Trong thời gian gần đây
Từ năm 1996 đến 2009, Thụy Điển đã sửa đổi học thuyết quốc phòng nhiều lần. Kết quả của việc này là sự thay đổi lớn trong các chiến lược và kế hoạch cơ bản, cắt giảm chi tiêu quốc phòng và cắt giảm quân số, dừng tuyển quân; hợp tác quốc tế đặc biệt chú trọng đến hoạt động gìn giữ hòa bình và nhân đạo. Đến giữa những năm 2010, tình hình quân sự-chính trị ở châu Âu đã thay đổi và Stockholm đã có phản ứng thích hợp.
Năm 2015, Thụy Điển đã thông qua một phiên bản mới của học thuyết quốc phòng, khôi phục ngân sách quân sự và nâng cao các chỉ số định lượng và chất lượng của các lực lượng vũ trang.
Học thuyết cũng đề xuất thành lập các đơn vị mới hoặc khôi phục những đơn vị đã bị giải tán trước đó, mở rộng hợp tác quốc tế... Việc triển khai các kế hoạch mới nhanh chóng đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực. Chính vì điều này mà vào tháng 3/2017 Thụy Điển đã buộc phải áp dụng lại chế độ tuyển quân. Tuy nhiên, quy mô quân đội vẫn dưới mức yêu cầu.
Việc gia tăng chi tiêu quốc phòng để khởi động các dự án tái thiết các căn cứ quân sự chung và đặc chủng. Năm 2019, Bộ Tư lệnh Hải quân chuyển đến căn cứ hải quân ngầm Muskyo. Một cuộc đại tu lớn căn cứ bắt đầu và tiếp tục cho đến hiện nay. Cũng trong năm 2019, trên đảo Gotland, Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho xây dựng lại căn cứ trung đoàn đã bị giải tán vào giữa những năm 2000. Kết quả là trong những năm gần đây, dù không phải kế hoạch nào cũng được thực hiện trọn vẹn, tất cả các chỉ số chính của các lực lượng vũ trang Thụy Điển đều tăng lên đáng kể.
Ngân sách quốc phòng Thụy Điển đã gia tăng ổn định, trong năm tài chính 2021 đạt 71,2 tỷ kroon (tương đương 7,8 tỷ USD). Quân số lực lượng vũ trang, bao gồm cả các đơn vị bảo vệ lãnh thổ, đã vượt quá 50.000 người, mặc dù các chiến lược hiện tại đưa ra yêu cầu ít nhất 60.000 quân. Trong khuôn khổ một số thỏa thuận quốc tế, hợp tác đang được tiến hành với các nước Scandinavia, phần còn lại của châu Âu và NATO.
Các biện pháp mới
Một trong những biện pháp chính của việc xây dựng quân đội trong khuôn khổ của học thuyết hiện tại là khôi phục lại các đơn vị và phân đội đã bị giải tán trong thời gian áp dụng chính sách cắt giảm. Ngày 24/9/2021, lễ "khôi phục" trung đoàn K4, một trong những nạn nhân của đợt cắt giảm chung vào đầu những năm 2000, đã diễn ra tại Arvidsjaur. Trung đoàn được tái lập nhằm tiến hành các hoạt động phòng thủ và tấn công trong điều kiện Bắc cực.
Một số buổi lễ khác được lên kế hoạch trong những tháng tới và quân đội Thụy Điển sẽ được bổ sung các đơn vị "cũ" mới. Các biện pháp đã được tiến hành để xây dựng lại hai trung đoàn bộ binh (I13 và I21), Trung đoàn Thủy quân lục chiến Amf4 và Căn cứ Không quân F16. Tất cả các đơn vị và cơ sở này sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2022. Thụy Điển cũng có kế hoạch khôi phục một trung đoàn pháo binh, nhưng thời hạn cụ thể không được tiết lộ.
Một lĩnh vực khác của quân đội là mua sắm vật chất, vũ khí, trang bị hiện đại. Trong lĩnh vực này, Thụy Điển cố gắng dựa chủ yếu vào thực lực của mình, nhưng vẫn phải mua các sản phẩm nước ngoài. Cách tiếp cận hỗn hợp này đã được áp dụng trong một thời gian dài và mang lại hiệu quả. Ngành công nghiệp Thụy Điển cung cấp máy bay JAS 39 Gripen hiện đại cho không quân, đồng thời phát triển và đóng tàu cho hải quân và hiện họ đang phát triển một loại tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến mới A26.
Lực lượng mặt đất cũng dựa vào ngành công nghiệp nội địa, nhưng một số nhu cầu được đáp ứng với sự trợ giúp của các nhà cung cấp nước ngoài. Cuối tháng 5/2021, Mỹ đã chuyển giao hệ thống phòng không Patriot PAC 3+ đầu tiên cho Thụy Điển. Sắp tới, Patriot PAC 3+ sẽ được thử nghiệm, sau đó sẽ chuyển cho một trong các đơn vị phòng không. Tổng cộng có bốn khẩu đội đã được đặt hàng; vũ khí nhập khẩu này sẽ đi vào hoạt động dưới tên Luftvärnssystem 103.
Kế hoạch cho tương lai
Vào những năm 90, trong bối cảnh tình hình quân sự-chính trị ở châu Âu được cải thiện, Thụy Điển quyết định cắt giảm quân đội và chi tiêu quốc phòng. Trong một thập kỷ rưỡi, chính sách như vậy có thể giúp chuyển hướng nguồn vốn cho các dự án quan trọng trong các lĩnh vực khác và được coi là hữu ích. Tuy nhiên, tất cả những điều này đã dẫn đến hiệu quả chiến đấu sụt giảm, cũng như dẫn đến nguy cơ suy thoái sâu các lực lượng vũ trang.
Các sự kiện trong những năm qua và tình hình chung xấu đi ở châu Âu đã buộc Stockholm phải khẩn cấp hoạch định lại chiến lược và kế hoạch của mình - trả lại ưu tiên cho quốc phòng. Nắm bắt những cơ hội mới trong những năm gần đây, họ đã có thể triển khai một số chương trình quan trọng và giải quyết một số nhiệm vụ chính. Quân số và hiệu quả chiến đấu ngày càng cao, làm chủ các mẫu vũ khí hiện đại, thường xuyên diễn tập, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo ra sự cải thiện mới về khả năng tác chiến của quân đội.
Đã xuất hiện một hiệp định quân sự-chính trị mới với các bên tham gia là Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Theo đó, ba nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung và cùng chống lại các mối đe dọa khác nhau. Bất chấp sự xuất hiện của "liên minh" mới này, Stockholm vẫn có kế hoạch xây dựng và phát triển hơn nữa quân đội của mình. Một trong những kế hoạch chính cho tương lai gần gắn với việc tăng thêm số lượng quân nhân và thành lập các đơn vị mới.
Đến năm 2025, số lượng quân nhân, bao gồm phòng thủ lãnh thổ sẽ lên đến 90.000, bằng cách gọi nhập ngũ với số lượng gấp đôi. Các chương trình trang bị lại và tân trang sẽ vẫn tiếp tục. Trước mắt và trong trung hạn, tiếp tục xây dựng công nghệ của các loại hình thực tế cho tất cả các ngành của lực lượng vũ trang. Một số dự án mới cũng đang được phát triển, sẽ cho kết quả mong muốn trong tương lai xa. Giới chức quân sự Thụy Điển đang lên kế hoạch để tạo ra hoặc mua một loại xe tăng chủ lực tiềm năng, sẽ đi vào hoạt động trong những năm 2030.
Như vậy, trong những thập kỷ gần đây, giới lãnh đạo quân sự và chính trị Thụy Điển đã hai lần thay đổi chiến lược quốc phòng và an ninh. Sự thay đổi đầu tiên phù hợp với đường lối chính trị lúc đó, nhưng đã gây ra những hậu quả tiêu cực nhân tiền và lâu dài. Những thay đổi mới mang lại sự hồi sinh toàn diện về chính sách quốc phòng và tổ chức bộ máy quân sự và đã cho thấy những kết quả bước đầu tích cực, phù hợp với xu thế và tình hình mới./.