Dù nhỏ hơn và chậm hơn so với tàu sân bay cỡ chuẩn mà Hải quân Mỹ từng biên chế trong Thế chiến 2, tàu sân bay hộ tống – còn được gọi là tàu sân bay jeep hay “baby flattop” – vẫn chứng minh được sự thiết yếu của nó trong các cuộc chiến.
Với chiều dài chỉ bằng 1/2 và lượng giãn nước chỉ bằng 1/3 so với tàu sân bay lớn, tàu sân bay hộ tống được đóng trên khung thân của tàu thương mại, khiến nó rẻ hơn và dễ đóng hơn.
Tuy nhiên, các tàu sân bay cỡ nhỏ này quá chậm để bắt kịp lực lượng nòng cốt được triển khai trên các tàu sân bay lớn, tuần dương hạm và thậm chí cả chiến hạm. Mặt khác, các tàu sân bay cỡ nhỏ này vẫn bảo vệ tốt binh sỹ trong khi có thể hỗ trợ trên không cho các cuộc đổ bộ.
Tàu sân bay nhỏ cũng được sử dụng như một phương tiện vận chuyển và có khả năng mang máy bay cho các lực lượng quân sự khác.
Nhu cầu cao về tàu sân bay cỡ nhỏ
Nguồn gốc của loại tàu chiến lớp mới này xuất phát từ trước khi Mỹ bước vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Trong lá thư tháng 12/1940 gửi tới Đô đốc William F. "Bull" Halsey, Jr., người đứng đầu các chiến dịch Hải quân, Tư lệnh lực lượng chiến đấu và máy bay của Hạm đội Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng 6 tàu sân bay của Hải quân Mỹ sẽ không phù hợp để đối phó với cả Đức và Nhật Bản.
Ông Halsey cảnh báo rằng sẽ cần có thêm nhiều tàu hơn và kết quả là các CVE cỡ nhỏ - một thiết kế của Hải quân Mỹ cho tàu sân bay hộ tống.
Được đóng dựa trên thân tàu thương mại được chỉnh sửa với lớp giáp mỏng và vũ trang hạng nhẹ, các tàu sân bay hộ tống có tốc độ chậm và năng lực vận chuyển hạn chế - chỉ 24-36 máy bay trong khi các tàu sân bay cỡ lớn có thể vận chuyển được tới gần 90 máy bay.
Mỹ từng đóng rất nhiều tàu sân bay cỡ nhỏ
Dù khá mờ nhạt so với các tàu chiến cỡ lớn hơn, nhưng trong số 151 tàu sân bay được chế tạo trong Thế chiến 2, có tới 122 tàu thực sự chỉ là tàu sân bay hộ tống.
50 chiếc trong số đó là tàu lớp Casablanca. Đây cũng là lớp tàu sân bay có số lượng nhiều nhất từng được chế tạo. Tàu lớp này do Công ty Kaiser đóng, và được hoàn thiện rất nhanh chóng. Cả 50 chiếc từ lúc khởi đóng, cho đến khi vận hành và biên chế chỉ chưa đầy 2 năm.
Các tàu lớp Casablanca dài 156 mét có khả năng vận chuyển 910 người, 28 máy bay, đạn dược và gần 120.000 gallon nhiên liệu máy bay.
5 tàu sân bay hộ tống lớp Casablanca được giao nhiệm vụ tuần tra Đại Tây Dương. Cũng chính tại vùng biển này nó đã chứng minh được một trong số các lợi thế và quan trọng nhất là đánh bại tàu U-boat của Hải quân phát xít Đức. Ban đầu được triển khai để bảo vệ đoàn tàu vận tải và vận chuyển máy bay hoạt động trên đất liền, cuối cùng chúng dẫn đầu 5 trong số 11 "nhóm Thợ săn-Sát thủ" lưu động đã giúp truy đuổi tàu U-Boats, đánh chìm 53 tàu loại này tính đến cuối cuộc chiến.
Trong số 13 tàu sân bay Mỹ đã bị mất trong Thế chiến 2, có 7 chiếc là tàu sân bay hộ tống với 6 chiếc trong đó là tàu lớp Casablanca.
45 chiếc CVE lớp Bogue khác được đóng để phục vụ Hải quân Mỹ cũng như Hải quân Hoàng gia Anh theo chương trình Thuê-Mượn.
Sau chiến tranh, 10 chiếc tàu sân bay cỡ nhỏ vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, phục vụ cho các chiến dịch trực thăng và vận tải đường không.
Lớp cuối cùng của CVE được chế tạo là lớp Commencement Bay, dựa trên khung thân tàu chở dầu T, nhưng các đặc điểm vẫn tương tự như các tàu trước đó. 35 chiếc được đặt hàng, và chỉ có 19 chiếc được sản xuất dù phần lớn trong số này ít hoặc không hoạt động.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, Mỹ nhận thấy sự thiết yếu phải sử dụng trực thăng và các phương tiện vận chuyển phụ trợ và một số tàu sân bay cỡ nhỏ lớp Commencement Bay được đưa trở lại hoạt động trong Chiến tranh Triều Tiên.
Một trong những tàu sân bay hộ tống lớp Casablanca cuối cùng được đóng là USS Thetis Bay, ban đầu được gọi là CVE-90.
Lớp USS Thetis Bay được chuyển đổi vào giữa những năm 1950 để trở thành tàu sân bay trực thăng tấn công đầu tiên của Hải quân Mỹ và tên gọi của nó được đổi thành CVHA-1.
Vài năm sau đó, lớp tàu này đã trải qua quá trình sửa đổi lớn, bao gồm cả việc cắt bớt sàn đáp phía sau.
Vào tháng 5/1959, tên gọi của nó một lần nữa được đổi thành LPH-6, một tàu tấn công đổ bộ. Tàu vẫn phục vụ thêm 5 năm nữa và là chiếc CVE cuối cùng bị loại biên.
Mặc dù có vai trò quan trọng của tàu sân bay cỡ nhỏ trong Thế chiến 2, nhưng thật đáng buồn khi không một chiếc nào trong số 122 chiếc CVE của phe Đồng minh còn tồn tại cho đến ngày nay./.