Theo Asia Times, tên lửa siêu thanh sẽ thay thế cho hệ thống pháo hạm AGS 155mm của 3 tàu khu trục lớp Zumwalt. Sau khi hoàn thành việc lắp đặt, Zumwalt sẽ là tàu hải quân đầu tiên của Mỹ được trang bị vũ khí siêu thanh. Việc chuyển đổi nhằm mục đích biến các tàu tàng hình nói trên thành tàu tấn công mặt nước có thể hoạt động xa bờ, trái với mục đích ban đầu là hoạt động ở vùng ven biển và hỗ trợ lực lượng ven bờ bằng pháo nòng 155mm.

Tàu khu trục lớp Zumwalt ban đầu được thiết kế để có thể tích hợp pháo AGS 155mm. Tuy nhiên do giá thành của AGS quá cao nên Hải quân Mỹ đã ngừng mua sắm loại vũ khí này. Ngoài ra, sự phát triển của các hệ thống phòng thủ ven biển như khẩu đội tên lửa chống hạm, thủy lôi và tàu ngầm ven biển đã khiến tàu khu trục Zumwalt trở nên dễ tổn thương hơn khi thực hiện các sứ mệnh gần bờ.

Theo kế hoạch, Zumwalt sẽ được lắp đặt 2 bộ ống phóng tên lửa siêu thanh ở mạn trái và mạn phải của tàu. Mỗi ống có thể được trang bị 3 tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới Common Hypersonic Glide Body (C-HGB).

Việc thay thế các giá treo pháo hạm AGS bằng ống phóng tên lửa siêu thanh mang lại những khả năng chiến lược mới cho Zumwalt, đồng thời giúp bảo tồn 80 bệ phóng thẳng đứng hiện có của con tàu – vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với tên lửa phòng không và chống hạm. Tuy vậy, Hải quân Mỹ không tiết lộ chính xác mỗi tàu khu trục Zumwalt sẽ mang bao nhiêu tên lửa siêu thanh.

Công nghệ hiện đại

Hải quân Mỹ có thể đã lên kế hoạch tái trang bị Zumwalt từ tàu khu trục tấn công ven biển thành tàu mang vũ khí siêu thanh để tiếp tục sử dụng các công nghệ tiên tiến của nó. Những công nghệ này bao gồm tính năng tàng hình, radar, hệ thống truyền lực đẩy bằng điện và khả năng xử lý thông tin. Tuy nhiên, đây cũng có thể là bước đi nhằm khắc phục những khiếm khuyết của lớp tàu này.

Lớp vỏ tàng hình của Zumwalt dễ mất ổn định khi biển động và có thể bị phát hiện bằng radar tần số thấp. Ngoài ra, để tối ưu hóa tính năng tàng hình, con tàu này không được trang bị hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS), khiến nó dễ bị các tên lửa chống hạm tấn công.

Mỗi chiếc Zumwalt có giá thành hơn 4 tỷ USD khiến Hải quân Mỹ khó có thể mua sắm đủ số lượng tàu lớp này để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Việc đóng những con tàu đắt đỏ như Zumwalt phản ánh xu hướng của Mỹ sẵn sàng chi tiền cho các loại vũ khí phức tạp, vốn hứa hẹn sẽ đảm nhận nhiều vai trò nhưng lại không thể sản xuất hàng loạt do chi phí cao. Chưa kể, những con tàu như vậy có thể được tích hợp quá nhiều tính năng và vì thế chúng không được chuyên biệt hóa cho bất cứ vai trò nào.

Những nhận định trên cho thấy việc lắp đặt vũ khí siêu thanh trên tàu Zumwalt có thể phù hợp và hiệu quả hơn so với việc lắp đặt chúng trên những con tàu khác có giá thành rẻ hơn. Mặc dù vũ khí siêu thanh của Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và có giá thành cao, nhưng trong tương lai, có thể hy vọng rằng giá thành sẽ giảm xuống khi công nghệ phát triển và tốc độ sản xuất gia tăng, cho phép nhiều tàu chiến được trang bị loại vũ khí này.

Cũng không loại trừ khả năng ra đời một lớp tàu mới được thiết kế để trang bị tên lửa siêu thanh ngay từ đầu. Mặc dù tàu khu trục lớp Zumwalt được lên kế hoạch trang bị vũ khí siêu thanh nhưng chi phí cao, số lượng ít, cùng các công nghệ chưa được kiểm tra trong thực tiễn có thể hạn chế vai trò của chúng khi thực hiện các yêu cầu của hải quân.

Hải quân Mỹ hiện đang theo đuổi Dự án chiến hạm DDG (X) tương lai. Những chiến hạm tương lai này dự kiến sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh và vũ khí năng lượng định hướng, cũng như những công nghệ quan trọng có trong lớp Zumwalt. Việc đóng mới các con tàu trong dự án DDG (X) sẽ được bắt đầu vào năm 2028. Mỗi chiếc có chi phí dự kiến là 1 tỷ USD, rẻ hơn đáng kể so với tàu khu trục lớp Zumwalt./.