Nga mạnh nhất thế giới trên khía cạnh vũ khí hạt nhân. Nhưng lực lượng tác chiến thông thường của Nga vẫn có một số bất cập cần hoàn thiện thêm dù rằng vừa rồi Nga đã có nhiều chương trình cải cách quân sự.
Một trong những vấn đề nổi bật nhất mà quân Nga đối diện trên chiến trường Ukraine là khả năng liên lạc với nhau chưa được tin cậy và an toàn lắm.
Trong cuộc chiến hiện nay, quân đội và các cơ quan an ninh Ukraine được cho là đã liên tục chặn được liên lạc giữa các đơn vị của Nga trên thực địa, thậm chí cả trao đổi giữa các sĩ quan ngoài mặt trận và thượng cấp ở Nga.
Ngoài Ukraine, cơ quan tình báo kỹ thuật của Anh và Mỹ cũng nghe được các cuộc nói chuyện của nội bộ quân Nga về tình hình chiến trường.
Tại sao Ukraine lại có khả năng chặn thu đó?
Thứ nhất, năng lực tác chiến điện tử của Ukraine khá tốt do nhận được sự trợ giúp hào phóng của Mỹ trong lĩnh vực này. Mỹ thậm chí còn cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo theo giờ thực và chia sẻ nhiều thông tin khác với Ukraine, ở cấp độ chưa từng thấy, giúp phía Ukraine nắm khá rõ về đối phương.
Thứ hai, năng lực tương ứng của Nga có thể đã bị tổn hại do phải chịu nhiều năm cấm vận. Các xe cộ và tù binh Nga bị phía Ukraine bắt cho thấy phía Nga đang sử dụng điện đài thương mại, thậm chí cả điện thoại di động.
Bên cạnh đó, dường như Nga còn vấp phải vấn đề về an ninh tác chiến. Từ trước khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine, binh lính Nga đã có nhiều vụ việc để lộ lọt thông tin mật do tham gia các hoạt động trên mạng xã hội. Vấn đề ở đây là binh sĩ Nga cần phải duy trì kỷ luật điện tử và số trên chiến trường, nếu không cả một đơn vị có thể gặp nguy hiểm.
Phối hợp kém
Một vấn đề khác là sự phối hợp chưa được hiệu quả giữa các cơ quan của Nga.
Binh sĩ quân đội Nga khi tiến vào thành phố Kharkov đã phá hủy các tháp điện thoại, khiến nhân viên cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) không thể sử dụng hệ thống mã hóa điện thoại Era – hệ thống này đòi hỏi kết nối dữ liệu 3G và 4G để liên lạc an toàn.
Sự cố này được tiết lộ khi các chuyên viên mã mở chặn được một cuộc gọi trong đó một chỉ huy FSB nói với nhân viên trên thực địa rằng hệ thống Era không hoạt động.
Thậm chí theo Christo Grozev – giám đốc điều hành thuộc nhóm nghiên cứu Bellingcat, thì “quân đội Nga được trang bị các máy điện thoại bảo mật nhưng các máy đó không hoạt động được ở những nơi mà quân đội Nga hoạt động”.
Các điểm yếu này chồng chéo và gây phức tạp cho nhau, khiến Nga gặp nhiều khó khăn về liên lạc. Ở đây có nguyên nhân chất lượng thiết bị, công tác đào tạo và cả cách triển khai thực hiện.
Herm Hasken – người từng phụ trách công tác mật mã tại Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt của Mỹ, cho biết phía Ukraine đã sử dụng thành thạo các đoạn thu lén này, đưa chúng lên mạng xã hội để củng cố thắng lợi của mình và kể lại các câu chuyện từ góc nhìn của họ.
Một số đơn vị Nga dùng các thiết bị mã hóa nhưng số khác thì lại sử dụng liên lạc vô tuyến điện ở các tần số cao không được mã hóa để liên lạc – điều này thực sự khá nguy hiểm.
Có phương tiện mã hóa nhưng lại không thể liên lạc bí mật với tiểu đoàn pháo binh yểm trở cho mình – đây là một vấn đề cản trở năng lực quân sự.
Các công nghệ liên lạc tiên tiến hiện nay như mạng 5G tuy tiện lợi nhưng cũng tạo ra vấn đề về an toàn thông tin./.