Đối thoại Shangri-La 2017 đang diễn ra tại Singapore. Đây là hội nghị thượng đỉnh an ninh thường niên lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự tham dự của lãnh đạo quốc phòng, chuyên gia về an ninh quốc tế từ khoảng 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên VOV, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã chia sẻ về các nội dung thảo luận tại Đối thoại Shangri-La năm nay và sự tham gia của đoàn Việt Nam.

ong_trong_1_vov_utlf.jpg
Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng

PV: Đối thoại Shangri-La lần này đề cập nhiều vấn đề khác nhau nổi lên ở khu vực như mối nguy hiểm hạt nhân đối với châu Á-Thái Bình Dương, cũng như các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của công nghệ đối với lĩnh vực quốc phòng hay các biện pháp mang tính thực tế để tránh xung đột trên biển. Xin ông cho biết, đâu là những trọng tâm được các đại biểu thảo luận trong các phiên đối thoại?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 này có 5 phiên họp toàn thể chính, trong đó có các chủ đề quan trọng. Đó là các vấn đề về phổ biến vũ khí hạt nhân hiện nay. Đây là một trong những nguy cơ không chỉ đe dọa khu vực mà toàn cầu. Chính vì vậy mà các nước kêu gọi cùng nhau có trách nhiệm để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh về khủng bố toàn cầu. Và đặc biệt châu Á, hay khu vực Đông Nam Á hiện nay cũng đang xuất hiện những nguy cơ lan tỏa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Vấn đề thứ ba đó là an ninh mạng hiện nay cũng như các vấn đề về biến đổi khí hậu, các vấn đề phi truyền thống đều được đặt lên bàn nghị sự của hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần này.

PV: Là thành viên tích cực của Đối thoại Shangri-La, Việt Nam đã thể hiện và chia sẻ những quan điểm gì về các vấn đề này, đặc biệt là về những thách thức để giải quyết các xung đột hiện nay?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Việt Nam dự kiến sẽ tham gia và đăng đàn phát biểu trên phiên toàn thể về những thách thức để xử lý khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, do những nguyên tắc và quy định của ban tổ chức, đại diện Việt Nam tham dự ở cấp thấp hơn cấp bộ trưởng cho nên không được phát biểu chính thức tại phiên toàn thể lần này, nhưng quan điểm của Việt Nam cho rằng cần có sự chung tay hợp tác để đối phó với rất nhiều vấn đề an ninh đang xuất hiện.

Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2017
Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức: Đó là vấn đề nhận thức cũng như cách ứng xử hay vận dụng các quy định, luật pháp quốc tế không giống nhau, đã tạo ra những khác biệt hoặc cơ chế chưa đủ năng lực để giải quyết các vấn đề quốc tế hiện nay. Đó là do lợi ích của các quốc gia khi chưa song trùng với lợi ích của cộng đồng hay các lợi ích chung, nói chung vẫn còn khác biệt. Thậm chí có những quốc gia đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cộng đồng. Chính vì vậy, đang còn tạo ra những thách thức khó khăn trong vấn đề về nhận thức cũng như trách nhiệm chung trong xử lý các vấn đề quốc tế hiện nay của khu vực.

PV: Nội dung chính của Đối thoại lần này là việc duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định. Điều này cũng liên quan đến việc các nước ASEAN và Trung Quốc vừa đạt được dự thảo khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực? Quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Hiện nay tất cả các vùng biển trên thế giới đều có những tranh chấp do những nguyên nhân lịch sử khách quan để lại hoặc do cách vận dụng luật pháp quốc tế có những khác biệt đối với từng quốc gia. Trên biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay đang có những tranh chấp khác biệt, tuy nhiên các quốc gia như Trung Quốc với ASEAN đang nỗ lực để cùng nhau duy trì một DOC và hướng tới đang đàm phán về bộ khung COC. Đó là quy tắc ứng xử trên biển giữa các bên có liên quan.

Chúng tôi cho rằng, những tiến bộ đạt được vừa qua là khá khả thi và khích lệ, tuy nhiên để bộ quy tắc ứng xử được hoàn tất, cần nhiều trách nhiệm, vai trò của các quốc gia thành viên có liên quan, đặc biệt là Trung Quốc và ASEAN. Chúng tôi cho rằng, khi bộ quy tắc ứng xử được ra đời, nó sẽ tăng cường được lòng tin, trách nhiệm về mặt pháp lý, cũng như tự tôn về pháp luật được tốt hơn. Và nó là một công cụ để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

PV: Giải quyết  các xung đột và duy trì hòa bình, ổn định, không thể không nhắc tới vai trò của các nước lớn, và đặc biệt là tầm quan trọng của hợp tác đa phương. Vậy theo ông các nước lớn cần có những ứng xử như thế nào để thể hiện vai trò mang tính trách nhiệm của mình cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần có tiếng nói gì để đóng góp vào tiến trình này?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng:  Tôi cho rằng, thông điệp của Thủ tướng Australia là rất rõ ràng. Thứ nhất, các nước lớn cần phải có trách nhiệm trong vấn đề đảm bảo duy trì trật tự an ninh tại khu vực, đặt biệt là Mỹ và Trung Quốc, như Thủ tướng Australia đã khẳng định vai trò của Mỹ trong vấn đề can dự an ninh tại khu vực. Đồng thời cũng thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, tuy nhiên họ cũng kêu gọi sự trỗi dậy đó phải có trách nhiệm. Và tất cả các quốc gia, dù lớn, vừa hay nhỏ đều phải thượng tôn pháp luật và cần phải được bình đẳng và tự do trong khuôn khổ thượng tôn pháp luật của thế giới và khu vực.

Về vai trò của ASEAN, chúng ta thấy vai trò đó đã, đang và sẽ được thừa nhận như một trung tâm, một động lực, một lực lượng dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và được Mỹ, Trung Quốc, cũng như các nước lớn hoàn toàn ủng hộ. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, ASEAN trở thành một cộng đồng. Chúng tôi cho rằng, với sự ủng hộ của các nước lớn, các nước bên ngoài khu vực, ASEAN sẽ làm tròn sứ mệnh của mình với tư cách là trung tâm dẫn dắt các cơ chế hợp tác hiện nay.   

PV: Xin cảm ơn ông./.