Trong thông báo của mình, Hải quân Ấn Độ gọi sự kiện chạy thử con tàu có sức chở 40.000 tấn này là ‘một ngày lịch sử và đáng tự hào’. Ấn Độ giờ đã đứng vào nhóm ít quốc gia có đủ năng lực tự thiết kế, đóng mới và tích hợp các công nghệ hiện đại vào một con tàu sân bay tối tân. Tàu sân bay INS Vikrant được đóng tại xưởng đóng tàu Cochin, tại thành phố Kochi, bang miền Nam Kerala, với trị giá ước tính khoảng 3,2 tỷ USD.

Dự kiến, con tàu này sẽ được trang bị máy bay tiêm kích siêu thanh MiG-29K, máy bay trực thăng đa nhiệm do Ấn Độ tự phát triển MH-60R, cùng một dòng máy bay trực thăng hạng nhẹ nội địa của Ấn Độ. Theo kế hoạch, các loại máy bay này sẽ được thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu INS Vikrant trong thời gian tới, trước khi con tàu có thể vận hành đầy đủ vào giữa năm 2023.

Ấn Độ hiện đang vận hành một tàu sân bay duy nhất mang tên INS INS Vikramaditya. Con tàu có lượng giãn nước 44.500 tấn này được mua từ Nga với trị giá 2,33 tỷ USD hồi tháng 11/2013. New Delhi phải chi thêm 2 tỷ USD nữa để đặt mua 45 chiếc tiêm kích MiG-29K trang bị cho con tàu này.

Theo tờ Times of India, Hải quân Ấn Độ đang muốn có thêm 36 chiếc máy bay tiêm kích đa nhiệm để đáp ứng nhu cầu vận hành và tác chiến của 2 tàu INS Vikramaditya và INS Vikrant. Quốc gia Nam Á này cũng đã lên kế hoạch đóng mới trong nước 1 tàu sân bay 65.000 tấn khác. Tuy nhiên, dự án này vẫn bị treo từ tháng 5/2015, trong quá trình đợi Chính phủ phê duyệt.

Ấn Độ đẩy mạnh trang bị cho Hải quân trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết tăng cường sự hiện diện hải quân tại Ấn Độ Dương. Hiện Trung Quốc đã sở hữu 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông, đang đóng thêm 2 tàu nữa để hướng tới mục tiêu vận hành 10 tàu sân bay. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang có 11 tàu sân bay, với năng lực mỗi chiếc lên tới 100.000 tấn./.