PL-01 tàng hình - xe tăng của tương lai?
PL-01 là mẫu xe tăng hạng nhẹ của Ba Lan do Tập đoàn OBRUM với sự hỗ trợ của BAE Systems (Anh) phát triển dựa trên xe tăng hạng nhẹ CV90120-T của Thụy Điển, từ 2013, với ý đồ ban đầu còn là phục vụ mục đích xuất khẩu. Ý tưởng về chiếc xe này lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế Kielce ngày 2/9/2013; theo kế hoạch nguyên mẫu trình làng vào 2016 và đưa vào trang bị vào 2018.
Về thiết kế, chiếc tăng dựa trên khung gầm của Xe chiến đấu CV 90 này không hoàn toàn khác với những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tiêu chuẩn đang được sử dụng như M-1 Abrams (Mỹ) hay Leopard 2 (Đức). Nó có những điểm tương đồng với tăng T-14 Armata (Nga) như cả kíp lái ba người ngồi trong thân xe, tháp pháo không người lái được điều khiển từ xa; cũng tương tự như Merkava (Israel) ở chỗ có cửa sập phía sau, khoang phía sau thân xe có thể được sử dụng để chở thêm 4 binh sĩ.
Giáp PL-01 có kết cấu mô-đun gốm-aramid, được thiết kế theo với tiêu chuẩn bảo vệ STANAG 4569 (NATO) Annex A ở cấp độ 5+ trên các phần phía trước của thân xe và tháp pháo, có khả năng bảo vệ trước các thiết bị nổ tự chế (IED) - chống được vụ nổ tương đương 10kg thuốc nổ TNT ở bất kỳ vị trí nào dưới thân xe. Xe có trọng lượng 35 tấn (có nguồn nói 45-50 tấn), có chiều dài 8m, rộng, 3,8m, cao 2,8m; kíp xe gồm 3 thành viên.
PL-01 được trang bị động cơ diesel 940 mã lực (700kW) do Đức sản xuất, hộp số tự động và cơ cấu hỗ trợ lái. Hệ thống treo dựa trên bảy bánh xe, với các trục truyền động có giảm chấn chủ động bởi các thanh xoắn. Xe có thể đạt tốc độ 70km/h trên đường nhựa (với dự trữ hành trình 500km) và 50km/h trên địa hình gồ ghề (dự trữ hành trình 250km). Nó có thể leo dốc nghiêng 30 độ, vượt qua các rãnh rộng 2,6 mét và chướng ngại nước có độ sâu lên đến 1,5 mét mà không cần chuẩn bị và độ sâu đến 5 mét khi có chuẩn bị.
Vũ khí chính của PL-01 là pháo 105mm (cho xuất khẩu) hoặc 120mm được gắn trên tháp pháo không người theo tiêu chuẩn của NATO. Pháo sẽ có thể bắn cả đạn thông thường và tên lửa chống tăng có điều khiển; bộ nạp đạn tự động cho pháo chính đảm bảo tốc độ bắn 6 phát/phút. Các thiết kế dự kiến bao gồm súng máy 7,62mm (cơ số đạn 8.000 viên) hoặc 12,7mm (400 viên) hoặc súng phóng lựu tự động 40mm (96 lựu đạn). Tháp pháo cũng được tích hợp hệ thống bảo vệ chủ động chặn tên lửa đang bay tới và ống phóng lựu khói.
Tất cả các thiết bị sẽ được ổn định điện tử và các hệ thống quan sát và ngắm bắn đi kèm với máy đo xa laser, camera ban ngày và ảnh nhiệt thế hệ ba, dữ liệu trực quan được hiển thị trên màn hình. PL-01 sẽ được trang bị hệ thống chữa cháy trong tháp pháo và thân xe, hệ thống liên lạc vô tuyến nội bộ, hệ thống quản lý chiến trường, hệ thống xả làm mát, hệ thống che nhiệt và bộ lọc điều hòa không khí - bảo vệ NBC. Kíp xe được cung cấp chỗ ngồi đặc biệt để giảm thiểu tác động vật lý của các vụ nổ gần. Ngoài ra, chiếc xe có thể được trang bị hệ thống định vị vệ tinh và hệ thống nhận dạng bạn-thù.
Toàn bộ xe được phủ bằng một lớp ngụy trang nhiệt và hấp phụ sóng vô tuyến nên khó bị phát hiện hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hình dạng góc cạnh của chiếc xe tăng nhằm mục đích giảm tiết diện radar hay chỉ để mang đến một diện mạo “tương lai” hơn. Điều này có thể tương tự như xe tăng Challenger 2 của Anh, cũng có thân và tháp pháo sử dụng tiết diện phản xạ radar thấp hơn. PL-01 đã được quảng cáo rầm rộ từ năm 2013 đến năm 2015, nhưng kể từ đó, người ta ít nói hoặc đưa tin về nó. Theo một số nhà quan sát, “có lẽ công nghệ tàng hình quá tốt nên nó đã biến mất hoàn toàn”!
Bài toán xe tăng chiến đấu chủ lực của Ba Lan
Hiện tại, Quân đội Ba Lan đang vận hành khoảng 900 xe tăng chiến đấu chủ lực, bao gồm cả PT-91 Twardy bản địa và Leopard 2 của Đức, và khoảng 400 chiếc T-72 MBT đang được niêm cất. Chương trình hiện đại hóa lực lượng xe tăng với mật danh “Wilk” ("Con sói") của Ba Lan được khởi động vào năm 2017 nhằm mục tiêu loại bỏ các xe tăng T-72M1 và PT-91 Twardy đã lỗi thời và mua tới 500 xe tăng mẫu mới. Đây có thể là những chiếc xe tăng có thiết kế của nước ngoài, nhưng được lên kế hoạch sản xuất với sự tham gia của ngành công nghiệp Ba Lan. Cùng với các xe tăng mới, Leopard 2 hiện có đang trong quá trình hiện đại hóa sẽ vẫn có trong trang bị.
"Wilk" đang ở giai đoạn đầu - Bộ Quốc phòng nghiên cứu nhu cầu của mình và xem xét thị trường; khả năng tham gia chương trình xe tăng liên doanh Pháp-Đức (Main Ground Combat System - MGCS) hoặc một dự án nước ngoài khác, đang được xem xét. Năm 2019, Quân đội Ba Lan tỏ ra quan tâm đến xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc và thậm chí đã làm quen với các mẫu loại này sản xuất loạt. Tháng 1 năm nay, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin sắp ký kết hợp đồng giữa Bộ Quốc phòng Ba Lan và Tập đoàn Hyundai Rotem về việc phát triển phiên bản cải tiến K2 theo các yêu cầu của Ba Lan. Hợp đồng vẫn chưa được ký kết, nhưng dự án rất có thể đã bước vào giai đoạn nghiên cứu sơ bộ.
Tại triển lãm quân sự-kỹ thuật MSPO-2020 được tổ chức ở Ba Lan từ 8-10/9/2020, Hyundai Rotem đã lần đầu tiên trưng bày mô hình xe tăng mang ký hiệu K2PL với sự khác biệt đáng kể về diện mạo so với "Black Panther" và đáp ứng đầy đủ hơn các yêu cầu hiện đại của cả Ba Lan và toàn cầu. Dự án K2PL dự kiến tạo MBT mới tương đối nhanh chóng và dễ dàng, có hiệu suất cao hơn theo phương án giữ nguyên thân xe và tháp pháo tiêu chuẩn, tổ hợp động lực và các thành phần khác. Đồng thời, các thiết bị bảo vệ và vũ khí đang được thiết kế lại một cách cơ bản, khung gầm được tăng cường để bù cho khối lượng chiến đấu tăng lên.
Người ta đề xuất bổ sung lớp giáp tiêu chuẩn của xe tăng K2 với các mô-đun ghép - bảo vệ kết hợp hoặc bảo vệ động năng phía trước và ở hai bên. Phía sau của thân xe được gắn các tấm lưới chắn để tránh quá nhiệt, lắp các hệ thống bảo vệ tích cực, có thể sử dụng tổ hợp chế áp quang-điện tử. Việc thay thế động cơ và hộp số không được đề cập, nhiều khả năng sử dụng các tổ máy tiêu chuẩn của MBT Hàn Quốc. Tuy nhiên, tổ hợp động lực vẫn chưa được lựa chọn - xe tăng sản xuất loạt cho quân đội Hàn Quốc có 3 biến thể động cơ diesel 1.500 mã lực và hộp số tự động. Hệ vận động của K2PL được dự kiến bổ sung thêm một đôi gá treo sử dụng khí nén để bù cho sự gia tăng trọng lượng chiến đấu của xe.
Xe tăng phải giữ lại pháo nòng trơn 120mm đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, đồng thời, đề xuất hiện đại hóa đáng kể hệ thống điều khiển hỏa lực - giữ lại kiến trúc tổng thể với các điểm ngắm xạ thủ và chỉ huy kết hợp (toàn cảnh), nhưng có thể nhận được các thành phần mới. Theo yêu cầu của khách hàng, có thể bổ sung chế độ bắn vào các mục tiêu tầm thấp trên không. Các vũ khí bổ sung đã được xây dựng lại theo tiêu chuẩn của quân đội Ba Lan.
Đồng thời, họ vẫn giữ lại một khẩu súng máy đồng trục cỡ nòng bình thường, một mô-đun chiến đấu với súng máy hạng nặng được trang bị trên nóc tháp pháo, hai hệ thống phóng lựu khói đặt dọc theo các mặt của tháp. Về kích thước, xe tăng K2PL không có sự khác biệt đáng kể so với xe K2 cơ bản, có thể tăng một chút chiều rộng do sử dụng các mô-đun tích hợp mới. Đồng thời, khối lượng của mẫu cơ bản sẽ tăng lên đáng kể trên 55 tấn. Các biện pháp được thực hiện để bù lại trọng lượng này và xe có các đặc tính việt dã như nguyên bản.
Theo nhiều đánh giá khác nhau, K2 Black Panther của Hàn Quốc là một trong những xe tăng chủ lực tốt nhất trên thế giới, có sự cân bằng tối ưu của tất cả các đặc điểm chính và ít nhất, không thua kém các sự phát triển tiên tiến khác. K2 cơ bản được phát triển có tính đến các đặc điểm cụ thể của chiến trường tiềm năng của Hàn Quốc. K2PL hiện đại hóa có một số điểm khác biệt do các đặc điểm cụ thể của khu vực tác chiến ở châu Âu và các mối đe dọa đặc trưng của nó.
Tuy nhiên, K2 và quá trình hiện đại hóa theo như cầu của Ba Lan có một nhược điểm lớn là giá thành cao. Black Panther sản xuất loạt dành cho Hàn Quốc có giá khoảng 9 triệu USD. Việc viện đại hóa bằng cách lắp đặt các thành phần và thiết bị mới có thể làm tăng chi phí. Khách hàng và nhà phát triển sẽ tìm cách giảm giá thành của xe, nhưng giá khó có giảm nhiều. Tương lai của dự án K2PL trong khuôn khổ chương trình Wolf là không chắc chắn, không diễn ra hoặc quy mô sẽ rất hạn chế vì quá đắt đối với nước Ba Lan không giàu có.
Những chiếc K2PL ngay cả khi được sản xuất loạt tại các doanh nghiệp Ba Lan, sẽ không rẻ hơn 8-9 triệu USD/chiếc. Theo đó, một loạt 50 xe tăng được yêu cầu sẽ tiêu tốn ít nhất 4 tỷ USD, trong khi ngân sách quốc phòng của Ba Lan cho năm 2020 chỉ 12 tỷ. Chính phủ khó có thể thông qua chương trình chế tạo xe tăng trị giá một phần ba ngân sách quốc phòng hàng năm.
Có một số cách để thoát khỏi tình huống này - đầu tiên là lập kế hoạch mua sắm loạt lớn trong thời gian dài, sẽ giảm chi phí hàng năm xuống mức chấp nhận được; thứ hai là giảm số lượng yêu cầu, với tổng chi phí được chia cho nhiều năm; thứ ba - từ bỏ dự án của Hàn Quốc để chuyển sang công nghệ rẻ hơn. Cần nhớ rằng, Ba Lan có kế hoạch không chỉ mua xe tăng mới mà còn hiện đại hóa Leopards-2 hiện có. Một dự án như vậy cũng đòi hỏi rất nhiều tiền và có thể mất nhiều thời gian, việc tìm kiếm nguồn vốn cho hai dự án xe tăng chắc chắn sẽ gặp trở ngại.
Nhiều khả năng, vào cuối thập kỷ này, Ba Lan sẽ phải từ bỏ các xe tăng T-72M1 và PT-91 do sự phát triển của một nguồn lực và không thể cung cấp đầy đủ việc bảo trì hoặc hiện đại hóa chúng. Sẽ chỉ có những chiếc xe do Đức sản xuất mới được duy trì hoạt động theo dự án Leopard 2PL. Việc mua thiết bị hoàn toàn mới vẫn còn đang trong vòng nghi vấn. Để làm được điều này, Quân đội Ba Lan phải hoàn thành nghiên cứu và chọn một MBT để mua, đồng thời, đánh giá cơ hội, lập kế hoạch và nhận được sự chấp thuận của chính phủ. Xe tăng nào sẽ được chọn và kế hoạch mua như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Bất kể kết quả của chương trình Wilk như thế nào, dự án K2PL vẫn rất được quan tâm dưới góc độ kỹ thuật. Các kỹ sư Hàn Quốc đã đề xuất một phương án thú vị để cải tiến xe tăng bằng cách giới thiệu các bộ phận và cụm máy mới. Tuy nhiên, ngoài đối tác Ba Lan, tương lai của dự án này cũng là một dấu hỏi. Xe tăng K2 vì giá thành quá cao, vẫn chưa trở thành đối tượng của nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu. Và rất có thể, việc hiện đại hóa chúng cũng sẽ không giúp thay đổi thực trạng này./.