Căng thẳng giữa Nga và Israel liên quan đến vấn đề Syria ngày càng leo thang khi Nga ồ ạt điều khí tài quân sự tới Syria, trong khi Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các căn cứ quân sự của Iran tại Syria.

2963708_cac_tau_chien_nga_cho_phu_0_lfhh.jpg
Tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov 152 của Nga. Ảnh: Twitter.

Động thái quân sự dồn dập

Hôm 2/5, tờ Express dẫn thông tin từ kênh quan sát quân sự Yörük Işık cho biết, tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov 152 của Nga đang trên hành trình tới miền Bắc Syria nơi đặt căn cứ hải quân Tartus. Còn hãng tin NBC dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ tiết lộ, Israel đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Iran, đồng thời nhấn mạnh một “cuộc chiến giữa Israel và Iran nhiều khả năng có thể xảy ra”. Iran là đồng minh thân cận của Nga và Syria và động thái này đang khiến mối quan hệ giữa Nga và Israel trở nên xấu hơn.

Phá vỡ mọi quy ước, Nga đã lên tiếng cáo buộc Israel là thủ phạm tấn công căn cứ quân sự T4 của chính phủ Syria đặt tại tỉnh Homs ngày 9/4 vừa qua, đồng thời chỉ trích Israel đã không cảnh báo trước. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, vụ tấn công là một “diễn biến rất nguy hiểm”.

Căng thẳng giữa Nga và Israel cũng được đẩy lên một nấc thang mới khi tuần trước Nga thông báo nước này có thể cung cấp cho chính phủ Syria hệ thống phòng không hiện đại S-300, vốn có thể ngăn chặn Israel phóng tên lửa vào các đoàn xe vận chuyển vũ khí cho những nhóm quân sự do Iran hậu thuẫn tại Syria. 

Một số quan chức Nga cho biết, nước này chưa đưa ra quyết định dứt khoát về việc có hay không chuyển giao hệ thống S-300 nêu trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã cảnh báo cứng rắn rằng không quân Israel sẽ tấn công hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất, nếu chúng được sử dụng chống lại Israel. Israel cũng tuyên bố Nga sẽ vượt qua “giới hạn đỏ” trong quan hệ giữa hai nước nếu thực thi kế hoạch này. 

Trên thực tế, các hệ thống phòng không của Nga được triển khai Syria trong nhiều năm qua. Hệ thống phòng không của Syria đều do Nga sản xuất và Israel từng tấn công quân sự vài lần, gần đây nhất là sau khi Damascus bắn rơi một máy bay F-16 vào tháng 2 vừa qua.

Thỏa thuận ngầm

Theo giới phân tích Nga, những diễn biến mới này báo hiệu mâu thuẫn và nghi kỵ ngày càng gia tăng giữa Moscow và Tel Aviv, song không có khả năng thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong quan hệ song phương, cũng như đưa Nga và Israel bước vào vòng đối đầu nguy hiểm. Bởi quan hệ giữa Nga và Israel là một mối quan hệ rất độc đáo. Tel-Aviv là đồng minh của Mỹ, nhưng đồng thời lại duy trì mức tiếp xúc cao với Moscow.

Ông Alexey Khlebnikov, chuyên gia thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế của Nga cho biết: “Cả Nga và Israel đều quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì quan hệ ở mức cân bằng, thay vì làm phức tạp hóa và để quan hệ đi xuống mức không thể cứu vãn”.

Khi Nga chính thức bước vào cuộc xung đột tại Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, dư luận đã đặt ra câu hỏi động thái này có thể ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Nga và Israel. Một số quan chức Israel ngay lập tức tỏ ra lo ngại. Họ muốn tìm kiếm sự đảm bảo rằng, quá trình can thiệp của Moscow sẽ không gây cản trở một trong những mục tiêu chính của Tel Aviv ở Syria là ngăn chặn Iran và các nhóm do nước này hậu thuẫn mở rộng tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga và Israel đã đưa ra thông báo chung gây bất ngờ giới báo chí vào tháng 9/2015, trong đó cam kết hợp tác trên chiến trường Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó khẳng định, ông sẽ phối hợp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “ngăn chặn sự hiểu lầm giữa các đơn vị của lực lượng quốc phòng Israel và các lực lượng Nga”.

Về phần mình, Thủ tướng Israel cho biết, ông và Tổng thống Putin đã nhất trí về một cơ chế nhằm phòng ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Cơ chế này bao gồm thiết lập đường dây nóng giữa trụ sở của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ở Tel Aviv và căn cứ Hmeimim của Nga tại Syria, thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các quan chức cấp sự cấp cao của hai bên, cùng với đó là tiến hành tham vấn thường xuyên giữa các cơ quan quốc phòng 2 nước.

Trên chiến trường, Nga và Israel cũng thành lập một số quy tắc chung mà theo cách nói của Bộ trưởng Quốc phòng Israel là quan hệ có qua có lại: “Israel không can thiệp vào hoạt động của Nga, đổi lại Nga cũng không can thiệp vào hoạt động của Israel.  Bên cạnh đó, dường như Nga cũng mong đợi những cảnh báo sớm từ Israel trước khi Israel tiến hành không kích bất cứ vị trí nào của Syria, như một phần của thỏa thuận giữa hai nước.

Giáo sư Vladimir Sazhin thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết, trong thỏa thuận giữa hai bên còn có điều kiện Nga không can thiệp vào cuộc đối đầu Israel-Iran, bỏ qua hành động của Israel chống lại đoàn xe vận tải của Iran đưa vũ khí đến Lebanon, cũng như của các lực lượng Iran có mặt hoặc có thể có mặt tại cao nguyên Golan. Israel ghi nhận điều đó và tuân thủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, không can dự vào công việc nội bộ của Syria.

Mặc dù có nhiều mâu thuẫn trong quan hệ ngoại giao, song Nga và Israel vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ về quân sự, cũng như tôn trọng các quy tắc chung khi tham chiến. Evgeny Finkel, chuyên gia nghiên cứu chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington nhận định: “Có sự phối hợp khá ăn ý và nghiêm túc giữa quân đội Nga và quân đội Israel. Cả 2 đều quan tâm đến việc ngăn chặn các cuộc đối đầu. Điều này có được là do hai nước chia sẻ một số lợi ích chung chiến lược, trong đó có ngăn chặn các phần tử khủng bố mặc dù ủng hộ các phe phái đối lập tại Syria”.

Một số nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Iran, lực lượng Hezbollah và chính phủ Syria khiến Nga trở thành quốc gia có tiềm năng trở thành trung gian hòa giải giữa Tehran và Tel Aviv. Vẫn chưa rõ liệu Moscow có sẵn sàng đảm nhận vai trò như vậy hay không. Nhưng khi quân đội chính phủ Syria hạ một máy bay chiến đấu của Israel vào tháng Hai, Nga dường như là quốc gia duy nhất có khả năng ngăn chặn leo thang xung đột giữa Israel và Iran./.