trực tiếp và được coi là có khả năng hơn cả F-15.
Su-30MKA của Algeria là những máy bay chiến đấu có khả năng nhất ở châu Phi hay thế giới Arab, đảm bảo một cuộc tấn công kiểu Libya của phương Tây vào đất nước này không khả thi. Máy bay chiến đấu này sở hữu một loạt vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa Kh-31 để chế áp hệ thống phòng không của đối phương và chống tàu mặt nước - có khả năng vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ loại tương đương nào của châu Âu.
Các Su-30MKA cũng có phạm vi tác chiến không đối không lên tới 130 km trong khi Rafale sử dụng tên lửa MICA chỉ có thể tấn công các mục tiêu cách xa 80 km. Quy mô đội Su-30 của Algeria hiện có chưa đến 60 chiếc và dự kiến sẽ đạt trên 70 chiếc vào năm 2024 với các lô Su-30MKA mới được cho là có lợi thế về hiệu suất đáng kể so với các nguyên bản. Việc trang bị Su-30 với số lượng lớn đã làm tăng khả năng của Không quân Algeria theo cấp số nhân và là yếu tố khiến lực lượng này trở thành lực lượng có khả năng nhất trên lục địa châu Phi.
Rafale không có hợp đồng xuất khẩu nào được ký cho đến tháng 11/2014, khi máy bay chiến đấu được cải tiến đáng kể với việc tích hợp radar AESA gắn trên máy bay chiến đấu đầu tiên ở châu Âu, đã cơ bản thu hẹp khoảng cách về nhận thức tình huống so với Su-30. Từ năm 2021, nó cũng sẽ bắt đầu tích hợp tên lửa không đối không tầm xa Meteor, cách mạng hóa tầm hoạt động của nó, mặc dù do chi phí đáng kể, chúng dự kiến sẽ không nhanh chóng được tích hợp cho đội máy bay của Pháp.
Hệ thống điện tử hàng không và cảm biến mới đã giúp bù đắp hiệu suất bay dưới mức trung bình của Rafale và khiến nó trở nên hấp dẫn hơn để xuất khẩu cho Ai Cập, Qatar và Ấn Độ đã mua, mặc dù các thiết bị tiên tiến cũng đã làm tăng đáng kể giá thành của máy bay chiến đấu này, có nghĩa là nó khó có khả năng có các hợp đồng lớn.
Ấn Độ đã hủy kế hoạch mua 126 máy bay Rafale và giảm đơn đặt hàng xuống chỉ còn 36 chiếc, đồng thời đầu tư mạnh vào việc mua thêm máy bay chiến đấu Su-30MKI và MiG-29 từ Nga, trong khi các đối tác quan tâm Rafale đã tìm mua máy bay cũ với chi phí giảm nhiều. Sau khi Algeria từ chối Rafale, đáng chú ý là nước láng giềng Ma Rốc cũng nói không với máy bay chiến đấu này để chọn F-16 Fighting Falcon của Mỹ mà giống như Su-30MKA, được nhiều chuyên gia cho là có hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với máy bay chiến đấu của Pháp./.