Quyết tâm không gì lay chuyển
Tổng thống Mỹ Biden hiện đang nỗ lực đưa Iran quay trở lại Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015 (JCPOA) - được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung, nhất trí về nhu cầu hợp tác và quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các đối tác liên quan đến các vấn đề an ninh trong khu vực, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran và các động thái nguy hiểm của Tehran trong khu vực. Tuy nhiên, Israel đã tuyên bố rõ ràng rằng họ phản đối thỏa thuận đó vì nó chỉ khuyến khích Tehran và các chương trình vũ khí của quốc gia Hồi giáo này.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gantz quả quyết, Iran không thể được tin tưởng trong bất kỳ loại thỏa thuận hạt nhân nào, Tehran đang phá vỡ mọi thứ đã thỏa thuận, đang lừa dối. Israel “sẽ không bao giờ cho phép Iran hoặc bất cứ nơi nào gần với nước này có khả năng hạt nhân”, bởi sẽ "đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Do Thái". Nếu thế giới ngăn chặn được họ, thì điều đó rất tốt, “nhưng nếu không, chúng ta phải hành động độc lập và chúng ta phải tự bảo vệ mình”, dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Kohavi cho biết vào tháng 1 là đang lên kế hoạch tấn công Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì tuyên bố, Iran sẽ không được phép phát triển vũ khí hạt nhân, cho dù Tehran có đạt được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Biden; Israel sẽ ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, bất kể liệu có một hiệp định đa phương để ngăn Tehran làm như vậy hay không. Các bình luận của Thủ tướng Israel được đưa ra vài giờ sau khi truyền hình nhà nước Iran đưa tin Cộng hòa Hồi giáo đã chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh tra quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của họ.
Israel kiên quyết phản đối thỏa thuận và Netanyahu là người có ảnh hưởng lớn đến quyết định rút khỏi thỏa thuận của cựu Tổng thống Mỹ Trump vào năm 2018; ông và các nhà lãnh đạo Israel khác cũng đã gây sức ép buộc Biden từ bỏ thỏa thuận. Thủ tướng Israel đã tổ chức cuộc họp nội bộ lớn đầu tiên để thảo luận về chính sách của Israel đối với Iran kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức.
Trong số các quan chức tham gia cuộc họp có Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Tham mưu trưởng IDF, Giám đốc tình báo Mossad và Đại sứ Israel tại Mỹ. Ngoài ra, còn có các cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Yaakov Amidror và Yaakov Nagel. Cả hai người đều có lập trường diều hâu đối với Iran và đang đảm nhận vai trò cố vấn đối ngoại về vấn đề này cho Netanyahu. Các đảng chính trị lớn của Israel phần lớn đoàn kết để phản đối JCPOA, bất chấp môi trường chính trị trong nước hỗn loạn.
Trong quá khứ, Israel đã tấn công các địa điểm hạt nhân ở Syria, Iraq và Iran. Các đặc nhiệm Israel cũng bị nghi ngờ đã ám sát nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran trong thập kỷ qua, bao gồm cả nhà nghiên cứu hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh, vào tháng 11/2020. Các nhà quan sát suy đoán, Israel có thể thực hiện các hành động đơn phương nhằm phá hoại thỏa thuận, chẳng hạn như các cuộc tấn công quân sự hoặc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran…
Israel đã sẵn sàng từ lâu
Theo nationalinterest, vào năm 2010, ông Netanyahu đã ra lệnh cho các nhà hoạch định quân sự của Israel bắt đầu chuẩn bị cho một chiến dịch không kích đơn phương nhằm vào các cơ sở làm giàu hạt nhân của Iran. Bất chấp JCPOA, một cuộc không kích vẫn là một lựa chọn cuối cùng có rủi ro cao nhưng có khả năng mang lại lợi ích lớn cho Israel. Sẽ rất phức tạp từ quan điểm ngoại giao để Israel tiến hành một chiến dịch trên không chống lại các cơ sở hạt nhân của Tehran nếu thiếu bằng chứng thuyết phục và sự cứng rắn cần thiết để chứng minh.
Một cuộc tấn công thành công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran tại Qom, Fordow, Natanz và Parchin sẽ chỉ thành công khi công tác hậu cần và hành trình dễ dàng nhất để có thể xâm nhập không phận Iran, được bí mật dàn xếp trước với các đối tác trong khu vực cho các máy bay Israel, có nghĩa là nói chuyện với người Saudi Arabia, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ để thăm dò ý tứ và nhận “đèn xanh”. Người Israel thậm chí có thể đặt vấn đề điều máy bay Israel sang đất đồng minh để cắt giảm thời gian và nhiên liệu mà các máy bay phản lực phải bỏ ra trước khi tấn công mục tiêu.
Mặc dù Saudi Arabia và Israel có thù hận với Iran, nhưng điều đó không hẳn là các quốc gia Arab trong khu vực sẽ hợp tác với Israel để ném bom một quốc gia Hồi giáo khác. Các báo cáo xuất hiện vào đầu năm 2010 đã cho thấy, Riyadh sẽ tắt radar phòng không của mình để máy bay Israel có thể đi qua không phận Saudi Arabia mà không có nguy cơ bị bắn hạ, nhưng những báo cáo đó liên tục bị các quan chức phủ nhận ngay sau khi chúng được công khai.
Các chuyên gia cho rằng Israel có thể sử dụng lãnh thổ của Saudi Arabia hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho một cuộc tấn công như vậy, lưu ý đến thực tế là quan hệ giữa Israel và các quốc gia quân chủ ở Vịnh Ba Tư đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Kênh truyền hình Mỹ Fox News dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, chính quyền Israel đang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận với Saudi Arabia trong lĩnh vực an ninh chiến lược, dựa trên sự thù địch chung với Iran.
Israel sẽ yêu cầu Quốc hội trích tiền trong một dự luật bổ sung hoặc trong các cuộc đàm phán ngân sách hàng năm để mua bom đánh boongke nặng 30.000 pound được mệnh danh là máy xuyên phá vật liệu - loại bom duy nhất trong kho vũ khí của Mỹ có thể phá hủy cơ sở làm giàu dưới lòng đất tại Fordow. Israel đã cố gắng kêu gọi Mỹ chuyển giao số vũ khí này trong nhiều năm, và đều bị từ chối vì sợ rằng Tel Aviv sẽ tự mình hành động. Tuy nhiên, các tính toán của Washington có thể thay đổi nếu Israel cung cấp cho Nhà Trắng bằng chứng không thể chối cãi về hoạt động vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.
Hai lần Israel đã thực hiện hành động đơn phương nhằm loại bỏ chương trình hạt nhân của Iraq vào năm 1981 và Syria vào năm 2007. Chương trình hạt nhân của Iran thì khác - phân bố trên toàn quốc, bên cạnh hoặc tại các căn cứ quân sự và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không. Một cú đột kích chớp nhoáng, tương tự như chiến dịch năm 2007 ở Syria sẽ không hiệu quả ở Iran.
Nếu 4 chiếc F-15 và 4 chiếc F-16 được sử dụng để ném bom ban đêm vào cơ sở al-Kibar của Syria, thì Israel cần ít nhất 20 máy bay có khả năng cần thiết trong bất kỳ cuộc tấn công nào đối với chương trình hạt nhân của Tehran. Các cuộc không kích có thể kéo dài nhiều ngày do quy mô cơ sở vật chất và hệ thống phòng không của Iran, điều này có nghĩa là người Iran sẽ có nhiều thời gian hơn để phản ứng.
Một trong những lý do kiềm chế Israel trong những năm qua là các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực, đặc biệt là Hezbollah ở miền nam Lebanon và Hamas/Hội thánh chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza, sẽ trả đũa bằng cách phóng hàng nghìn tên lửa vào Israel. Trong khi người ta có thể phân vân liệu cả hai tổ chức có hy sinh sức mạnh quân sự của họ vì lợi ích của Iran hay không, là một kịch bản mà các chiến lược gia Israel sẽ cần phải xem xét. Israel đã chứng minh rằng họ sẽ không ngần ngại hành động trước khi một nguy cơ gia tăng nhằm bảo vệ an ninh của Israel và trì hoãn năng lực quân sự của đối thủ.
Với bản chất tồn tại mà chính phủ Netanyahu gán cho vấn đề hạt nhân Iran, một hoạt động quân sự của Israel - ngay cả trong một thế giới hậu JCPOA - là một sự phát triển có khả năng xảy ra nhiều hơn chúng ta nghĩ. Một cuộc tấn công của Israel vào Iran có thể diễn ra theo kịch bản sau: sự phối hợp của Không quân và lực lượng tên lửa Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân, quân sự và dầu mỏ của Iran, cũng như một cuộc oanh tạc quy mô lớn vào các vị trí của phe ủng hộ. Cuộc tấn công trả đũa của Iran có nguy cơ khiến Mỹ và các cường quốc hàng đầu khác có lợi ích ở Vịnh Ba Tư can thiệp vào cuộc xung đột./.