TheoRT, kế hoạch trên được Hải quân Mỹ đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6/4.

Theo đó, việc đóng thêm 38 tàu chiến nói trên trong vòng 5 năm tới sẽ nâng tổng số tàu trong hạm đội của Hải quân Mỹ lên tổng số 308 tàu vào năm tài khóa 2021 so với con số 272 hiện nay.

tau_san_bay_cyxb.jpg
Mô hình tàu sân bay hạt nhân Gerald R. Ford. Ảnh Sputnik

Đáng chú ý, phần lớn số tiền này sẽ được “đổ vào” chiếc tàu sân bay hạt nhân hiện đại Gerald R. Ford với chi phí đầu tư lên đến 13,5 tỷ USD. Cái giá “đắt đỏ” này khiến tàu sân bay Gerald R. Ford trở thành chiếc tàu chiến đắt giá nhất trong toàn hạm đội Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc đóng thêm các tàu chiến của Mỹ không hoàn toàn nhằm tăng cường sức mạnh chiến lược của Hải quân Mỹ mà chủ yếu phục vụ lợi ích của các tập đoàn quốc phòng và các nhà lập pháp nước này.

Các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ như Huntington Ingalls, General Dynamics, Lockheed Martin, Austal và Raytheon đều đã ra thông cáo gửi đến các nhà đầu tư để chúc mừng kế hoạch chi tiêu của Hải quân Mỹ bởi điều này đồng nghĩa với việc giá trị của các tập đoàn này cùng các cổ phiếu do các cổ đông của họ nắm giữ đều sẽ tăng mạnh.

Kế hoạch chi tiêu của Hải quân Mỹ cũng nhận được sự hoan nghênh của các nghị sĩ Mỹ đại diện cho các bang có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển như Virginia, Maine, Alabama, Mississippi và Connecticut.

Theo đó, các bang nói trên được lợi rất nhiều từ các hợp đồng với giới quân sự Mỹ bởi họ có thể duy trì một số lựng lớn việc làm có thu nhập cao tại bang của mình.

Bản thân liên đoàn đóng tàu và luyện kim của các bang này cũng ủng hộ kế hoạch của Hải quân Mỹ và coi đó là nhân tố quan trọng để đảm bảo số  lượng người lao động làm việc trong 2 lĩnh vực nói trên./.