Ngày 28/7 vừa qua, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đạt độ cao 3.724m trong 47 phút 12 giây và bay xa gần 1.000 km. Đây tiếp tục được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất của Triều Tiên đối với Mỹ rằng toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Bình Nhưỡng, khiến giới quan sát đang tiến gần đến dự báo khả năng Mỹ buộc phải chấp nhận kịch bản “hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên.

ten_lua_lien_luc_dia_trieu_tien_rauk.jpg
Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 2 của Triều Tiên.

Mục tiêu sở hữu vũ khí đạn đạo

Sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng đây là loại ICBM”, “Tên lửa phóng từ Mupyong-ni, phía bắc Triều Tiên và rơi xuống biển Nhật Bản”.

Ông Melissa Hanham, một chuyên gia về tên lửa Triều Tiên tại trung tâm James Martin ở Mỹ nhận định, ICBM của Triều Tiên đủ khả năng bắn tới thành phố New York, quê hương của Tổng thống Donald Trump.

Chuyên gia David Wright còn nói: “Có vẻ như tên lửa có thể vươn tới New York, Boston và thậm chí rơi sát thủ đô Washington” của Mỹ. Theo ông Wright, quả tên lửa Triều Tiên mới phóng, về mặt tiêu chuẩn có thể đạt đến tầm bắn xa 10.400 km. Và nếu giảm trọng lượng ICBM Hwasong-14 thì tầm bắn còn có thể xa hơn.

Chuyên gia Michael Elleman từ trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định, tên lửa Triều Tiên đủ sức bay xa 9.500km nếu phóng theo quỹ đạo thông thường. Con số này ít hơn dự đoán của ông Wright nhưng vẫn đủ để đưa nhiều thành phố Mỹ như Los Angeles vào tầm ngắm.

“Điểm mấu chốt ở đây là Triều Tiên lại thử thành công ICBM chỉ trong chưa đầy một tháng. Nếu tiếp tục lặp lại các vụ thử thành công như vậy, ICBM Triều Tiên sẽ đạt đến độ tin cậy nhất định vào cuối năm nay”. Năm 2017 là năm đánh dấu bước tiến nhảy vọt trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng với 12 lần phóng tính đến ngày 4/7 (lần đầu tiên phóng ICBM).

Chuyên gia Harry J. Kazianis nhận xét trên tờ National Interest: “Triều Tiên đang dần dần trở thành một cường quốc hạt nhân và tên lửa ngay trước mắt chúng ta” và “Vụ phóng tên lửa mới nhất khẳng định tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang hết sức nguy hiểm”.

Tuy nhiên, trong khi Lầu Năm Góc và Bình Nhưỡng thông báo rằng tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên vừa phóng là loại ICBM, thì Bộ Quốc phòng Nga lại cho biết tên lửa này chỉ là loại tầm trung “dựa trên các đặc điểm kỹ thuật của nó”.

Theo giới chuyên gia, tuy vẫn còn có ý kiến khác nhau, nhưng đa số đã thừa nhận rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã đạt hoặc ít nhất là gần đạt trình độ mà Bình Nhưỡng mong muốn, tức là quốc gia thứ 7 trên thế giới có thể ra nhập “câu lạc bộ” các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Hạt nhân hóa” bán đảo

Chuyên gia Robert Kelly, phó giáo sư quan hệ quốc tế thuộc khoa Chính trị học, trường Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) đã phân tích kỹ lý do về vấn đề  “hạt nhân hóa” trên tờ National Interest.

Kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa tầm trung và tầm xa trong tháng này, nhiều người lo ngại về khả năng Triều Tiên tấn công các thành phố Mỹ. Theo đó, ít nhất thì Triều Tiên cũng có thể tấn công các thành phố lớn nhất bang Alaska của Mỹ là Anchorage.

Một số nhà phân tích khác lại cho rằng, tuy về tầm xa thì Triều Tiên đã có khả năng tấn công vào sâu nước Mỹ, nhưng họ còn hoài nghi về khả năng công nghệ (đưa tên lửa trở lại bầu khí quyển, dẫn đường, thu nhỏ đầu đạn và một số  vấn đề kỹ thuật khác). Ít nhất là Triều Tiên không thể nào đủ khả năng tấn công tất cả 48 bang còn lại của Mỹ.

Theo chuyên gia Kelly, từ tháng 5, Mỹ dường như đang trong trạng thái đếm ngược còn Triều Tiên đang ráo riết tiến tới mục tiêu một tên lửa đạn đạo liên lục địa có đầu đạn hạt nhân. Vì thế, theo ông Kelly “người Mỹ buộc phải làm quen với khả năng này hoặc chống lại nó”.

Khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên, theo ông Kelly sẽ cực kỳ mạo hiểm bởi các lý do sau:

Một là, nếu Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Triều Tiên (gọi là trừng phạt) sẽ gây thảm họa lớn cho cả Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc và khu vực. Trên thực tế cho dù Mỹ, Hàn Quốc có chiếm được Triều Tiên cũng sẽ thấy vô nghĩa khi phải tiếp quản một vùng đất chết bị tàn phá bằng vũ khí hạt nhân.

Hai là, khi Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ khiến Triều Tiên trả đũa trở lại cả Mỹ, cả hai quốc gia đồng minh Hàn, Nhật đều bị đánh phá ở mức độ nhất định. Do đó, nếu có chiến thắng thì “lợi bất cập hại” cái thu được cũng sẽ không bù lại được cái giá phải trả cho sự hủy diệt mà vũ khí hạt nhân gây ra.

Ba là, trong giả định Triều Tiên chủ động tiến công hạt nhân đối với Mỹ, Nhật Bản và đánh chiếm Hàn Quốc thì Triều Tiên cũng chỉ nhận được sự tàn phá khủng khiếp, bởi 75% dân số Hàn Quốc sống trên 30% diện tích lãnh thổ, nếu Triều Tiên thắng cuộc, thì họ cũng sẽ thừa kế một vùng đất hoang tàn vì sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra còn phải kể đến việc phản ứng của các nước trong khu vực và thế giới, nhất là Trung Quốc và Nga (vừa là đối tượng, vừa là đối tác) của Mỹ. Và bài học về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Afghanistan, Iraq và Libya vẫn còn đó, khiến cho Mỹ và đồng minh Hàn, Nhật không thể không quan tâm.

Vì thế, trong giới chuyên gia Hàn Quốc có người đã khuyên Mỹ nên học cách sống với các nước “tên lửa hóa hạt nhân”, như Nga, Trung Quốc và Pakistan… - những nước lâu nay Mỹ vẫn không ưa gì khi họ có vũ khí hạt nhân.

Trên thực tế, cho đến nay thế giới có 9 nước có vũ khí hạt nhân, trong đó 6 nước (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Pakistan) được thừa nhận, còn Israel, Iran và Triều Tiên lại chưa được công nhận. Tuy nhiên, các nước nói trên đều rất cẩn trọng với vũ khí hạt nhân, chưa có vũ khí hạt nhân nào vô tình hay hữu ý bị rơi vào tay quân khủng bố hoặc kích hoạt nhầm. Các cường quốc hạt nhân đều coi vũ khí này là để phòng thủ và răn đe chiến lược.

Vì thế, đối với Triều Tiên ngay cả việc họ thường xuyên tuyên bố tấn công hạt nhân đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ thì việc họ sở hữu vũ khí hạt nhân cũng chỉ là răn đe để bảo vệ chế độ của họ mà thôi. Triều Tiên thừa biết rằng hậu quả của một cuộc chiến tranh Mỹ - Triều bằng vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Như vậy, vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên đã kéo dài nhiều năm và giờ đây Bình Nhưỡng đã sở hữu loại vũ khí này (bao gồm ICBM) ở mức có thể gây nguy hiểm cho cả khu vực và toàn cầu. Cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng đã có nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc trừng phạt kinh tế và đe dọa tấn công quân sự… nhưng không hiệu quả.

Giới chuyên gia cho rằng rất có thể kịch bản “hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên sẽ được đưa ra trong bối cảnh “sức nóng” của vấn đề này đã lên đến cực điểm. Tuy nhiên, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc… có vị thế rất lớn trong việc giải quyết vấn đề thì họ lại đang có những toan tính lợi ích địa chiến lược. Vì thế, việc đưa lại hòa bình cho khu vực này vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước./.