“Vua tác chiến trên không” Su-35
Sukhoi Su-35 (định danh NATO: Flanker-E+) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời Chiến tranh Lạnh. Được đưa vào trang bị cho Không quân-Vũ trụ Nga từ 1995, sứ mệnh của Su-35 là đối đầu với F-15 Eagle của Mỹ đang có ưu thế trên không tuyệt đối khi đó.
Giữa thập niên 2000, Su-35 được hiện đại hóa thành máy bay tiêm kích thế hệ 4.5 để có tầm hoạt động, khả năng mang vũ khí, khả năng tàng hình cao hơn; sử dụng động cơ thế hệ mới có công suất mạnh hơn; các trang thiết bị điện tử hiện đại và mới hoàn toàn... Có vòng lượn cực hẹp, Su-35 có khả năng tránh tên lửa cũng như ưu thế trong chiến đấu quần vòng. Su-35 có trần bay 18.000 m, có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn; có khả năng tăng tốc tuyệt vời và bán kính chiến đấu 1.700 km; khi mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ, tầm bay đạt 4.500 km; có thiết bị tiếp nhiên liệu trên không.
Không có khả năng tàng hình, nhưng nhờ điều chỉnh thiết kế cửa hút gió, vòi phun động cơ và sử dụng rộng rãi vật liệu hấp thụ sóng radar…, Su-35 có tiết diện phản xạ radar (RCS) từ 1-3 m2. Với 8 tấn vũ khí được tích hợp, trong chiến đấu ngoài tầm nhìn, Su-35 có thể sử dụng tên lửa R-77 Vympel (định danh NATO AA-12 Adder) - tên lửa không đối không tầm trung, dẫn đường bằng radar, có tầm bắn đến 175 km. Nó còn được trang bị tên lửa R-27 tầm trung và R-37 tầm xa, dùng để tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và tiếp liệu trên không.
Trong không chiến tầm gần, Su-35 sử dụng tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-73 Vympel (định danh NATO AA-11 Archer), có khả năng bắt mục tiêu bằng thiết bị cảm ứng gắn trên mũ bay phi công, tầm bắn 300 m - 30 km; và một pháo cỡ nòng 30 mm với cơ số đạn 150 viên. Radar mảng pha IRBIS-E có khả năng quét 240°, khoảng cách dò tìm đạt 400 km với mục tiêu có RCS 3 m2 và 90 km với mục tiêu có RCS 0,01 m2.
Radar có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung. Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90 km (phần đuôi) và 50 km (phía trước mục tiêu) mà máy bay đối phương sẽ không thể dò thấy để bất ngờ công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm.
Hệ thống hồng ngoại dò báo động tên lửa với 6 cảm biến bố trí ở trước thân máy bay bao quát mọi góc độ, có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai, tên lửa không đối không, tên lửa đất đối không trong phạm vi 10 km, 30 km, 50 km, tương ứng. Hai cảm biến dò laser ở hai bên phần đầu của máy bay có thể phát hiện máy chiếu laser ở khoảng cách 30 km. Su-35 còn được trang bị hệ thống gây nhiễu điện tử L175M Khibiny có công suất mạnh để làm nhiễu tín hiệu radar.
Tiêm kích đa nhiệm Rafale
Được phát triển bởi Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp, Rafale là một máy bay chiến đấu phản lực “tất cả trong một” - có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tầm ngắn và tầm xa, bao gồm tấn công mặt đất và trên biển (kể cả tiêu diệt tàu sân bay), trinh sát, tấn công chính xác cao và răn đe tấn công hạt nhân. Rafale thế hệ 4,5 có tốc độ tối đa 2.200 km/h và phạm vi chiến đấu 1.850 km, đi kèm là chi phí hoạt động và bảo dưỡng thấp.
Với tải trọng 9 tấn, ngoài pháo GIAT 30/M791 cỡ 30 mm, Rafale được trang bị tên lửa không đối không Magic II, tên lửa hành trình không đối đất MBDA Storm Shadow, tên lửa chống hạm AM-39 Exocet, cả tên lửa ASMP-A mang đầu đạn TN81 có sức công phá từ 100-300 kiloton (với tầm bắn hiệu quả từ 80-500 km, tốc độ có thể đạt tới Mach 3). Khả năng cơ động linh hoạt với vận tốc cao giúp Rafale có nhiều phương án lựa chọn tấn công và phối hợp tác chiến.
So sánh với các máy bay chiến đấu khác trong phạm vi trọng lượng như MiG-29, F/A-18 E/F Super Hornet, Rafale là một trong những máy bay có năng lực nhất; mặc dù giá bán rất cao. Được coi là tinh hoa của nền công nghệ Pháp, chiến đấu cơ đa nhiệm hai động cơ Rafale là một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới, chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp. Rafale đã tham gia các hoạt động chiến đấu hạn chế, như chống lại hệ thống phòng không của Libya vào năm 2011. Rafale đã thành công trên thị trường quốc tế và đã được xuất khẩu sang Ai Cập, Ấn Độ, Qatar, Hy Lạp và Croatia.
Su-35 và Rafale “song kiếm hợp bích”
Ai Cập mua 24 chiếc Su-35 trong năm 2018. Theo công bố, nguyên nhân dẫn tới việc này là bởi Cairo không mua được F-15 của Mỹ. Có nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao Ai Cập lại mua máy bay Rafale tương đối đắt tiền (lô bổ sung 24 chiếc), khi nước này đang trong quá trình nhận 24 máy bay Su-35 để bổ sung cho đội tiêm kích MiG-29M đã mua trước đó?
Khả năng cơ động, khả năng mang tải trọng lớn tạo lợi thế trong chiến đấu ngoài tầm nhìn, cùng với các biện pháp chế áp điện tử, giúp né tránh tên lửa của đối phương… biến Su-35 thành máy bay chiến đấu hoàn hảo, ngoại trừ tính năng tàng hình. Tuy vậy, theo các chuyên gia, khi chiến đấu cơ tàng hình F-35 chống lại chiến đấu cơ công nghệ cao Su-35, cơ hội giành cho Su-35 sẽ cao hơn nhờ khả năng cơ động tốt hơn, nhất là trong không chiến quần vòng hẹp.
Trung tâm Phân tích Ngân sách và Chiến lược ở Washington D.C thừa nhận Su-35 có năng lực không chiến cao hơn bất kỳ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc NATO nào, duy nhất chỉ có F-22 là có tính năng tương đương. Nếu so sánh giữa Su-35 và F-22, ưu thế tàng hình không đảm bảo giành thắng lợi trong trường hợp giao chiến. Khả năng siêu cơ động của động cơ vectơ lực đẩy 3 chiều giúp Su-35S dễ dàng tránh các cuộc tấn công tên lửa đối phương và cơ động chiếm ưu thế hơn hẳn trong các cuộc không chiến tầm gần.
Tiêm kích Nga chỉ có thể tấn công trên khoảng cách 130 km với tên lửa R-27ER, nhưng khả năng siêu cơ động của Su-35 bù đắp cho thiếu sót này, đòn tấn công tầm xa có thể khó phát huy tác dụng do Su-35 sử dụng kỹ năng linh hoạt để tránh tên lửa. Đầu những năm 2020, Su-35 sẽ được lắp tên lửa không đối không siêu âm R-37, có tốc độ Mach 6, sử dụng động cơ dòng khí thẳng, có tầm bắn từ 350-410 km, đủ khả năng tiêu diệt những mục tiêu mạnh nhất.
Dassault Rafale được lắp bộ tác chiến điện tử Thales Spectra tích hợp nhiều tính năng như xác định chính xác các nguồn phát tia hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser từ đối phương; đưa ra những cảnh báo laser, cảnh báo tên lửa đối phương đang đến gần và phóng mồi bẫy để đối phó với mối đe dọa.
Hệ thống tác chiến điện tử tích hợp cho phép nó hoạt động trong môi trường bị gây nhiễu nặng mà không cần phụ thuộc vào máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng; có thể tự chế áp, gây nhiễu hệ thống radar phòng không của đối phương. Các biến thể mới nhất của Rafale được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động, có khả năng phát hiện mục tiêu tốt hơn; đồng thời có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm xa Meteor, hiện đại nhất của châu Âu hiện nay.
Như các nguồn tin Ai Cập giải thích, “Su-35 phục vụ một mục đích khác với Rafale. Máy bay chiến đấu của Nga được thiết kế chủ yếu “để đảm bảo ưu thế của quân đội Ai Cập trên bầu trời khu vực”. Su-35 có thể theo dõi đồng thời 4 mục tiêu mặt đất hoặc 30 mục tiêu trên không, cũng như tấn công đồng thời 8 đối tượng trên không, nó sẽ xác định và phân loại mục tiêu nhằm tiêu diệt đối tượng nguy hiểm nhất.
Trong khi đó, tiêm kích Rafale sở hữu những tính năng khác biệt. Ví dụ, thông qua tên lửa hành trình SCALP, nó có khả năng xuyên thủng các mục tiêu được bảo vệ tốt và tăng đáng kể khả năng tấn công mặt đất. Kết hợp tính ưu việt trong không chiến với sức mạnh tấn công là những gì mà bộ đôi tiêm kích Su-35 cùng với Rafale kết hợp lại làm được, mang lại cho Không quân Ai Cập sức mạnh vượt trội./.